Yên Bái chủ động, linh hoạt tạo hiệu quả “Dân vận khéo”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/1/2023 | 7:46:11 AM

YênBái - Việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” được gắn liền với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Yên Bái đã và đang góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của toàn hệ thống chính trị đối với công tác dân vận và đối với Phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Giàng A Tông (người thứ nhất, bên phải) tham gia lao động cùng nhân dân địa phương trong “Ngày thứ Bảy cùng dân” tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Giàng A Tông (người thứ nhất, bên phải) tham gia lao động cùng nhân dân địa phương trong “Ngày thứ Bảy cùng dân” tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.


SÁNG TẠO TRONG PHONG TRÀO "DÂN VẬN KHÉO"

Trong năm 2022, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, các địa phương tiếp tục triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện công tác dân vận, thực hiện hiệu quả nhiều mô hình trong Phong trào "Dân vận khéo”.

Trên địa bàn huyện Văn Yên, "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn môi trường sống” là phong trào cho thấy rõ hiệu quả của công tác dân vận khéo. Đây là phong trào được Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Yên chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện chủ trì, phát động và triển khai thực hiện. Ngay từ khi bắt đầu, việc tổ chức thực hiện phong trào được triển khai một cách bài bản, đồng bộ và thống nhất từ huyện đến cơ sở. 

Lễ phát động Phong trào "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống” được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo tổ chức thành công tại xã Xuân Tầm và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. 

Cùng đó, ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết, nêu rõ những nội dung công việc cụ thể, tiến độ thực hiện và nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung phong trào. 

Qua 1 năm triển khai thực hiện, phong trào đã mang lại những kết quả rất tích cực. "Lắng nghe dân nói”, trong năm 2022, toàn huyện đã tổ chức được trên 1.000 hội nghị, cuộc họp, cuộc gặp gỡ với trên 86.600 lượt người tham gia để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; đồng thời trao đổi, tiếp thu các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thỏa đáng.

Hưởng ứng nội dung "Xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống”, 1.089 lượt thôn, tổ dân phố đã tích cực thực hiện với gần 73.000 lượt người tham gia, từ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến đoàn viên, hội viên và nhân dân trong toàn huyện. 


Một mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học của nông dân tại bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, Mù Cang Chải. 

Qua triển khai, nhân dân đã phát dọn, sửa chữa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm được trên 1.000 km đường giao thông; trồng mới 3.150 cây xanh khu vực nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; đào và xây mới 2.358 hố rác; nạo vét, khơi thông trên 139 km cống, rãnh; làm mới, sửa chữa 65 km đường điện "Thắp sáng đường quê”; chăm sóc, trồng mới 82 km đường hoa. 

Đặc biệt, trong năm 2022, huyện Văn Yên đã chỉ đạo tổ chức phát động Phong trào "Dịch rào, hiến đất nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn” gắn với Phong trào "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống” và đã tạo được sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện. 

Qua đó, đã tuyên truyền, vận động nhân dân dịch rào, mở rộng được trên 100 km đường giao thông với trên 270.000 m vuông đất nhân dân đã hiến; phá bỏ, tháo dỡ trên 13.000 m vuông công trình xây dựng và chặt bỏ gần 70.000 cây trồng các loại... 

Trong năm vừa qua, Phong trào "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống” đã lan tỏa sâu rộng tới các thôn, bản, khu dân cư, tổ dân phố trong toàn huyện Văn Yên, trở thành việc làm thường xuyên, thực chất, tạo khí thế thi đua ngay tại cơ sở, nhất là thi đua xây dựng và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, chung sức đồng lòng xây dựng cảnh quan môi trường, tạo diện mạo nông thôn đổi mới, khởi sắc, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

Tại huyện Yên Bình, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ khó khăn về nhà ở được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Với phương châm "Thực hiện đến đâu chắc đến đó”, để hoàn thành mục tiêu giúp các hộ nghèo cải thiện điều kiện sống, nhất là về nhà ở. 

Bên cạnh chú trọng việc thực hiện các chương trình, dự án giúp hộ nghèo, người có công phát triển kinh tế vươn lên ổn định cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí phụ trách cụm xã; đồng thời huy động nguồn lực "xã hội hóa” và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở, sự chung tay ủng hộ của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để tổ chức thực hiện. 

Năm 2022, qua rà soát, huyện Yên Bình có kế hoạch giúp 210 hộ nghèo khó khăn về nhà ở xóa nhà dột nát, với tiêu chí rất cụ thể đó là các hộ gia đình khi được hỗ trợ tiền làm nhà mới hoặc sửa chữa, nâng cấp phải đủ diện tích sử dụng và đảm bảo "3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà đảm bảo từ 10 năm trở lên. 

