Thành phố Yên Bái: Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
- Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xác định công tác xuất khẩu lao động là một hoạt động góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, năm 2006, thành phố Yên Bái đã nỗ lực triển khai có kết quả công tác này.
Ảnh minh hoạ.
|
Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động (XKLĐ) thành phố đã xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu cho từng xã, phường đồng thời phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong công tác tuyên truyền lợi ích của xuất khẩu lao động đến các gia đình. Thành phố cũng ban hành các văn bản hướng dẫn về điều kiện tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn, làm hộ chiếu, khám sức khỏe, vay vốn đối với người đi xuất khẩu lao động.
Mặt khác phối hợp với 2 đơn vị tuyển dụng lao động là: Công ty cổ phần Thương mại IIG Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức các lớp tư vấn về công tác xuất khẩu lao động tại 11 xã, phường. Cùng với đó, các ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác này. Năm 2006, thành phố có 150 lao động đi làm việc tại nước ngoài, đạt 125% chỉ tiêu giao. Xã Tuy Lộc được đánh giá là đơn vị thực hiện khá tốt công tác này, năm qua đã có 21 người tham gia xuất khẩu lao động. Chị Nguyễn Thị Thu, cán bộ xã, có con gái là Trần Thị Lan tốt nghiệp cấp III đi lao động tại Malaysia tháng 12/2006, tâm sự : "Cháu đang làm việc trong một công ty liên doanh lắp ráp điện tử gửi thư về nói rằng, công việc ổn định, thu nhập một tháng khoảng 3,5 triệu đồng Việt Nam, trừ chi phí sinh hoạt mỗi tháng cháu gửi về cho gia đình 2 triệu đồng". Còn gia đình ông Vũ Công Đạt ở tổ 24b, phường Nguyễn Phúc có con trai là Vũ Công Thắng cũng đi xuất khẩu lao động. Vừa qua, cháu đã gửi về cho gia đình 10 triệu đồng.
Tính bình quân, lao động làm việc tại Malaysia một tháng có thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng; trừ chi phí sinh hoạt cá nhân khoảng 1/3 thu nhập hàng tháng thì sau 3 năm thực hiện hợp đồng, người lao động sẽ tích lũy được gần 100 triệu đồng. Đặc biệt khi hoàn thành hợp đồng, người lao động có thêm vốn kiến thức, tay nghề nâng cao là điều kiện thuận lợi khi xin vào làm việc trong các nhà máy, cơ sở liên doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động của thành phố nói chung vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đều là đối tượng nghèo, khi nói đến xuất khẩu lao động họ thường thiếu tự tin. Lý do khác là điều kiện kinh tế khó khăn nên việc phải vay khoảng 20 triệu đồng để làm các thủ tục đi lao động xuất khẩu khiến họ e ngại vì những rủi ro có thể xảy ra sẽ để lại gánh nặng lớn đối với khoản vay trên.
Khó khăn nữa, nguồn lao động tuy nhiều nhưng chất lượng thấp, phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, không có trình độ chuyên môn, nhiều lao động không đủ điều kiện sức khỏe, chưa đáp ứng yêu cầu của phía đối tác. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại đó là việc tuyên truyền công tác xuất khẩu lao động chưa sâu rộng, người lao động còn lo ngại khi đi lao động tại nước ngoài và chưa thấy rõ lợi ích của việc này. Một số xã, phường chưa thực sự quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động. Số công ty xuất khẩu lao động còn hạn chế, chưa tạo được sự cạnh tranh trong phát triển.
Ông Trần Đình Thắng, Phó phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: "Khắc phục những tồn tại, năm 2007, thành phố sớm triển khai công tác xuất khẩu lao động tới các ngành thành viên và giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, phường; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của XKLĐ. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tuyển dụng lao động kịp thời tư vấn, tạo điều kiện cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động được vay vốn thuận lợi; phấn đấu năm nay có từ 100 - 150 người đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại Canađa, Nhật Bản, Malaysia… Thực hiện tốt chương trình này chính là tham gia tích cực giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo tại địa phương".
Kim Tiến
Các tin khác
YBĐT - Chủ đề Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ - 8/5/2007 là "Chung sức vì nhân đạo" (tiếng Anh là "Together Fo Humanity"). Chủ đề này nói lên sự hợp tác giữa Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ và các thành viên trong phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế trong việc thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ; giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, kêu gọi thế giới cùng nhau hành động vì sự nghiệp nhân đạo để giảm nhẹ những tác động, ảnh hưởng của các cuộc xung đột, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói và phân biệt đối xử.
YBĐT - Một tháng, đến từng ngõ ngách, chỗ ở của các sinh viên (SV) Yên Bái đang học tại Hà Nội; gặp gỡ thầy, cô giáo các trường đại học, tiếp xúc với những người quản lý ký túc xá và chủ nhà có sinh viên Yên Bái trọ, chúng tôi phần nào hiểu thêm về cuộc sống của các em…
YBĐT - Năm 1999, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tiếp nhận bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đầu tiên. Đến 20/2/2007, toàn tỉnh đã phát hiện 2.341 trường hợp nhiễm HIV, 259 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 68 người tử vong do AIDS.
YBĐT - Những năm qua, Công an huyện Mù Cang Chải đã thực hiện khá hiệu quả chương trình phối kết hợp với các ngành chức năng như: Ủy ban MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... trong việc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, vận động nhân dân bỏ trồng, tàng trữ, buôn bán và sử dụng trái phép ma tuý.