Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc triển khai thực hiện Nghị quyết về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã.
Sáp nhập 49 huyện, 1.247 xã
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 tỉnh, thành có thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 có 49 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp gồm: 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 18 đơn vị khuyến khích và 22 đơn vị liền kề.
Sau sắp xếp dự kiến giảm 13 ĐVHC cấp huyện. Số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 21 đơn vị.
Với cấp xã, tổng số ĐVHC thực hiện sắp xếp là 1.247 gồm: 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị khuyến khích và 391 đơn vị liền kề.
Sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị; số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 508 đơn vị.
Tính đến ngày 25/4/2024, có 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Cần Thơ) đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành Trung ương tiến hành khảo sát thực tế ở địa phương để có đủ căn cứ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc như số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (21/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 70% và 508/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 40,54%).
Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Ngoài ra, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý 1/2025.
Trong khi đó, do việc sắp xếp ĐVHC là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay, qua rà soát sơ bộ, chỉ một số ít ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp có khả năng bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đô thị theo quy định (chủ yếu thuộc diện khuyến khích) do các địa phương này đã có sự chuẩn bị từ trước cho quá trình thành lập đô thị.
Đa số các trường hợp sắp xếp ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị để mở rộng đô thị hiện hữu đều khó đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng đô thị theo quy định do khu vực dự kiến mở rộng lớn trong khi chưa có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội theo tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị tương ứng.
Chẳng hạn như sáp nhập huyện Cao Lộc vào TP Lạng Sơn (huyện Cao Lộc có diện tích lớn gấp gần 8 lần TP Lạng Sơn); sáp nhập 10 ĐVHC cấp xã thuộc huyện Hớn Quản vào thị xã Bình Long - Bình Phước (diện tích sáp nhập gấp 4,2 lần diện tích thị xã Bình Long hiện hữu); sáp nhập huyện Lạc Dương vào T Đà Lạt (diện tích của huyện Lạc Dương lớn gấp 3,3 lần diện tích TP Đà Lạt); sáp nhập một số xã của huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên, huyện Lộc Hà vào TP Hà Tĩnh (tổng diện tích sáp nhập lớn gấp 2,8 lần diện tích của TP Hà Tĩnh hiện hữu).
Dự kiến cán bộ, công chức dôi dư rất lớn
Một khó khăn nữa, đó là sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng cán bộ, công chức, người lao động dôi dư do sắp xếp ĐVHC.
Do số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều lại tiến hành đồng thời với việc thực hiện chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật về tinh giản biên chế dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, người lao động dự kiến dôi dư do sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 rất lớn.
Trong khi đó, số lượng dôi dư từ giai đoạn 2019-2021 ở một số địa phương đến nay vẫn chưa giải quyết xong nên công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương càng thêm gánh nặng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương đa số đều có tuổi đời còn trẻ và có nguyện vọng cống hiến lâu dài; biên chế cán bộ, công chức cấp xã lại bị cắt giảm theo quy định chung nên các địa phương gặp khó khăn trong việc xác định phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức.
Về kinh phí thực hiện, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: "Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp ĐVHC".
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc do chưa thống nhất cách hiểu về nguồn kinh phí hỗ trợ là chi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hay chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, việc bố trí kinh phí hỗ trợ của ngân sách trung ương cho địa phương chưa kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp ĐVHC.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh, thành thực hiện sắp xếp theo hướng giao Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2024 hoặc năm 2025.
(Theo VTC)