Theo đó, huyện Yên Bình đã vận động tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng góp để giúp đỡ làm nhà cho hộ nghèo và người có công; huy động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên thực hiện "3 cùng” với nhân dân, tham gia nhiều ngày công giúp hộ nghèo dỡ nhà, đào móng, san ủi nền, vận chuyển vật liệu, dọn dẹp, trồng hoa làm đẹp khuôn viên… 

Đến hết tháng 11/2022, huyện Yên Bình đã hoàn thành xây dựng 210 nhà cho hộ nghèo (tăng 61 nhà so với năm 2021, cao nhất từ trước đến nay), riêng 4 xã về đích nông thôn mới đã hoàn thành làm mới 56/56 nhà); tổng kinh phí là trên 4,1 tỷ đồng, trong đó từ nguồn quỹ "Ngày Vì người nghèo” cấp tỉnh trên 100 triệu đồng, Quỹ Nông thôn mới của huyện là trên 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa.

Năm 2022, Phong trào thi đua "Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên hưởng ứng tham gia; "Dân vận khéo” đã được triển khai trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện công tác dân vận. 

Trong năm qua, 173/173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có mô hình "Dân vận khéo”. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2.629 mô hình; trong đó: lĩnh vực phát triển kinh tế 833 mô hình, văn hoá - xã hội 1.031 mô hình, quốc phòng - an ninh 304  mô hình, xây dựng hệ thống chính trị 217 mô hình, xây dựng nông thôn mới 244 mô hình. Đã bình xét, lựa chọn được 311 mô hình "Dân vận khéo” điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, thông qua Phong trào thi đua "Dân vận khéo” đã nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, phản ánh đúng và trúng cho cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong quần chúng nhân dân; kịp thời phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo. 

Việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo” được gắn liền với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã và đang góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của toàn hệ thống chính trị đối với công tác dân vận và đối với Phong trào thi đua "Dân vận khéo”.

LỒNG GẮN PHONG TRÀO VỚI CÔNG TÁC HỘI

Xác định vai trò quan trọng của công tác dân vận, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chú trọng chỉ đạo các cấp Hội chủ động triển khai thực hiện tốt các nội dung, Phong trào thi đua "Dân vận khéo” lồng gắn với các phong trào, các cuộc vận động và 3 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội.

Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho  biết: Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh xây dựng các mô hình "Dân vận khéo” đến đông đảo các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động. 

Các cấp Hội chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với các đối tượng hội viên, phụ nữ nhằm triển khai phong trào sâu rộng; thường xuyên tuyên truyền, nêu những gương điển hình xây dựng mô hình "Dân vận khéo” của các cấp Hội trên trang Fanpage Phụ nữ Yên Bái, nhóm Zalo phụ nữ các cấp… nhằm khuyến khích, động viên phong trào. 

Qua đó trong năm 2022, các cấp Hội đã đăng ký thực hiện 10 mô hình "Dân vận khéo”, gồm 2 mô hình cấp huyện và 8 mô hình cấp xã; trong đó có 4 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, 6 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế. 



Hội viên, phụ nữ thôn Đại Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình tham gia trồng tuyến đường hoa.   

Qua bình xét, cả 10 mô hình đều đạt mô hình "Dân vận khéo”, góp phần nâng tổng số mô hình "Dân vận khéo” được duy trì thực hiện hiệu quả trong các cấp Hội đến năm 2022 là 47 mô hình, cụ thể: lĩnh vực kinh tế có 13 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 30 mô hình, xây dựng nông thôn mới có 4 mô hình.

Trong lĩnh vực kinh tế, có thể kể đến mô hình chăn nuôi gà của hộ gia đình chị Triệu Thị Thuận thôn Hồng Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, hay như mô hình phát triển kinh tế ao - chuồng của hộ chị Lý Thị Huyền, dân tộc Mường, Chi hội Phụ nữ thôn Vũ Thịnh, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn. 

Chị Lý Thị Huyền chia sẻ: "Sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Hội Phụ nữ đã tiếp thêm tinh thần, khát vọng phát triển kinh tế của gia đình nên gia đình cũng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn thịt 20 con, bò 10 con, ao cá 1.500 m vuông và thu mua phế liệu, tạo việc làm cho 40 lao động. Năm qua, gia đình có thu nhập khoảng 500 triệu đồng”. 

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, có thể kể đến mô hình xây dựng và duy trì tuyến đường hoa tại thôn Đại Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Chi hội Phụ nữ thôn Đại Thân đã vận động các hộ gia đình đóng góp kinh phí 12,5 triệu đồng để trồng 1.450 m đường hoa. Để duy trì tuyến đường hoa, Chi hội đã phân công các hội viên hàng ngày tưới nước; hàng tuần chăm sóc, cắt tỉa và vệ sinh đoạn đường làng, ngõ xóm đảm bảo xanh, sạch, đẹp. 

Sau một thời gian thực hiện, các hộ trong thôn đã chủ động chăm sóc, cắt tỉa và trồng hoa tại khu vực trước khuôn viên gia đình. 

Mô hình thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” tại thôn An Khang, xã Đông An, huyện Văn Yên cũng là một trong những mô hình "Dân vận khéo” tiêu biểu. Hội Phụ nữ thôn đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên đăng ký tham gia mô hình, phối hợp với Chi bộ thôn chỉ đạo Chi hội Phụ nữ thôn rà soát các hộ chưa đạt tiêu chí để triển khai hỗ trợ. Đến nay, đã có trên 95% hộ gia đình tham gia đạt tiêu chí "gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần trong thực hiện nông thôn mới trên địa bàn. 

