Từ xa xưa, ông bà ta đã sử dụng ca dao, tục ngữ để nhắc nhở con cháu về cách ăn mặc sao cho phù hợp: "Hơn nhau tấm áo manh quần/ Cởi ra bóc trần ai cũng như ai” hoặc "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, chân tốt vì hài, tai tốt vì hoa”... Điều đó cho thấy, văn hóa Việt Nam cần được hiểu là tổng thể những giá trị vật chất cũng như tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra và trở thành nền tảng sức mạnh của dân tộc trong suốt quá tình xây dựng và phát triển đất nước.
Chính vì thế, Nhà nước ta luôn coi trọng văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và chính là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Văn hóa cần phải xây dựng ở mọi nơi, trong mỗi cơ quan, đơn vị, văn hóa công sở được coi là hệ thống các giá trị và các giá trị này được hình thành trong suốt quá trình hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị đó.
Do vậy, để bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động; nâng cao văn hoá công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, lần đầu tiên, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quy chế "Văn hoá công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh” nhằm xây dựng hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp cho CBCCVC, NLĐ từ tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp ứng xử, chuẩn mực đạo đức, lối sống và đặc biệt lưu ý đến trang phục công sở.
Cán bộ, công chức, người lao động Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện nghiêm túc trang phục công sở khi thực thi công vụ.
Nếu có dịp đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng, chi cục thuế, các ngành khối nội chính đều dễ dàng vẻ đẹp và sự chỉn chu, chuyên nghiệp từ những cán bộ mặc đồng phục ngành. Chị Đoàn Hải Yến, công tác tại Phòng giao dịch Nguyễn Thái Học, Ngân hàng BIDV tỉnh chia sẻ: "Khi mang trên mình bộ trang phục của cơ quan, chúng tôi nhận thấy trang phục công sở không chỉ đóng vai trò làm đẹp cho bản thân mà còn là một nét văn hoá của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Khi tiếp xúc với khách hàng, thông qua bộ trang phục chúng tôi đang mặc thể hiện rõ tôn chỉ, thương hiệu của đơn vị mình, tạo niềm tin với khách hàng khi đến với chúng tôi”.
Cùng quan điểm với chị Yến, chị Nguyễn Thị Thu Hà, công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Yên Bái cho biết "Mỗi người có một gu thẩm mỹ khác nhau, nhưng với tôi trang phục công sở cần có một quy tắc chung là nhã nhặn, lịch sự, phù hợp với công việc, giúp mỗi cán bộ công chức tự tin, thoải mái trong giao tiếp, thực thi công vụ, chiếm được thiện cảm của người dân, đối tác, thể hiện sự tôn trọng đối với tổ chức, công dân”.
"Trang phục công sở không những tạo sự tự tin cho CBCNVC, NLĐ mà còn là bộ mặt, hình ảnh của một tập thể đoàn kết, có kỷ cương, lề lối làm việc thống nhất từ trên xuống dưới trong một tập thể" - chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, giáo viên Trường TH&THCS Quy Mông, huyện Trấn Yên chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Thắng, tổ 4, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tâm sự: "Khi đến làm việc tại một công sở, doanh nghiệp nào đó, nhìn trang phục, thẻ đeo của CBCCVC, NLĐ, tôi có thể hiểu được phần nào sự chuyên nghiệp, gọn gàng, lịch lãm, hay xuề xòa, cẩu thả của cá nhân và cũng chính là một phần của cơ quan, doanh nghiệp đó. Vậy nên khi họ ăn mặc gọn gàng, lịch sự, tôi tin họ sẽ làm việc chỉn chu, có trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc công việc được giao”.
Rõ ràng, việc mang trên mình bộ trang phục công sở đối với CBCCVC mỗi đơn vị, doanh nghiệp rất quan trọng, bởi đây là phần dễ nhận thấy nhất từ hình ảnh ban đầu những người đang trực tiếp giải quyết công việc hằng ngày cho người dân, doanh nghiệp. Ở một khía cạnh và mức độ nhất định, trang phục cá nhâ là đại diện, hình ảnh, tác phong văn hóa của cơ quan công quyền.
"Xây dựng hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp từ cách ăn mặc, phong cách cư xử… có tác động rất lớn đến niềm tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước. Khi người dân tin cậy ở chính quyền và đội ngũ CBCCVC, NLĐ thì hoạt động quản lý nhà nước cũng trở nên thuận tiện, hiệu quả hơn rất nhiều" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã từng phát biểu như vậy .
Như vậy, lựa chọn trang phục công sở lịch sự, phù hợp cũng là một cách ứng xử để tạo dựng, lưu giữ hình ảnh đẹp của CBCCVC, NLĐ, thể hiện tác phong chuyên nghiệp, thái độ tôn trọng với người dân, doanh nghiệp.
Cán bộ Tỉnh đoàn Yên Bái trong trang phục áo Đoàn.
Thực tế hiện nay, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú ý và coi trọng vấn đề này. Một số CBCCVC, NLĐ ăn mặc chưa thật sự gọn gàng, quần áo nhàu, cũ, bỏ buông, đi dép lê… Trong khi đó, lại cũng không ít người ăn mặc quá cầu kỳ, diêm dúa, lòe loẹt, quần áo, váy bó sát, mỏng hoặc quá ngắn, dẫn tới khó trong đi lại, giao tiếp, thao tác công việc; điều đó dễ gây phản cảm với người đối diện và khách đến cơ quan làm việc.
Ông cha ta có câu" Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần", tức là: người quen quá hiểu nhau, e nể tính tình, bụng dạ; người lạ thì đánh giá qua cách ăn mặc. Quy chế văn hoá công vụ trong các cơ quan, đơn vị của UBND tỉnh Yên Bái sẽ là cơ sở để để mỗi cá nhân CBCCVC, NLĐ tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt tới các giá trị văn hóa, trong đó có trang phục, mang đến cảm giác tiếp xúc ban đầu của mỗi người, Các cơ quan, chính quyền, doanh nghiệp coi đó là điều bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ cũng như giữ gìn hình ảnh của đơn vị mình. Thực hiện Quy chế này chính là chúng ta đang cụ thể hóa nhiệm vụ thứ 5 trong 7 nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đề ra là "Xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Thủy Thanh