Điểm tựa của những hộ nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 8/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mù Cang Chải đang độ xuân về. Hoa tớ dảy nở thắm bên núi. Trong cái nắng hanh vàng nhưng vẫn còn hơi se lạnh chúng tôi đến thăm một số gia đình đồng bào Mông đã thoát nghèo nhờ có sự trợ giúp của vốn vay ngân hàng.
Nông dân bản Thào Chua Chải - xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) mua máy xay xát để làm dịch vụ và chế biến thức ăn cho chăn nuôi.
|
Đến gia đình ông Hảng Vàng Chống ở bản Chống Tông, xã La Pán Tẩn chúng tôi được cả gia đình ông đón tiếp bằng lòng mến khách chân chất của người Mông. Mấy năm trước, gia đình ông là một trong những hộ nghèo của xã La Pán Tẩn. Nhà có gần chục miệng ăn nhưng ngoài hơn nửa ha ruộng cấy 1 vụ, gia đình ông chẳng có thu nhập gì khác nên cái đói cứ triền miên năm này qua năm khác. Năm 2005, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Với 6 triệu đồng được vay, ông đã đầu tư để nuôi 40 đõ ong mật. La Pán Tẩn có nhiều rừng, nhiều hoa nên việc nuôi ong của ông gặp nhiều thuận lợi. Vào tháng 3, tháng tư hàng năm khi mùa hoa rừng nở rộ, mỗi tháng ông Hảng Vàng Chống quay được trên 100 lít mật. Tư thương ở dưới thị trấn huyện tìm đến tận nhà ông để mua mật. Ngoài nuôi ong, gia đình ông còn dùng vốn vay ngân hàng mua phân bón về để chăm sóc lúa và trồng được hơn 2000 gốc thảo quả.
Còn ông Lý Súa Rùa ở bản La Pán Tẩn lại vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển nuôi bò. Với số tiền 12 triệu đồng được vay trong 2 lần, ông Rùa đã mua bò về nuôi và sau vài năm đến nay đàn bò của gia đình ông đã lên tới 15 con. Ông Rùa nói với chúng tôi rằng: “Mình được ngân hàng cho vay 2 lần, đến nay mình đã có đàn bò nhiều nhất bản. Nuôi bò thấy lợi lắm, mình đã trả được ngân hàng 8 triệu rồi, chỉ còn nợ 4 triệu. Mình đã mua được xe máy, mua được máy xay xát. Tết này nhà mình mổ con lợn hơn 100 kg, mời mọi người trong bản đến uống rượu cho vui!
Gia đình ông Hảng Vàng Chống và ông Lý Súa Rùa chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ nghèo trong huyện đã được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình.
Riêng năm 2006, Ngân hàng đã cho 1600 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vay 8 tỷ 350 triệu đồng, trong đó cho vay hộ nghèo chiếm gần 80% doanh số cho vay. Vốn đầu tư của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải đã giúp hộ nghèo mua được gần 1500 con gia súc, khai hoang gần 14 ha ruộng nước, trồng được trên 128.000 cây thảo quả, nuôi 86 đàn ong mật, cải tạo hơn 2 ha chè...
Để vốn ưu đãi của ngân hàng đến được với hộ nghèo, Ngân hàng đã đặt điểm giao dịch tại UBND các xã cách trụ sở giao dịch có bán kính 5km. Hàng tháng bố trí cán bộ đến các điểm giao dịch để thực hiện quy trình nghiệp vụ. Nhờ đó, vốn của ngân hàng đã phủ khắp 112 bản trong huyện và đến đúng đối tượng đầu tư. Vốn vay đã được đồng bào sử dụng đúng mục đích và mang lại lợi ích kinh tế. Một số hộ đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
Trong năm 2006, đã có 344 hộ thoát nghèo nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện từ 75,83%/năm 2005 xuống còn 69% vào thời điểm hiện nay.
Năm 2007, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải phấn đấu đạt tổng dư nợ 21 tỷ 250 triệu đồng, trong đó dư nợ hộ nghèo là 16 tỷ 650 triệu đồng, còn lại là dư nợ cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao chất lượng tín dụng, hạ tỷ lệ nợ quá hạn xuống 2% trên tổng dư nợ.
Để thực hiện được mục tiêu này, Ngân hàng tập trung bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện, nghị quyết HĐND huyện về chương trình xóa đói giảm nghèo mà trước mắt là tập trung cho chương trình phát triển chăn nuôi bò theo hướng bán công nghiệp, cải tạo cây công nghiệp; phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát, xử lý nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng; tập huấn nghiệp vụ cho tổ vay vốn, phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương giúp đồng bào sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn.
Bạch Liên
Các tin khác
YBĐT - Trường Công nhân Kỹ thuật Yên Bái được thành lập ngày12/02/1992 trên cơ sở hợp nhất 3 trường gồm: Trường Công nhân Kỹ thuật công nghiệp, Trường Công nhân Kỹ thuật xây dựng và Trường Công nhân Kỹ thuật giao thông vận tải. Từ đó đến nay, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là nơi đào tạo nghề cho con em các dân tộc tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Yên Bái) thường xuyên duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt và học tốt. Có được kết quả đó là có phần đóng góp tích cực của đội ngũ nữ giáo viên nhà trường.
YBĐT - Chuyên đề “Nâng cao chất lượng cho trẻ em làm quen với Văn học -chữ viết” do Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm học 2002 - 2003 trên phạm vi toàn quốc. Qua 4 năm chỉ đạo thực hiện, ngành học giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái đã có nhiều hoạt động tích cực để nâng cao chất lượng chuyên đề và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
YBĐT - Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, những năm qua, phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái đã ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XII, góp phần cùng các ngành, các cấp hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2006.