Các mô hình "Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp hội phụ nữ duy trì, đồng thời nhân rộng và xây dựng thêm các mô hình mới nhằm góp phần tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 trong công tác Hội; phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ  được giao trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2023.

TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN

Nhận thức rõ vai trò của công tác dân vận trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Dân vận khéo”. 

Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các phong trào, cuộc vận động do tỉnh và trung ương phát động.

Trong năm 2022, cùng với tổ chức quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2022, Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động nhân dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tôn giáo, loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; nâng cao chỉ số hạnh phúc; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… 

Công tác nắm tình hình nhân dân và phản ánh ý kiến của nhân dân đến các cơ quan Đảng, Nhà nước tiếp tục được ủy ban MTTQ các cấp triển khai kịp thời. Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền và nghiên cứu dư luận xã hội, giai đoạn 2019 - 2024, đồng thời tăng cường và chủ động cung cấp nguồn tin chính thống cho nhân dân. 

Hiện Ủy ban MTTQ các cấp đã thành lập được 165 (Fanpage) - "Trang cộng đồng”; 100% ban công tác mặt trận thành lập nhóm Zalo để thông tin kịp thời những vấn đề tin tức thời sự đến toàn thể cán bộ và nhân dân. Trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ tỉnh thường xuyên đăng tải các bài viết phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh… 

Nhờ triển khai linh hoạt, sáng tạo công tác tuyên truyền, vận động nên các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban MTTQ chủ trì, phát động đã thu được kết quả tích cực, thu hút sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh hàng năm. 

Trong năm 2022, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tự nguyện hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất; ủng hộ gần 100 tỷ đồng để xây dựng 27 nhà văn hóa và 335 km đường giao thông nông thôn; tham gia trên 270.000 ngày công phát dọn, sửa chữa, vệ sinh 2.265 km đường làng, ngõ xóm; đào và xây mới 736 hố rác; nạo vét trên 1.200 km cống, rãnh; xây dựng mới 253 tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê”; chăm sóc và trồng mới 595 tuyến đường hoa; trồng trên 15 nghìn cây xanh..., góp phần đưa Yên Bái trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. 

Thực hiện công tác vận động Quỹ ”Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp đã tiếp nhận trên 18 tỷ đồng, đã phân bổ kinh phí xây dựng 108 nhà "Đại đoàn kết” cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với kinh phí hỗ trợ trên 5,2 tỷ đồng; tặng 7.574 suất quà tết Nhâm Dần cho hộ nghèo với số tiền trên 4,2 tỷ đồng; triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế giúp hộ nghèo thoát nghèo với tổng kinh phí 75 triệu đồng… 

Triển khai tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân”, 100% các thôn, bản, tổ dân phố đã tổ chức thực hiện, trong đó có 1.256/1.356 thôn, tổ dân phố tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội, đạt 95%. 

Thông qua tổ chức tốt Ngày hội đã tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, tăng tình đoàn kết, gắn bó trong nhân dân; động viên, khích lệ nhân dân hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Năm 2022, toàn tỉnh có 82% số gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá”; 69% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn thôn, tổ văn hoá; 795/1.415 tổ tự quản đạt tiêu biểu xuất sắc. Toàn tỉnh có 99/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Phát huy hiệu quả công tác dân vận, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động; phối hợp cùng chính quyền, các tổ chức thành viên hướng các hoạt động quần chúng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; kịp thời nhân rộng những mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống. 

Cùng với đó, chủ động nắm tình hình nhân dân, kịp thời đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tăng cường đối thoại, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tốt vai trò người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, tôn giáo...

Thu Hạnh - Hồng Oanh

Tags chủ động linh hoạt Dân vận khéo nông thôn mới đô thị văn minh hiến đất dịch rào công tác hội

Các tin khác
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh cùng lãnh đạo Tỉnh đoàn Yên Bái tuyên dương các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Chiều nay - 14/5, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Hội thi "Thiếu nhi Yên Bái tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và tìm hiểu Nghệ thuật Xòe Thái” và Liên hoan Thiếu nhi vượt khó năm 2024. Dự chương trình có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 14/5, Huyện ủy Yên Bình tổ chức họp bàn công tác chuẩn bị Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn Nông thôn mới gắn với công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Hồ Thác Bà.

Ảnh minh họa.

Nhằm phục vụ cao điểm Hè 2024, ngành đường sắt tăng cường chạy tàu Thống nhất giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; đồng thời, áp dụng nhiều chính sách giảm giá vé.

Hội Phụ nữ thôn Bó Mi tham gia hội thi trưng bày sản phẩm nông sản tại các gian hàng Chợ quê xã Tân Phượng.

Thôn Bó Mi, xã Tân Phượng có 95 hộ, 415 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Dao. Thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân đang ngày một nâng cao, giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Các tổ chức hội, đoàn thể của thôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện hiệu quả nhiều phong trào, trong đó phong trào chống rác thải nhựa của Hội Phụ nữ (HPN) thôn đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục