Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024)

Năm tháng không quên của cô văn công Thu Thảo

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/4/2024 | 6:39:24 AM

YênBái - Nơi phòng khách của ngôi nhà số 79, đường Lê Văn Tám, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái có một tấm ảnh cô thiếu nữ đẹp trong veo giữa tuổi thanh xuân, trên góc phải có dòng chữ: “Duy Phước “Kỷ niệm giải phóng miền Nam 1975”. Nhân vật của tấm hình không ai khác chính là cô chủ nhà bây giờ đã ở tuổi U70 mà nét đẹp thời son trẻ vẫn còn đằm lại. Cô tên Nguyễn Thu Thảo.

Cô Nguyễn Thu Thảo (đứng giữa) giờ đây vẫn tích cực tham gia văn hóa văn nghệ cùng Hội Nữ doanh nhân thành phố Yên Bái.
Cô Nguyễn Thu Thảo (đứng giữa) giờ đây vẫn tích cực tham gia văn hóa văn nghệ cùng Hội Nữ doanh nhân thành phố Yên Bái.

Tấm ảnh thời thanh xuân ấy cũng chính là bức ảnh được treo làm mẫu ở hiệu ảnh Duy Phước - một hiệu ảnh nổi tiếng nhất tại thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận 49 năm trước mà Thu Thảo đã đến chụp khi cô là văn công của Đoàn Văn công Yên Bái đi làm nhiệm vụ tại Ninh Thuận…

Tấm ảnh luôn được cô Thu Thảo trân quý, bởi nhắc nhớ về ngày tháng tuổi trẻ không bao giờ quên. Đó là những ngày tháng tham gia trên mặt trận văn hóa những năm tháng cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Xin được gọi cô Thu Thảo bằng cái tên cô văn công trong câu chuyện ghi lại từ lời kể của cô, bởi đó hẳn không chỉ là câu chuyện của riêng cô Thu Thảo mà còn là câu chuyện của những cô, chú văn công của Đoàn Văn công Yên Bái từng băng qua dãy Trường Sơn vào Nam làm nhiệm vụ năm xưa.

Sau Hiệp định Paris về Việt Nam ký kết ngày 27/1/1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam nhưng chiến tranh giành đất nước vẫn ác liệt. Theo chủ trương của Đảng, ngoài quân, vũ khí đạn dược, lương thực, thuốc men đổ vào chiến trường miền Nam còn có cả vạn cán bộ ngành dân chính Đảng vào xây dựng vùng giải phóng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái cử Đoàn Văn công Yên Bái vào phục vụ bộ đội, nhân dân tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa. Năm ấy, cô Thu Thảo 17 tuổi rưỡi - nhỏ nhất đoàn. Đoàn chọn người đi kết hợp với lấy tinh thần xung phong. Cô văn công bé nhất đoàn xung phong đi ngay, mặc cho bố mẹ cản ngăn. Cô chỉ nghĩ: "Bao nhiêu lớp bộ đội đã lên đường chiến đấu, mình cũng rất muốn đi để thấu hiểu những gian khổ của bộ đội ta”. 

Tháng 11 năm 1974, Đoàn Văn công Yên Bái lên đường làm nhiệm vụ. Ngày tiễn chân Đoàn, cô cảm nhận như xe không thể lăn bánh bởi bao ánh mắt níu giữ của những người tiễn đưa. Không níu giữ sao được khi ngày về chưa biết bao giờ! 25 người trong đoàn, có 8 nữ, cô là trẻ nhất. Ban đầu, Đoàn được đưa đến tỉnh Hòa Bình để huấn luyện và bồi dưỡng sức khỏe tại trạm của Ủy ban Thống nhất tại Hòa Bình. Những ngày ở Hòa Bình, phải học ăn cay, tập hành quân. Miệng cô cay xè, nước mắt nước mũi rỉ rả mỗi bữa ăn nhưng phải tập để chống ngã nước (sốt rét). Rồi mỗi ngày đều dậy sớm, khoác ba lô bên trong đút gạch, hành quân vài cây số. Cô chỉ đút hai viên gạch, nhét thêm rơm cho phồng, tự vui vì nghĩ được cách "ăn gian” rất trẻ con đó. 

