Cơ hội cho những trẻ em khuyết tật

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã mấy năm nay, ngày nào cũng vậy, dù trời mưa hay nắng, chị Nguyễn Thị Nhu cùng chiếc xe đạp cũ kỹ cần mẫn đưa cậu con trai đến tận chân cầu thang để vào lớp học. Việc làm ấy đã trở nên quen thuộc đối với giáo viên và học sinh Trường tiểu học Trần Phú (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) bởi cậu con trai Nguyễn Kiên Quyết của chị bị khuyết tật ở chân, không thể đi lại bình thường.

Trong câu chuyện chị kể, khi mới được 3 tháng tuổi, Quyết bị một trận sốt và trận sốt ấy đã cướp đi đôi chân của em. Mặc dù đã được mẹ đem đi chạy chữa khắp nơi nhưng đôi chân của em vĩnh viễn không phục hồi lại được. Quyết không thể đi lại bình thường, cứ vài bước lại ngã nên suốt nhiều năm chỉ quanh quẩn trong nhà. Từ khi có dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Trần Phú, Quyết được mẹ cho đến trường. Tại đây, em đã được các thầy cô giáo cùng các bạn đón nhận trong tình yêu thương và đùm bọc. Mặc dù bị tật nguyền, đi lại khó khăn nhưng em vẫn cố gắng tham gia đầy đủ những hoạt động của trường, của lớp. Nhìn các bạn chạy nhảy vui đùa, không ít lần Quyết thấy chạnh lòng nhưng em không cô đơn bởi bên em luôn có bạn bè và thầy cô quan tâm chăm sóc. Những người bạn lớp 4C luôn động viên, khích lệ, giúp Quyết hòa nhập với tập thể, xóa đi những mặc cảm, tự ti. Em Lộc Đức Giang, bạn cùng lớp với Quyết nói: "Lớp cháu có 2 bạn bị khuyết tật nên cả lớp rất yêu thương các bạn ấy. Giờ ra chơi, chúng cháu giúp bạn Quyết xuống cầu thang và cùng chơi với bạn, không để bạn ấy một mình".

Kể từ khi được cắp sách đến trường, nỗi mặc cảm trong Quyết đã vơi đi rất nhiều. Bây giờ ngoài giờ lên lớp, Quyết đã có thể giúp mẹ những việc vặt trong gia đình như quét nhà, rửa ấm chén. Ngôi nhà đơn sơ của ba mẹ con chị Nhu giờ đã tràn ngập tiếng cười. Chị Nhu tâm sự: "Từ ngày được đi học, cháu mạnh dạn hơn, không còn tự ti như trước nữa. Cháu ham học lắm, có hôm mưa to, tôi định cho cháu nghỉ học ở nhà nhưng cháu đòi đi bằng được. Nói thật là tôi mừng lắm! Dù nghèo khó đến mấy tôi cũng vẫn cố để cháu đi học cho bằng bạn bằng bè".

Cùng hoàn cảnh không may mắn như Quyết ở Trường Tiểu học Trần Phú còn có 6 em nữa. Mỗi em là một mảnh đời bất hạnh, em thì thiểu năng trí tuệ, em lại bị khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động... Dạy một học sinh bình thường đã khó, để hướng dẫn cho những em này lại càng khó khăn hơn. Do đó, các cô giáo phải soạn giáo án, sử dụng phương pháp truyền đạt riêng giúp các em có thể nhận thức được những bài học từ đơn giản đến phức tạp. Em Hoàng Trung Kiên, 9 tuổi, hiện đang học lớp 2 do bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên khả năng nhận thức rất chậm. Với lòng yêu trẻ và tình thương sâu sắc, các cô đã kiên trì kèm cặp, bảo ban em. Đồng thời, các cô còn chọn những em học sinh khá ngồi cạnh để có thể giúp các bạn khuyết tật cùng học tập. Qua hai năm, Kiên đã biết đọc, biết viết và bước đầu làm được những phép tính đơn giản. Chúng tôi đã được tham dự một tiết học thủ công làm đồng hồ đeo tay bằng giấy do cô giáo Trần Thị Thêu, chủ nhiệm lớp 2C dạy. Sau khi cô giáo hướng dẫn, các em trong lớp tự làm thì cô Thêu phải hướng dẫn cho Kiên từ cách cầm kéo, cắt theo đường thẳng, rồi gập, dán, vẽ... Cuối cùng, Kiên cũng hoàn thành một chiếc đồng hồ đeo tay, tuy chưa đẹp như của các bạn nhưng cả cô và trò đều cảm thấy rất vui và phấn khởi.

Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được triển khai tại Trường tiểu học Trần Phú từ năm 2003 với mục đích tuyên truyền tới tất cả những người có liên quan đưa trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ thiệt thòi đến trường hòa nhập với cộng đồng. Sau 4 năm, dự án đã thu được kết quả khả quan. Thành công lớn nhất mà dự án đạt được đó là đưa các em có số phận kém may mắn hòa nhập với cộng đồng và có những nhận thức nhất định trong học tập. Để có được kết quả ấy phải nói tới sự nỗ lực rất lớn của tập thể giáo viên nhà trường, phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội. Cô giáo Lê Thị Hợp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: "Các cô giáo giảng dạy ở những lớp có trẻ khuyết tật rất vất vả vì phải soạn hai giáo án, có hai phương pháp dạy khác nhau và phải yêu nghề mến trẻ thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Dù không có một chế độ ưu đãi nào nhưng vẫn không một lời phàn nàn, hàng ngày vẫn tận tụy với công việc. Trong những năm học tới, Trường vẫn sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các gia đình có trẻ khuyết tật trong độ tuổi để cho các em ra lớp".

Hiện nay, huyện Lục Yên nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung còn rất nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như một số em ở Trường tiểu học Trần Phú và đang rất cần sự quan tâm của xã hội. Mô hình này được nhân rộng sẽ giúp cho những trẻ em khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng và hưởng những quyền lợi như bao trẻ em bình thường khác.

Bạch Liên - Kim Thoa

Các tin khác
Tượng đài Nguyễn Thái Học tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái.
(Ảnh:
Thu Trang)

YBĐT - Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, cách mạng, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái, thời gian qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã phát động cuộc thi tìm hiểu "Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái".

Ký cam kết tạo sự đồng thuận trong hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/ADIS tại Yên Bình.

YBĐT - Ban quản lý Dự án phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái vừa tổ chức Hội thảo: Tạo sự đồng thuận trong hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các huyện Yên Bình, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Vừa qua, Tỉnh Đoàn Yên Bái đã tổ chức họp Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè 2007.

Ảnh minh hoạ.

YBĐT - Xác định công tác xuất khẩu lao động là một hoạt động góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, năm 2006, thành phố Yên Bái đã nỗ lực triển khai có kết quả công tác này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục