Xác định phát triển cây dược liệu là chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu, trồng và chế biến. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng dược liệu.
Cụ thể là Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu: mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên khoảng 10.300 ha, chủ yếu trồng dưới tán rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng đã có nghị quyết về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó phát triển cây dược liệu với diện tích 5.000 ha…
Thời gian qua, Hội Đông y đã có nhiều hoạt động để các hội viên, các ông lang, bà mế trau dồi, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khám chữa bệnh (KCB) bằng y học cổ truyền (YHCT). Dưới sự tài trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái đã thực hiện Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” với các hoạt động: xây dựng chuỗi giá trị cây dược liệu; hỗ trợ người dân trồng, thu hái cây thuốc; lập hồ sơ đề nghị công nhận các bài thuốc gia truyền; thúc đẩy kinh doanh các bài thuốc tiềm năng…
Đặc biệt, vừa qua, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các ông lang, bà mế toàn tỉnh kết hợp YHCT và y học hiện đại (YHHĐ) trong điều trị bệnh với các cây thuốc, bài thuốc có giá trị như: điều trị rối loạn chuyển hóa bằng thuốc nam; rối loạn đường huyết thừa cân béo phì; bệnh đái tháo đường; gan nhiễm mỡ; hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc YHCT trong điều trị một số chứng rối loạn chuyển hóa; kinh nghiệm sử dụng cây thuốc, bài thuốc…
Được tham gia tập huấn, bà Hà Thị Thoa, thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chia sẻ: "Gia đình tôi hiện đã "thuần hóa” được nhiều loại cây thuốc quý, đã có bài thuốc trị sỏi thận gia truyền, được tham gia lớp tập huấn này, tôi sẽ kết hợp bài thuốc trị bệnh tốt hơn cho người dân”.
Tại lớp tập huấn này, các học viên nâng được cao năng lực chuyên môn trong công tác KCB bằng YHCT, kết hợp YHCT và YHHĐ trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại cơ sở.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển kinh nghiệm chữa bệnh bằng YHCT, tránh bị thất truyền. Bên cạnh đó, họ cũng sưu tầm những bài thuốc hay những cây thuốc quý có giá trị chữa bệnh tại địa phương. Đến nay, Hội Đông y tỉnh đã sưu tầm gần 1.000 bài thuốc dân gian, trong đó điển hình như bài thuốc trị rối loạn chuyển hóa li pit máu hay các bài thuốc trị đái tháo đường…
Đồng thời, tại các bệnh viện toàn tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, 25 phác đồ kết hợp YHCT và YHHĐ điều trị cho người bệnh; hàng năm gần 6.000 lượt người được KCB tại các cơ sở của ông lang, bà mế.
Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, toàn tỉnh hiện đã hình thành được một số vùng cây dược liệu lớn như: cây thảo quả khoảng 1.260 ha, quế trên 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha; hình thành các chuỗi giá trị như: hoài sơn, cỏ ngọt, giảo cổ lam tại huyện Văn Chấn; lá khôi tại Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; cà gai leo tại Văn Yên, Yên Bình... Các hợp tác xã, tổ sản xuất đã kết nối người dân từ khâu trồng đến chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả kết hợp YHCT và YHHĐ trong điều trị bệnh, hội viên và ông lang, bà mế toàn tỉnh cần có tinh thần tương hỗ và hợp tác bền chặt hơn nữa, thực hành tốt việc nuôi trồng, thu hái cây thuốc… góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Minh Huyền