Trọn đời cho sự nghiệp ngành y
- Cập nhật: Thứ ba, 27/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hơn 36 năm công tác gắn bó với nghề vậy mà ông vẫn ngại ngùng khi tôi nêu ý định tìm hiểu về những đóng góp của ông đối với ngành y, ông cười: "Chẳng có gì đâu, mình cũng như mọi người thôi". Có thể nói, ông Nguyễn Kiến Đào - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã cống hiến gần như trọn cuộc đời cho sự nghiệp y tế tỉnh Yên Bái.
Ông Nguyễn Kiến Đào (người đứng giữa) cùng các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái thăm khám người bệnh, chẩn đoán kịp thời bệnh hiểm nghèo cho bệnh nhân.
(Ảnh: Thanh Sơn)
|
Sinh ra trên mảnh đất Phú Cường, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, lớn lên và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, anh thanh niên Nguyễn Kiến Đào có một ước nguyện duy nhất là trở thành một bác sỹ giỏi. Và ý nguyện đó đã được thực hiện. Năm 1967, ông thi đỗ vào Trường Y sỹ tỉnh Lào Cai (Lớp Y sỹ chính quy khóa 18, là khóa đầu tiên của tỉnh). Tháng 12/1970, ông tốt nghiệp, về công tác tại Bệnh viện tỉnh Lào Cai. Tháng 6/1971, ông lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, làm nhiệm vụ trên đất bạn Căm-pu-chia. Trong những năm tháng ở chiến trường, ông được giao nhiệm vụ chăm lo, theo dõi, bảo vệ sức khỏe cho các chỉ huy trung đoàn, sư đoàn và quản lý sức khỏe cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn bộ binh; phối hợp với hậu cần kiểm tra công tác nuôi dưỡng cán bộ, trực tiếp điều trị bệnh sốt rét cho bộ đội khi đang hoạt động ở các tỉnh thuộc địa bàn vùng núi Tây Nguyên; cùng 2 đồng chí y tá chăm sóc, điều trị cho 160 thương binh ở Đắc Tô, Tân Cảnh (Kon Tum); khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đức Xuyên, thị xã Gia Nghĩa. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Tháng 3/1979, ông chuyển về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, làm Trưởng khoa Ngoại, Quyền Trưởng khoa Chấn thương, Y tá trưởng Bệnh viện. Nhằm nâng cao kiến thức, tháng 12/1985, ông theo học lớp Đại học Y khoa Thái Nguyên. Những năm học tại Trường, ông luôn đạt danh hiệu sinh viên tiên tiến xuất sắc, được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng, giao làm Bí thư Chi bộ khối sinh viên hệ chuyên tu. Tháng 12/1988, tốt nghiệp ra trường, ông trở về cơ quan cũ công tác.
Năm 1989, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Bệnh viện phụ trách công tác chuyên môn, rồi chuyển sang công tác hậu cần. ở cương vị mới với bộn bề khó khăn, nhưng với ý chí, nghị lực cộng thêm những năm tháng được tôi luyện ở chiến trường và lòng say mê nghề nghiệp, ông đã cùng với Ban Giám đốc lãnh đạo các khoa, phòng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; trực tiếp tham gia hội chẩn, giải quyết, xử lý hiệu quả nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo, cứu sống nhiều bệnh nhân. Điển hình là bệnh nhân Trần Xuân Biều - cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh bị gẫy đốt sống cổ, Nguyễn Văn Hòa - Công ty Xây dựng số 1 bị nhiễm trùng huyết do viêm mủ bàng quang, Nguyễn Đức Hải ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) bị gẫy cột sống lưng chèn ép tủy, Nguyễn Anh Tú ở thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) bị gẫy xương đùi phức tạp. Gần đây nhất là bệnh nhân Phạm Ngọc Chiến - 12 tháng tuổi ở Việt Hồng (Trấn Yên) bị viêm ruột thừa, bệnh nhân Tâm ở Sở Giáo dục và Đào tạo bị viêm phúc mạc do viêm ruột thừa…
Ngoài ra, ông còn là Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, ủy viên Hội đồng Khoa học cơ sở, trực tiếp làm chủ đề tài: "Một số nhận xét về tình hình chấn thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái năm 2000". Ông cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ TDTT, xây dựng Bệnh viện có phong trào TDTT mạnh nhất toàn ngành, được Sở TDTT tỉnh tặng nhiều cờ và bằng khen; giáo dục cán bộ, công nhân viên quan tâm tới các hoạt động nhân đạo: đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người già cả không nơi nương tựa, người nghèo; tham gia ủng hộ quỹ "Tấm lòng vàng", "Đền ơn đáp nghĩa"… và thực hiện tốt 12 điều y đức.
Hơn 36 năm liên tục phục vụ ngành y tế trong và ngoài quân đội, ông đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ghi nhận công lao đó, ông Nguyễn Kiến Đào được Bộ Y tế, UBND tỉnh Yên Bái, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Sư đoàn 10 tặng bằng khen; hai lần đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở cùng nhiều giấy khen và huân, huy chương. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2-2006, ông vinh dự được đón nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.
Hương Bưởi
Các tin khác
YBĐT - Năm 2006, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Y tế, sự phối hợp tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức, ngành y tế đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt nhiều thành tích trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân với 10 thành tựu nổi bật:
YBĐT - Đoàn thanh niên là một tổ chức chính trị xã hội tập trung đông đảo thanh niên - lực lượng nòng cốt của xã hội. Mạng lưới tổ chức Đoàn rộng khắp ở các xã, phường, cơ quan, xí nghiệp, từ vùng thấp đến vùng cao,vùng sâu, vùng xa...
YBĐT - Thế là mùa đông đi qua, mùa xuân mới đã đến. Những tia nắng nhẹ buổi sớm đang xua đi những mảng sương mù còn chậm chạp bay trên những cánh đồng của xã Mường Lai, huyện Lục Yên. Do chủ động có lịch điều hành tưới tiêu, quản lý tốt đến nay ruộng có đủ nước cày cấy. Cách tết vài ba ngày trà lúa đông xuân sớm đã cấy xong, bà con tập trung cấy trà lúa xuân chính vụ.
YBĐT - Là 3 trong 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, Hồng Ca, Lương Thịnh, Tân Đồng đều có điểm chung là kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Đây chính là những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng. Vì vậy, dự án "Phát triển y tế dựa vào cộng đồng tại các vùng khó khăn" do Chương trình hợp tác y tế Việt Nam và Thụy Điển được triển khai trên địa bàn 3 xã là việc làm cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây.