■ Ông Triệu Tòn Triệu ở xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên hỏi: Tôi đang làm ở công ty và có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Tôi cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) diện vùng 135. Hiện nay, thẻ BHYT được cấp miễn phí của tôi đã hết hạn vào ngày 28/2/2023, còn thẻ BHYT do công ty đóng từ ngày 9/3/2023 đến ngày 31/12/2023. Vậy, tôi có thể chuyển đổi mã quyền lợi BHYT được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?
BHXH tỉnh trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 13 và Khoản 2, Điều 22 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014, trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này và được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Trường hợp của ông thuộc diện người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được ngân sách Nhà nước đóng BHYT (nhóm 3), nay đi làm thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng (nhóm 1), được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cao nhất theo nhóm 3.
Để được thay đổi mã quyền lợi BHYT, ông cần lập Tờ khai đăng ký tham gia, điều chỉnh thông tin đóng BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) kèm theo giấy tờ chứng minh hưởng quyền lợi cao hơn theo hướng dẫn tại Khoản 4, Mục I, Phụ lục 03 của Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam. Sau đó, ông nộp hồ sơ cho công ty nơi mình đang làm việc, để gửi cơ quan BHXH nơi quản lý thu thực hiện đổi mã quyền lợi thẻ BHYT cho ông.
■ Bạn đọc có địa chỉ Email: levuhongphuc2612@gmail.com hỏi: Tôi thuộc đối tượng người khuyết tật được cấp BHYT trọn đời, nhưng sau khi đi làm tại doanh nghiệp thì thẻ BHYT của tôi đã bị khóa và chuyển sang BHYT bắt buộc do công ty đóng. Hiện nay, tôi nghỉ làm và thẻ BHYT bắt buộc đã bị hủy. Vậy, nếu gia đình tôi không tham gia BHYT hộ gia đình, thì tôi có thể tự xin gia hạn BHYT cho người khuyết tật được không?
BHXH tỉnh trả lời: Tại Khoản 5, Điều 11, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: UBND xã có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội.
Trường hợp bạn là người khuyết tật trước đó đã được cấp thẻ BHYT dành cho người khuyết tật, sau đó đi làm và đóng BHYT tại doanh nghiệp thì khi nghỉ làm không còn thuộc đối tượng đóng BHYT tại doanh nghiệp. Vì vậy, bạn đề nghị UBND xã nơi cư trú lập danh sách tham gia BHYT theo diện người khuyết tật, rồi gửi cơ quan BHXH để được giải quyết theo quy định.
■ Bạn đọc có địa chỉ Email: ngothilan1110@gmail.com hỏi: Em tôi có thời gian tham gia BHXH tính đến tháng 11/2022 là 16 năm 7 tháng. Em tôi đang điều trị ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện K - Tân Triều, Hà Nội từ tháng 2/2022 đến nay. Xin hỏi, em tôi được hưởng những quyền lợi gì khi khám và điều trị bệnh, đặc biệt là quyền lợi khi có trên 15 năm tham gia BHXH?
BHXH tỉnh trả lời: Điểm đ, Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT khi đồng thời đạt đủ các điều kiện sau: có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên; có số tiền cùng chi trả chi phí KCB của những lần đi KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 8.940.000 đồng); đi KCB đúng tuyến. Như vậy, khi đạt đủ các điều kiện nêu trên, người nhà của bạn sẽ không phải cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm đó ngay tại cơ sở KCB. Cơ sở KCB sẽ có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH cấp giấy miễn cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm đó.
Hồng Duyên