Được phổ biến về những gian khổ ở đường Trường Sơn, cũng có lúc cô cảm thấy sợ, nhưng nghe nhiều thì quen dần, lại sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Lúc bấy giờ, cô mới được hiểu rõ là mình sẽ được tham gia phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau 1 tháng ở Hòa Bình, tháng 12/1974, Đoàn bắt đầu lên đường hướng về Ninh Thuận. Đi ô tô từ Bắc vào đến miền Trung thì chuyển sang đi tàu. Cả đoàn tàu toàn là người vào Nam làm nhiệm vụ. Lúc tàu lăn bánh, ở dưới bao người đưa tiễn, khí thế đi chiến trường rõ mồn một. Rời tàu, đoàn vẫn được hành quân bằng ô tô cho đến Đông Hà - Quảng Trị, bắt đầu rẽ vào rừng Trường Sơn. Quảng Trị bấy giờ vừa mới được giải phóng, cô vẫn nhớ hình ảnh cây cầu Hiền Lương bị gãy.

Đường Trường Sơn, xe cứ đi từ sáng đến tối mới đến một binh trạm để dừng chân. Cô say xe lử khử mà vẫn nhìn rõ hai bên đường cây cháy trụi vì bom đạn. Bụi thì bám đỏ đường, đỏ người. Bụi phủ mặt đường cảm như con đường rất chi bằng phẳng mà kì thực ổ trâu, ổ voi sóc nảy mông. Thu Thảo thường được ưu tiên ngồi ở ca bin, xóc nảy, đầu cô chạm tới nóc ca bin, chồm chồm cả xe lẫn người. Bụi bám đỏ tóc, đỏ mặt… 

Trường Sơn ngày nắng cháy bỏng không chịu nổi, và gió Lào ngột ngạt vô cùng; đêm rét thấu xương không chịu nổi. Thu Thảo mặc tất cả những áo quần mang theo mỗi đêm mà rét chích vào tận xương tủy. Cô nhớ, từ Vĩnh Linh trở đi, đoàn toàn phải đi đêm, có lúc xe không được bật đèn. Cô quá nể phục các anh lái xe Trường Sơn. Mỗi khi được dừng chân để tắm rửa, nấu ăn thì con suối cứ gọi là đặc quánh bọt xà phòng đến độ không chảy nổi. Mọi người đào đoạn đất từ suối cho nước suối chảy về một cái hố để lấy nước nấu cơm, nhưng nước đó mang về nấu cơm thì cơm cũng khét lẹt mùi xà phòng, cũng vẫn phải ăn. 


Nguyễn Thu Thảo cùng anh em trong Đoàn Văn công Yên Bái hành quân qua rừng Trường Sơn.

Những ngày Trường Sơn, khát từng lá rau xanh. Có bữa cô nằm mơ bắt được ngọn rau mà hạnh phúc vô cùng. Có lần, đoàn đến được một binh trạm có cây dâu da non, cô cảm như chưa bao giờ được ăn thứ gì ngon đến thế! Cô nhớ lần xe bị lạc ở lối rẽ chỗ ngã ba giữa Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Xe chở đoàn của cô đi gần vào vùng có địch mới phát hiện ra lạc đường, phải quay trở lại điểm cũ và lại phải chờ đến tối mới đi tiếp được. Có những khi xe chở đoàn vừa đi khỏi một điểm binh trạm thì nghe tin binh trạm đó bị địch phát hiện và oanh tạc tả tơi, quân ta hy sinh vô khối, cô nghe tin mà thắt lòng thắt dạ… 

Hành quân giữa Trường Sơn, có lần 3 ngày ròng rã đi bộ. Vai khoác ba lô nào xà phòng, thuốc, chăn, tăng võng đến 1 kg, đeo thêm cái xanh tuya mắc bi đông nước, hai vai đeo mỗi bên tượng gạo 3 kg - như thế, đi bộ ròng rã, có lúc đi qua những cây to đổ ngang đường, cô không biết mình lấy sức đâu trèo qua được nó lúc bấy giờ. Có lúc đu dây, leo suối mà cô chỉ muốn buông tay… Nhưng kinh khủng nhất là lần dừng chân ở Binh trạm Bù Đăng, Bù Đốp ở Tây Ninh, cô tính bê cái khúc gỗ gần đó để đặt ba lô lên, chả ngờ vừa chạm vào thì điếng người, sùi bọt mép, co quắp chân tay - cô bị bò cạp cắn, con to lắm. Bữa đó, phải ở lại trạm xá cả tuần. Đêm Trường Sơn trong cô còn là những ngày nhớ mẹ da diết. Đêm nào cô cũng mơ gặp mẹ, không đêm nào không mơ!!!

