Từ nhiều năm qua, công tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Văn Yên được đặc biệt quan tâm. Kết quả không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Văn Yên trong thời gian qua?
Đồng chí Lê Thành Hùng: Thời gian qua, ngoài việc bám sát các nội dung, nhiệm vụ của huyện, Văn Yên đã chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tìm kiếm, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp đào tạo sát với thực tế nông thôn miền núi; kết nối cung - cầu lao động, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động.
Trên cơ sở đó đã hình thành mô hình liên kết đào tạo, bám sát chuẩn đầu ra và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện đặc biệt quan tâm, nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo hướng xã hội hóa, tạo nên những mô hình liên kết đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đồng chí Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên.
Hàng năm, huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tham mưu các văn bản cho huyện để điều chỉnh công tác đào tạo, phù hợp với thực tế, sản xuất của địa phương, nhiều hình thức liên kết đào tạo nghề được hình thành. Đó là đào tạo tập trung, đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Bên cạnh loại hình đào tạo tập trung dài hạn (trình độ trung cấp) dành cho các nghề: nông nghiệp công nghệ cao, điện dân dụng, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế và phục vụ đồ uống, chăm sóc sắc đẹp, công tác xã hội, hướng dẫn du lịch…còn nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng như: may thời trang, sửa chữa xe máy, xây dựng, chăn nuôi - thú y, kỹ thuật nuôi ong mật, sản xuất mây tre đan, kỹ thuật nấu ăn, chế biến các sản phẩm từ quế, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, sơ chế kén tằm, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng nấm... được nhiều đối tượng tham gia học tập tại các xã, thị trấn trong toàn huyện. Chất lượng được đảm bảo, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao.
Bình quân, mỗi năm toàn huyện Văn Yên tuyển mới đào tạo nghề trên 2.700 lao động; có 1.112 lao động nông nghiệp chuyển dịch sang phi nông nghiệp. Năm 2024, có 2.780 lao động được tạo việc làm mới, chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 1.070 lao động. Bình quân trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm xuất khẩu khoảng 100 lao động. Tính riêng trong năm 2023, toàn huyện xuất khẩu 132 lao động; năm 2024 đến thời điểm hiện tại xuất khẩu 141 lao động. Huyện phấn đấu đến năm 2025 giảm 5% tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp theo mặt bằng chung của tỉnh.
P.V: Huyện gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thành Hùng: Trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã quan tâm dành nguồn kinh phí thích đáng cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thuộc khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, với thực tế của huyện Văn Yên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp một số khăn như: theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Khoản 1, Điều 44, Luật Giáo dục thì Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Đây là một trong những khó khăn trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Văn Yên. Bởi hiện nay máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên đã quá cũ, hỏng hóc nhiều (được trang bị từ những năm 2008 - 2010 và 2011 - 2013) nhưng chưa có điều kiện để sửa chữa, thay thế phục vụ cho công tác đào tạo nghề.
P.V: Xin đồng chí cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới huyện Văn Yên có những giải pháp cụ thể nào?
Đồng chí Lê Thành Hùng: Trước hết, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp để lao động nông thôn trên địa bàn huyện thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; học nghề để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình và xã hội; tăng cường mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo để thu hút và đáp ứng nhu cầu của người lao động trên cơ sở liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh; tăng cường trao đổi, liên kết với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã… để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; đối với những nghề ngắn hạn cần thực hiện phương châm "cầm tay chỉ việc” trong quá trình đào tạo để học viên tiếp cận kỹ thuật một cách hiệu quả nhất; khắc phục mọi khó khăn về máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo nghề hiện có để vận dụng một cách linh hoạt các giải pháp nhằm thực hiện việc đào tạo nghề đạt hiệu quả về số lượng và chất lượng.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Tân (thực hiện)