Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh. Vốn là lao động tự do, thu nhập thấp, anh Trung đã quyết định ly hương, đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian 3 năm với mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng.
Anh Trung chia sẻ: "Thời gian đầu sang làm việc tại Hàn Quốc, cuộc sống nơi đất khách quê người còn nhiều khó khăn, nhưng nghĩ tới tương lai, tôi đã cố gắng nỗ lực và đã dần quen với công việc. Có được thu nhập ổn định hàng tháng, tôi đã tích cóp được tiền gửi về cho gia đình xây nhà, nuôi con ăn học. Đến nay, sau khi kết thúc thời hạn lao động trở về địa phương, gia đình tôi cũng đã mở được quầy tạp hóa, mang lại thu nhập ổn định”.
Anh Trung là một minh chứng cho hiệu quả công tác XKLĐ tại xã An Thịnh. Để thực hiện tốt công tác này, xã đã thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ; triển khai xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu trực tiếp cho các thôn; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ và Đoàn thanh niên trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, vận động tạo nguồn XKLĐ. Bên cạnh đó, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XKLĐ trên hệ thống loa truyền thanh và qua các hội nghị tư vấn du học, XKLĐ của các công ty, doanh nghiệp uy tín. Từ đó, nhận thức của người dân dần được nâng cao, số người đăng ký tham gia XKLĐ tăng.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã An Thịnh có 43 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có 31 lao động làm việc ở Đài Loan, 10 lao động làm việc tại Nhật Bản, 2 lao động làm việc tại Hy Lạp.
Qua nắm bắt từ các gia đình có người đi LĐXK, bình quân thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt, người lao động tiết kiệm khoảng 13 đến trên 20 triệu đồng/tháng, tùy công việc. Bên cạnh đó, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động còn tích lũy cho bản thân những kinh nghiệm, thay đổi tác phong công nghiệp, trình độ quản lý; sau khi trở về địa phương đã đầu tư mở các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Ông Triệu Quốc Toản – Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: "XLKĐ là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. XKLĐ giúp nhiều gia đình có nguồn thu đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống. Thông qua công tác XKLĐ, ngoài việc tạo thu nhập cao còn giúp người lao động rèn luyện được tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật lao động của các nước tiên tiến. Đến nay, đa số lao động trở về địa phương đều có cuộc sống tốt hơn trước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Mặc dù công tác XKLĐ ở xã An Thịnh bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, song cũng gặp không ít khó khăn do người đi XKLĐ chủ yếu là lao động nông thôn, phần lớn chưa qua đào tạo chính quy về tay nghề lại thiếu sự gắn bó trong hợp tác lao động, thiếu hiểu biết về sản xuất công nghiệp; thậm chí nhiều lao động chưa học hết phổ thông, gặp khó khăn về kinh tế...
Do vậy, về giải pháp thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Triệu Quốc Toản cho biết: "Xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín để tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn, tuyển chọn lao động; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ của Trung ương, của tỉnh đối với các đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động XKLĐ trên địa bàn…”.
Thu Trang