3 tháng vượt rừng Trường Sơn gian khổ, đoàn đến được căn cứ cách mạng của Lâm Đồng. Đêm ngủ lán ở rừng Lâm Đồng, ám ảnh nhất là tiếng beo (cọp) kêu, rùng rợn, lạnh gáy. Thị xã Lâm Đồng được giải phóng, cô Văn công cùng đoàn đi bộ hành quân về thị xã, biểu diễn phục vụ đời sống văn hóa vùng mới giải phóng, vừa đi mệt vừa sợ gặp tàn quân địch từ dưới chạy lên rừng thì chả biết thế nào. Từ thị xã Lâm Đồng, qua Đà Lạt. Hôm ở Đà Lạt, khi cả đoàn đang hóa trang chuẩn bị cho buổi biểu diễn thì hay tin chiến thắng, giải phóng miền Nam, cả đoàn ôm nhau khóc hạnh phúc, reo hò sung sướng vô cùng, vỡ òa, bước ra sân khấu biểu diễn mà hân hoan khôn tả. Và trong lòng Thu Thảo trào dâng niềm hạnh phúc của người biết được có ngày trở về quê hương! Ngày 5/5/1975, đoàn vào đến Ninh Thuận, được chính quyền và người dân chào đón, quý mến vô cùng. 

Mấy tháng ở Ninh Thuận, cô Văn công cùng anh chị em đi diễn khắp gần hết các ấp, trong không khí của đất nước đã hòa bình, nhưng vẫn có tàn quân ngụy có âm mưu trả thù, song đoàn của cô luôn được bảo vệ an toàn. Cô thì chỉ có cảm giác sung sướng, yên tâm của người dân của đất nước đã thu về một mối; cảm nhận được sự ủng hộ của nhân dân nơi này với cách mạng, với chính quyền. Cô đi chụp ảnh ở hiệu ảnh Duy Phước - hiệu ảnh lớn nhất, nổi tiếng nhất ở thị xã Phan Rang lúc bấy giờ. Ông chủ hiệu ảnh treo ảnh cô làm ảnh mẫu trước cửa hiệu, và thường hãnh diện khoe với khách đến cửa hiệu, đó là cô văn công miền Bắc đấy!

Ngày 15/5/1975, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể lễ mít tinh mừng non sông nối liền một dải trên khắp cả nước. Từ đêm hôm trước buổi mít tinh, không khí hân hoan rộn ràng khắp đường phố Ninh Thuận. Đoàn Văn công Yên Bái được mời đại diện cho tỉnh Yên Bái dự lễ mít tinh. Cô và anh, chị em đứng trên kỳ đài nhìn xuống thấy rợp cờ hoa, những khuôn mặt hân hoan hơn bao giờ hết và nhất là không ai cầm được nước mắt khi bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên. Đó là lễ mít tinh lớn nhất mà cô từng được thấy. Sau 3 tháng hoàn thành nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa ở Ninh Thuận, cả đoàn được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tặng xe ô tô để trở về. Ngày trở về, cả đoàn thong dong trên quốc lộ 1, chỉ 3, 4 hôm thôi là về đến quê nhà Yên Bái. Cô vui sướng thụ hưởng những niềm hạnh phúc của người dân đất nước hòa bình, độc lập, nối liền một dải.

Gần 50 năm đã đi qua, bao gian khổ những ngày tháng Trường Sơn vẫn còn nguyên vẹn. Cô bảo: "Là người tham gia năm tháng cuối của kháng chiến, mới chỉ gọi là "nếm” để biết Trường Sơn như thế nào mà cảm phục vô cùng những hy sinh, gian khổ của người lính ra trận; càng hiểu lắm những tình cảm sâu nặng của hậu phương miền Bắc thắt lưng buộc bụng để dành cho tiền tuyến; cũng càng hiểu vì sao đất nước mình chiến thắng được những đế quốc hùng mạnh và càng trân quý vô cùng hòa bình mà đất nước có được như ngày hôm nay!”. 

Thu Hạnh

Tags Năm tháng không quên thành phố Yên Bái

Các tin khác
Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 17/5, Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ Thị ủy Nghĩa Lộ đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ diễn tập chiến đấu xã, phường trong khu vực phòng thủ năm 2024 cho các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ thị xã.

Lễ kỷ niệm diễn ra trang nghiêm tại khu tượng đài thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình.

Lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là cựu thanh niên xung phong, đoàn viên, thanh niên.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết.

Sau khi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành địa phương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đề nghị Thủ tướng xem xét ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu (01 điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục