Để công tác tuyên truyền PBGDPL đạt hiệu quả cao, giai đoạn 2020 - 2022, hai cơ quan đã tăng cường phối hợp tuyên truyền tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, giới thiệu nhiều văn bản pháp luật mới ban hành đến ĐVTN như: Bộ luật Hình sự; Luật Thanh niên; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật An ninh mạng; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống ma túy…
Cùng với đó, phối hợp tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Thanh niên với pháp luật” thu hút gần 11.000 người tham gia; phối hợp thành lập mô hình "Thanh niên nói không với vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải và nhân rộng mô hình tại xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.
Sở Tư pháp đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVTN thông qua việc lồng ghép vào 60 hội nghị tuyên truyền pháp luật tại cơ sở; tổ chức 4 đợt truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa tại cơ sở thu hút trên 14.000 lượt người dân và ĐVTN tham dự.
Thực hiện phối hợp trong công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh phối hợp tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý tại cơ sở.
Trong 3 năm qua, Trung tâm đã thực hiện 66 đợt truyền thông pháp luật đến các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh cho 5.039 người; thực hiện trợ giúp pháp lý 723 vụ, việc cho 1.136 người thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, trong đó có 228 thanh, thiếu niên.
Tỉnh đoàn Yên Bái đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tổ chức 898 buổi tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVTN, tập trung chủ yếu các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: phòng, chống mua bán người; phòng, chống ma túy; dân số và kế hoạch hóa gia đình; không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…; tổ chức vận động 100% học sinh trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ký cam kết không sử dụng trái phép chất ma túy, không vi phạm giao thông, không sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại pháo...
Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức cho 100% ĐVTN các cơ quan, trường học ký cam kết "không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội”; tổ chức ký cam kết với các cơ sở Đoàn thực hiện không có thanh niên nghiện ma tuý.
Tỉnh đoàn Yên Bái đã phát triển và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, thanh niên tình nguyện phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội như: mô hình Câu lạc bộ "Thắp sáng niềm tin”, Câu lạc bộ "Bạn giúp bạn”, "Hòm thư tố giác tội phạm”; mô hình xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, chi đoàn không có thanh niên nghiện ma túy; chi đoàn "3 không”, chi đoàn "4 không”...
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được trên 170 mô hình "Đội thanh niên tự quản đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư”; trên 280 mô hình câu lạc bộ thanh niên; các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố không có thanh niên mắc các tệ nạn xã hội; 72 mô hình xã, thôn, bản, chi đoàn không có thanh niên nghiện ma túy; 22 câu lạc bộ "Thanh niên phòng, chống tệ nạn xã hội”; 15 mô hình câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật”.
Thời gian tới, Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn Yên Bái sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng liên quan đến những vùng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình PBGDPL có hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác PBGDPL, đặc biệt là các ĐVTN.
Ngoài ra, sẽ biên soạn các loại tài liệu về công tác PBGDPL dưới nhiều hình thức như: sách, báo, tờ rơi, tranh, ảnh, video clip; lồng ghép các hoạt động PBGDPL với các ngày lễ kỷ niệm, các chương trình, phong trào của đoàn như: "Ba đến, ba cùng”, "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè’’, Chương trình tình nguyện mùa đông - xuân…
Hồng Oanh