Với đặc thù là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng và dịch vụ ngân hàng, Đảng bộ Agribank Yên Bái hiện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình "Văn hóa Agribank”. Agribank Yên Bái đã xây dựng, triển khai cuốn "Cẩm nang văn hóa Agribank” và tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên, các chi bộ, đoàn thể ký cam kết thực hiện chuẩn mực đạo đức. Trung thực, kỷ cương, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”.
Đổi mới phong cách phục vụ, tác phong giao dịch với thái độ làm việc chuyên nghiệp, lịch sự, tận tình và chu đáo, qua đó góp phần tạo dựng niềm tin, giữ gìn uy tín đối với khách hàng, đối tác.
Bà Đào Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Agribank Yên Bái cho biết: Một trong những nội dung quan trọng thực hiện mô hình "xây dựng văn hóa doanh nghiệp", đó là tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nét văn hóa nghĩa tình, nhân văn của từng cán bộ, đảng viên, người lao động. Do vậy, trong nhiều năm qua, Agribank Yên Bái đã luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo…
Từ năm 2016 đến nay, Agribank Yên Bái dành cho công tác an sinh xã hội trên 39 tỷ đồng. Từ việc làm này, đã có nhiều ngôi trường khang trang được đầu tư xây dựng; xây hàng trăm ngôi nhà mới cho các hộ gia đình nghèo…
Với phương châm không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, những năm qua, các hoạt động văn hoá DN của Công ty Điện lực Yên Bái ngày càng được đẩy mạnh góp phần gắn kết tập thể và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Ông Cao Bình Định - Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái chia sẻ: Để xây dựng có hiệu quả văn hóa doanh nghiệp và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ, công nhân viên, hơn ai hết, những người lãnh đạo tại đơn vị phải là những người tiên phong, gương mẫu trong việc thực thi văn hóa tại đơn vị. Qua đó, truyền cảm hứng và phong cách làm việc tới tập thể cán bộ, công nhân viên. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài để nâng cao uy tín và hình ảnh ngành điện ngày càng thân thiện, gần gũi và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều có ý thức thực thi văn hóa doanh nghiệp như trang phục, giờ giấc, văn hóa hội họp… luôn được cán bộ, công nhân viên chấp hành, tuân thủ quy trình.
Đối với Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn thì xây dựng văn hoá DN chính là xây dựng hình ảnh, uy tín của Công ty cho nên hàng năm đơn vị phát động phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thử nghiệm chất lượng, phát huy hiệu quả trong việc áp dụng sự tiến bộ của các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn: ISO9001, ISO14001, ISO/IEC17025 xuyên suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhờ vậy, từ chỗ chỉ sản xuất được 300 tấn sứ đỡ dây từ 10 - 15 kV và 300 tấn sứ dân dụng phục vụ nhu cầu dân sinh, đến nay bình quân mỗi năm, Công ty sản xuất, cung cấp ra thị trường trên 3.100 tấn sản phẩm sứ cách điện, doanh thu đạt trên 110 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 15 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người lao động đạt 8,4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, sản phẩm của Công ty không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu trực tiếp đến các nước: Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Nhật Bản, Mỹ...
Đặc biệt, sản phẩm sứ cách điện Hoàng Liên Sơn của Công ty đã được công nhận là sản phẩm thương hiệu quốc gia. Công ty đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý trong nước, quốc tế như: Giải Cầu vàng MADE IN VIETNAM; Giải thưởng vàng Chất lượng Việt Nam và nhiều huy chương vàng cho sản phẩm tại các kỳ hội chợ kinh tế kỹ thuật toàn quốc hàng năm, đặc biệt là Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á Thái Bình Dương - MEXICO 2003.
Mô hình "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp” cũng đã được Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh triển khai tới tất cả các chi, đảng bộ trực thuộc. Từ đó, tạo được sức lan tỏa và xây dựng cộng đồng DN nghĩa tình, nhân văn, vì mục tiêu phát triển vững mạnh.
Hồng Duyên