Với các tình huống chân thực, sinh động dựa trên những vụ án hình sự có thật, phiên tòa giả định là sáng kiến của Thành đoàn Yên Bái trong việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVTN.
Tại các phiên tòa, các vi phạm liên quan đến lứa tuổi học sinh THPT đã được tái hiện qua các đoạn kịch ngắn dựa trên tình huống có thật nhằm đưa ra đề tài tranh luận trong việc chấp hành pháp luật. Sau trích đoạn kịch ngắn là phiên tòa giả định tham gia xét xử vụ án. Các ĐVTN tham dự cũng đã được ban tổ chức trực tiếp giải đáp các thắc mắc về nội dung liên quan, giúp các em có nhận thức sâu sắc hơn về việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Em Đặng Thu Trang - học sinh lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: "Phiên tòa giả định giúp em có thêm nhiều kiến thức pháp luật cần thiết. Đây cũng là một kênh tuyên truyền quan trọng, phổ biến kiến thức về pháp luật cho chúng em theo phương pháp mới, rất dễ hiểu và lôi cuốn. Qua đó, chúng em sẽ nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lối sống lành mạnh trong học đường”.
Xác định
tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVTN có vai trò quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ thanh niên luôn có ý thức thượng tôn pháp luật, Tỉnh đoàn Yên Bái đã đa dạng hóa nội dung và các hình thức tuyên truyền pháp luật với phương châm: "Mỗi cán bộ đoàn là một sứ giả truyền thông, mỗi ĐVTN là một tuyên truyền viên”.
Trong đó, các ĐVTN đã tập trung tuyên truyền về văn hóa giao thông, phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ứng xử, giao tiếp, nếp sống văn hóa trong ĐVTN, tuyên truyền gương người tốt việc tốt.
Nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức được trên 2.000 đợt
tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVTN; phát trên 40.000 tờ rơi tập trung vào luật phòng chống mua bán người; phòng chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội; dân số, kế hoạch hóa gia đình; không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; Luật Nghĩa vụ quân sự…
Cùng với đổi mới trong công tác tuyên truyền, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho ĐVTN thông qua các phong trào cách mạng như: thanh niên tình nguyện, sáng tạo trẻ, tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc… tạo sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, hành động của ĐVTN trong việc chấp hành pháp luật.
Từ đó, thu hút và tập hợp thanh niên tích cực tham gia các phong trào, thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực trong việc xây dựng văn hóa trong ĐVTN.
Anh Triệu Trí Lộc - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Đến nay, 100% các chi đoàn, đoàn cơ sở với 100% cán bộ đoàn và 80% ĐVTN được học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 100% các cơ sở đoàn tổ chức ít nhất hai hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, PBGDPL cho ĐVTN".
"Hàng năm, mỗi tổ chức, cơ sở đoàn triển khai các mô hình hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương thông qua việc duy trì hoạt động phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ hòa nhập cộng đồng của Tỉnh đoàn Yên Bái với Trại giam Hồng Ca, Tổng cục VIII – Bộ Công an và Trại Tạm giam Công an tỉnh” - Anh Triệu Trí Lộc cho biết thêm.
Có thể thấy, thông qua công tác tuyên truyền, PBGDPL giúp ĐVTN trong tỉnh nâng cao nhận thức đúng đắn về pháp luật, qua đó hình thành ý thức "Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thu Trang - Từ Thoa