Hội phụ nữ xã Minh An, huyện Văn Chấn là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hiểu biết trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em, sản phụ. Trước đây, việc chị em lên trạm y tế xã hay ra khu vực có cơ sở y tế đầy đủ để sinh đẻ là rất hạn chế. Nay, nhờ thông tin tuyên truyền tốt, nhận thức chị em được nâng lên, khi có thai là đi khám định kỳ, mua thuốc bổ, gia đình cũng chăm sóc sản phụ khoa học hơn, đặc biệt xóa được thói quen sinh tại nhà, tránh được nguy cơ tai biến sản khoa.
Chị Lò Thị Phấn - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Minh An thông tin: "Hội phụ nữ xã Minh An với 67% hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc Dao. Xác định việc tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cho chị em là việc làm quan trọng, thường xuyên, thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, chúng tôi thành lập một tổ truyền thông, tích cực cung cấp cho chị em kiến thức về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con lồng ghép trong các buổi sinh hoạt. Giờ đây, khi nhận thức được nâng cao, chị em phụ nữ xã Minh An đều đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để sinh đẻ”.
Xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải có 575 hội viên phụ nữ ở 4 bản, 100% chị em đều là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, do nhận thức, phong tục, tập quán, các gia đình sinh con một bề vẫn còn tồn tại tư tưởng "trọng nam, khinh nữ” nên tỷ lệ sinh con thứ 3 và sinh con tại nhà trước đây rất cao. Song nhờ nỗ lực bám cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động người dân không sinh con thứ 3, Hội phụ nữ các cấp đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, góp phần giảm đáng kể tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn.
Theo chị Sùng Thị Sua - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Dế Xu Phình, để thay đổi được nhận thức của chị em từ việc không sinh đẻ tại nhà đến việc chăm sóc cho bản thân mình và gia đình, Hội đã chú trọng tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại trạm y tế xã. Cùng với đó, các dòng họ tại xã cũng đã tham gia xây dựng quy ước của bản, quy định nếu gia đình nào vi phạm sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị phạt. Nhờ đó, trong 2 năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã đã giảm xuống trung bình chỉ còn 5 - 6 trường hợp.
Đồng chí Hà Thị Đóa - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông cung cấp cho phụ nữ kiến thức về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh trong 1.000 ngày đầu đời. Đồng thời, Hội đã nghiên cứu, đề xuất, giám sát các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn khi mang thai và sinh con đúng chính sách dân số; trong đó có các chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, lao động nữ; triển khai sâu rộng Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"...
Cùng với đó, Hội đã phối hợp với ngành y tế và các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền miệng; qua loa truyền thanh, các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi tiêm chủng tại trạm y tế xã về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, CSSKSS và KHHGĐ cho phụ nữ, triển khai chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, chương trình tiêm chủng mở rộng...
Hội cũng tăng cường các hoạt động truyền thông về KHHGĐ tại các địa bàn có mức sinh cao, địa bàn có đối tượng khó tiếp cận; phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, tổ chức tầm soát trước sinh cho phụ nữ có thai và tầm soát trẻ sơ sinh nhằm phát hiện một số bệnh tật bẩm sinh phổ biến, thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản của bà mẹ; thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho phụ nữ về chế độ dinh dưỡng hợp lý; hướng dẫn cho bà mẹ về nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ có con từ 6 - 36 tháng tuổi đi tiêm phòng vắc-xin đúng thời gian quy định… Qua đó, giúp chị em phụ nữ được nâng cao nhận thức, chủ động tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai cũng như nâng cao nhận thức về công tác DS-KHHGĐ.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác dân số và phát triển song Yên Bái vẫn nằm trong 33 tỉnh có mức sinh cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn khá cao so với cả nước, hầu hết tập trung ở các xã vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà bình quân chung tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải còn trên 60%. Vấn đề đó đang đòi hỏi các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phải đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, vận động phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để tuyên truyền lồng ghép công tác DS-KHHGĐ; đẩy mạnh truyền thông tại các địa bàn có mức sinh cao.
Cùng với đó, duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển hiệu quả, phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho trẻ vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ… để góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng trong việc thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ.
Thanh Chi