Về thôn Làng Bang, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, buổi tối đi dưới ánh điện sáng, cảm nhận rõ sự phấn khởi của người dân nơi đây mới thấu hiểu giá trị mà Chương trình "Thắp sáng đường quê” đem lại. Làng Bang là nơi sinh sống của các hộ đồng bào dân tộc Dao. Nơi đây địa hình hiểm trở, việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế, văn hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc học tập của học sinh.
Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của người dân Làng Bang, tháng 4/2024, Tổng cục Hải quan Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc đã hỗ trợ thôn làm đường bê tông với chiều dài 1km, trị giá 700 triệu đồng. Với người dân nơi đây, con đường mới là niềm hạnh phúc lớn lao.
Tuy nhiên, Làng Bang vẫn là nơi duy nhất của xã Đại Sơn chưa có điện lưới quốc gia. Trước thực trạng này, sau khi tìm hiểu thông tin, trực tiếp tới thị sát, nắm tình hình, Vietcombank Chi nhánh Yên Bái đã triển khai thực hiện chương trình thiện nguyện lắp đặt 60 đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời công suất 300W dọc các tuyến đường tại thôn Làng Bang với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Hiện tại, hệ thống đèn điện đã đi vào hoạt động, thắp sáng một vùng quê núi.
Anh Bàn Thêm - người dân thôn Làng Bang cho biết: "Nhờ có điện, có đường, cuộc sống của người dân trong thôn đã đổi thay rõ nét. Mỗi khi trời tối, chúng tôi không còn lo sợ khi ra đường, không còn lo lắng vì tình hình an ninh luôn đảm bảo và vui nhất là trong tết này, cả thôn sẽ được vui chơi, chúc tết, đón giao thừa trong không gian ngập tràn ánh sáng”.
Thời gian qua, cùng với Làng Bang, nhờ có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình "Thắp sáng đường quê" góp phần mang đến "ánh sáng văn minh” cho các bản, làng.
Điển hình như tại các xã: Minh Bảo, Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), đến nay đều có hệ thống đèn chiếu sáng trên các trục đường liên thôn, liên xã, nội đồng. Hay như tại xã Vũ Linh (huyện Yên Bình), hệ thống đèn đường đã được triển khai kết hợp với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi mà còn tạo ấn tượng tích cực đối với khách du lịch.
Bà Lê Thị Hồng - người dân xã Vũ Linh cho biết: "Hệ thống đèn đường không chỉ giúp chúng tôi đi lại thuận lợi, phát triển giao thương kinh tế mà còn tạo cảnh quan đẹp hơn. Nhiều khách du lịch đến đây cũng khen ngợi. Nhờ đó, các dịch vụ du lịch trong xã phát triển hơn". Năm 2024, thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, toàn tỉnh đã xây dựng mới 260 tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê” với tổng chiều dài 63,84 km.
Hệ thống đèn chiếu sáng không chỉ góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm thiểu tình trạng tội phạm, tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn mà còn đem lại hiệu quả kinh tế về lâu dài. Nhờ có hệ thống chiếu sáng, người dân có thể tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh vào ban đêm. Các khu vực nông thôn trở nên sống động hơn, thúc đẩy giao lưu thương mại và thu hút đầu tư.
Cùng với đó, việc đầu tư hệ thống chiếu sáng còn tác động tích cực đến các hoạt động văn hóa, giáo dục và du lịch tại các địa phương. Các lễ hội truyền thống và hoạt động giao lưu được tổ chức thuận lợi hơn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đóng góp làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới, thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội để mở rộng quy mô Chương trình "Thắp sáng đường quê". Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo trì, vận hành hệ thống đèn chiếu sáng; áp dụng các công nghệ hiện đại như đèn led tiết kiệm điện năng, hệ thống chiếu sáng thông minh trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Những "con đường ánh sáng” góp phần thắp sáng tương lai cho mỗi làng quê.
Hồng Oanh