Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 748/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế để giảm thiểu và hạn chế cơ bản những ảnh hưởng của bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm an toàn cho nhân dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn và giúp đỡ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch là phải nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương cho phù hợp nhằm phát huy khả năng, huy động, sử dụng các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (Chương trình 504).
Nhiệm vụ của kế hoạch là xây dựng và ban hành Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho quản lý, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng; triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân, chỉ tiêu khoảng 500.000ha.
Đầu tư nâng cấp ít nhất 5 cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng khu vực, xây dựng tối thiểu 15 mô hình trạm y tế cấp xã trợ giúp nạn nhân bom mìn (ưu tiên tại các vùng bị ô nhiễm nặng); tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế bền vững. Nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội và nhân viên chỉnh hình, phục hồi chức năng hỗ trợ nạn nhân bom mìn; xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ nạn nhân bom mìn...
Về kinh phí thực hiện kế hoạch, được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước (chi đầu tư và chi thường xuyên) và các nguồn tài chính hợp pháp khác, phù hợp với khả năng cân đối trong từng thời kỳ của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định về phân cấp.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn, vật nổ trên toàn quốc; xây dựng chiến lược quốc gia về tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai vận động, đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác quốc tế được giao và tổ chức tiếp nhận các nguồn lực thực hiện kế hoạch.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo nhiệm vụ để thực hiện kế hoạch.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các bộ, ngành, địa phương liên quan đưa nội dung hợp tác, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào chương trình làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức quốc tế hoặc các diễn đàn quốc tế, khu vực phù hợp…
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng cân đối, bố trí ngân sách nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để thực hiện kế hoạch; bố trí kinh phí cho hoạt động thường xuyên hằng năm của các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 701, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và VNMAC.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và hệ thống thông tin cơ sở về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh; ứng dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền về Chương trình 504, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân…
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, VNMAC và các bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác và vận động các nguồn tài trợ phi chính phủ nước ngoài thực hiện kế hoạch…
Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi trách nhiệm, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện các dự án, nhiệm vụ liên quan của Chương trình 504.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và thực hiện hỗ trợ đối với các nạn nhân bom mìn theo quy định.
(Theo HNMO)