Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo
- Cập nhật: Thứ hai, 1/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực từ quy mô trường lớp đến chất lượng giáo dục. Năm học 2006 - 2007, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động.
Giờ thực hành môn tin học của học sinh Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ.
|
Sự phát triển không ngừng về quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục của tỉnh là một điều đáng mừng. Đến năm học 2005 - 2006, toàn ngành có 557 trường, tăng 89 trường so với năm học 2002 - 2003; tổng số có 5.977 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng học xây đạt 89%. Bằng sự nỗ lực của trên 13.127 cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức toàn ngành và sự ủng hộ của các ngành, các cấp và các bậc phụ huynh, chất lượng giáo dục đào tạo ở các ngành học, bậc học đã được nâng lên. Năm học vừa qua, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 74,6%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98,75%; tỷ lệ huy động trẻ 6 - 10 tuổi đạt 98,8%; 100% các trường tiểu học học đủ các môn; có 15 em đoạt giải quốc gia “Vở sạch chữ đẹp”.
Ở bậc THCS, có 275 học sinh giỏi cấp tỉnh, bậc THPT có 141 học sinh giỏi cấp tỉnh, đặc biệt trong đội tuyển 64 em dự thi học sinh giỏi quốc gia có 20 em đoạt giải. Kết quả xét tốt nghiệp THCS đạt 99,36%; bậc THPT đạt 96,72%, bổ túc THPT đạt 96,32%. Kết quả CMC - PCGDTH giữ vững và nâng cao chất lượng theo hướng PCGDTH đúng độ tuổi. Toàn tỉnh có 180/180 xã, phường, thị trấn; 9/9 huyện, thị xã, thành phố duy trì chuẩn quốc gia CMC - PCGDTH; 7/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS và đã có 23 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 2 trường THCS.
Năm học này, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục; phấn đấu đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98,5%; phấn đấu có 130 xã, phường hoàn thành PCGDTH đúng độ tuổi; 173 xã, phường, thị trấn hoàn thành PCGD THCS và toàn tỉnh được công nhận PCGD THCS vào cuối năm 2007. Để thực hiện kế hoạch, ngành giáo dục - đào tạo đã có một số giải pháp triển khai ngay từ đầu năm học. Bà Nông Thị Bích Hà - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cho biết: “Thực hiện mục tiêu đã đề ra trong năm học này và nhất là việc nâng cao chất lượng giáo dục, trước khi vào năm học mới, ngành đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, tập huấn thay sách giáo khoa cho giáo viên, tổng kết năm học 2005 - 2006; triển khai kế hoạch tuyên truyền thực hiện nghiêm cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, ký cam kết với các phòng giáo dục và các đơn vị trực thuộc, các phòng ký cam kết với các trường, ban giám hiệu các trường tổ chức ký cam kết với giáo viên ở các tổ ngay từ đầu năm học. Ngành cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường, các đơn vị trực thuộc phải tổ chức thi cử đúng quy chế “không có trường hợp ngoại lệ”; đánh giá chất lượng giáo dục phải đúng với thực tế, không chạy đua theo thành tích”.
Thầy Đinh Hải Triều - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên) nói về một số biện pháp của nhà trường trong việc thực hiện cuộc vận động “Hai không”: “Ngay từ 31/8/2006, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức ký cam kết với giáo viên ở các tổ và triển khai cuộc vận động này đến học sinh và phụ huynh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Cuối học kỳ 1 và học kỳ 2, nhà trường bố trí kiểm tra chéo và chấm chéo các môn học. Nếu thấy môn học nào kết quả bất hợp lý, nhà trường sẽ yêu cầu tổ chuyên môn ra đề kiểm tra lại và nếu không đúng chất lượng, giáo viên dạy môn đó phải chịu trách nhiệm”. Không chỉ có các trường thực hiện nghiêm cuộc vận động mà chính các bậc phụ huynh học sinh cũng đã vào cuộc. Chính vì vậy, trong năm học này, nhiều hội phụ huynh ở các trường như: Trường THPT Trần Nhật Duật (Yên Bình), Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái) và nhiều trường khác sẽ xóa bỏ “tiền lệ” học sinh đóng tiền để lo chỗ ăn, nghỉ cho giám thị coi thi cũng như tặng quà cho giáo viên trong những ngày lễ, tết v.v…
Mong rằng, năm học 2006 - 2007 và những năm học tiếp theo, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái sẽ có những giải pháp thiết thực hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng cao.
Minh Hằng