Dự thảo nghị định gồm 5 chương với 25 điều. Trong đó, một chương quy định về những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Chương này quy định về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức và công dân; với đồng nghiệp; với cấp trên; với cấp dưới; với tổ chức, cá nhân nước ngoài; với cơ quan thông tấn, báo chí; ứng xử tại nơi cư trú; nơi công cộng; qua điện thoại.
Cụ thể, trong giao tiếp với dân, cán bộ, công chức, viên chức không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.
Với đồng nghiệp không bè phái, cục bộ, có lời nói, hành động gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, nói không đúng sự thật, hạ uy tín, trả thù cá nhân trong cơ quan, đơn vị.
Với cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên; chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến với cấp trên về biện pháp quản lý, điều hành.
Với cấp dưới phải tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới; không quan liêu, hách dịch, coi thường cấp dưới.
Cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, không có hành vi bạo lực gia đình.
Không tổ chức tiệc cưới, ăn hỏi, đám ma, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các công việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.
Cạnh đó, không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, công dân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức tại nơi cư trú.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; sử dụng thời giờ làm việc; quy định họp, hội nghị, xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ.
Trong đó quy định rõ việc không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc.
Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc.
Một bộ phận cán bộ công chức còn yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân
Bộ Nội vụ nêu rõ ngoài các căn cứ về chính trị, pháp lý và văn bản chỉ đạo của các cơ quan, thời gian qua bộ đã phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện đánh giá thực trạng thực hiện các nội dung về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước.
Qua đó cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và đồng nghiệp.
Cạnh đó, vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của bộ, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức...
Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chủ yếu vẫn làm theo chuyên đề, theo đợt cao điểm.
Việc xử lý vi phạm về đạo đức công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa mang tính răn đe, chưa thật sự nghiêm…
Do đó, cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành nghị định ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ làm căn cứ để các bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước.
(Theo TTO)