Tại ca làm việc của Trạm bơm cấp 2,Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái, ngoài giám sát chất lượng nước qua hệ thống tự động, cán bộ kỹ thuật Công ty còn kiểm tra trực tiếp các khâu sản xuất. Trong quá trình tác nghiệp, đội ngũ được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, kỹ năng phòng, chống cháy nổ, quy trình kỹ thuật vận hành an toàn thiết bị.
Anh Đặng Thế Hoài - công nhân vận hành Trạm bơm cấp 2, chia sẻ: Công ty đã trang bị đầy đủ cho chúng tôi quần áo bảo hộ. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra máy móc, trang thiết bị đảm bảo an toàn trước khi giao ca, kiểm tra các khớp nối, nhiệt độ động cơ xem có ổn không. Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chúng tôi cũng luôn chấp hành đúng đủ, chính xác các quy định của Công ty.
Với 24 công nhân ở cả 2 trạm bơm, mỗi ngày Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái cung cấp 16.500 m3 nước, phục vụ 24 nghìn khách hàng trong tỉnh. Công ty đã phát động phong trào "Mỗi tổ trưởng công đoàn là một an toàn vệ sinh viên”, đồng thời khuyến khích các đoàn viên có sáng kiến cải tiến kỹ thuật để đảm bảo ATVSLĐ.
Ông Nguyễn Tiến Lục - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần cấp nước và xây dựng Yên Bái, cho biết: "Phát huy vai trò "Mỗi tổ trưởng công đoàn là một an toàn vệ sinh viên”, ngoài quan tâm đến đời sống của đoàn viên, quan tâm thăm hỏi ốm đau, Công ty còn sâu sát công tác đảm bảo ATVSLĐ, kiểm tra kỹ thuật, báo với trưởng ca, để có các ca trực an toàn".
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái giám sát các thông số qua hệ thống máy móc tự động.
Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái có 7 nhà máy, 514 công nhân. Thời gian qua, Công ty đã áp dụng triệt để quy tắc "5S" trong sản xuất, đó là ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ, tiêu chuẩn hóa, kỷ luật, trang bị bảo hộ lao động và các kiến thức về ATVSLĐ cho các cán bộ, công nhân và người lao động. Tổ trưởng tổ công đoàn đều là những công nhân có tay nghề cao, nhiệt tình trách nhiệm. Họ không chỉ là những tuyên truyền viên mà còn có trách nhiệm trong việc tự kiểm tra, nhắc nhở đồng nghiệp làm tốt công tác an toàn lao động hàng ngày.
Ông Lê Thanh Nghiệp - Giám đốc Nhà máy gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc, Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, cho hay: "Là đơn vị sản xuất vàng mã nên an toàn lao động được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, hàng năm Công ty luôn rà soát kiểm tra ATLĐ, phòng chống cháy nổ, hệ thống quạt thông gió, hút bụi để đảm bảo môi trường làm việc cho công nhân".
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp đã tích cực thực hiện nội quy, quy trình kỹ thuật, rà soát, bổ sung kịp thời nội quy an toàn vận hành thiết bị mới, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Những doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao đều thực hiện diễn tập PCCC, cứu nạn, cứu hộ, có phương án xử lý kịp thời khi các tình huống xảy ra.
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy- cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: "Đơn vị đã triển khai kế hoạch phòng chống cháy, nổ cho từng doanh nghiệp; khuyến cáo từng cơ quan đơn vị trang bị phương tiện chữa cháy; hướng dẫn các đơn vị có nguy cơ cháy nổ cách sắp xếp hàng hóa an toàn, phòng, chống cháy nổ, trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, sơ đồ thoát hiểm khi có cháy xảy ra".
Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 diễn ra từ ngày 1/5 - 31/5/2023 có chủ đề "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” và "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”. Tích cực hưởng ứng, các sở, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Theo ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ, tập trung cải thiện điều kiện làm việc một cách tốt nhất, thường đánh giá những rủi ro trong lao động sản xuất để có thông báo phòng, ngừa; treo biển cảnh báo nguy hiểm tại nơi có nguy cơ cao. Công tác đảm bảo ATVSLĐ được thực hiện hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.
Trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, những nguy cơ mất an toàn lao động luôn hiện hữu. Do đó, việc kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng chính là bảo vệ nguồn nhân lực, tài sản giá trị của mỗi doanh nghiệp, để cùng thực hiện tốt phương châm "An toàn để sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”.
Minh Huyền - Đức Toàn