"Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng…
…Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”…
Những câu thơ trong bài thơ "Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi như lời khẳng định sắt son cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc, kết tinh qua bao đời, với biết bao nhiêu thế hệ. Để hôm nay, trên mảnh đất Yên Bái anh hùng, một lần nữa, tinh thần ấy lại được thể hiện rõ hơn qua ý chí ngoan cường, tình đoàn kết gắn bó bền chặt của những người dân nơi đây trước, trong và sau cơn hoạn nạn. Một Yên Bái đã và đang hồi sinh thần kỳ sau thiên tai nhờ sức mạnh đoàn kết, lòng quả cảm cùng quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, hiểm nguy…
Nhớ lại thời điểm đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 hay còn được gọi là siêu bão Yagi đã tạo ra đỉnh lũ chưa từng có trong lịch sử được ghi nhận tại thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên… Sự tàn phá khủng khiếp dẫn đến những thiệt hại nặng nề cả về người và của đã khiến cho khung cảnh sau thiên tai trở nên tan hoang, đổ nát…
Đối mặt với hoàn cảnh ấy, những người dân vùng lũ đã xích lại gần nhau, để cứu giúp, chở che, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau sẻ chia những đắng cay, ngọt bùi. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc được nâng lên tới đỉnh cao, sợi dây gắn kết vô hình mà hết sức bền chặt là sự khẳng định chắc chắn: "Sức mạnh đoàn kết, thống nhất giúp chúng tôi tồn tại và sẽ không bao giờ đầu hàng”…
Bão lũ không phân biệt giàu nghèo; không trừ kẻ mạnh, người yếu... Thế nhưng, nó có thể tàn phá nhiều thứ chứ không thể quét sạch được tinh thần kiên cường và tình nghĩa đồng bào của nhân dân Yên Bái. Bão lũ đi qua, để lại những mảnh đời éo le, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra rằng, chỉ cần có tình người, mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua…
Có lẽ chưa bao giờ tôi được chứng kiến trong đời những "tình người” lớn lao đến vậy. Ngay khi tin tức về những thiệt hại do bão số 3 được phát đi, người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về những địa phương gặp thiên tai bằng tất cả trái tim mình. Những chuyến xe chở đầy nhu yếu phẩm nối dài hàng cây số từ các tỉnh, thành; những người không giàu có vẫn sẵn sàng bớt đi bữa cơm để dành chút gạo, ít muối gửi vào vùng bão…
Không chỉ có vật chất, tình người trong bão lũ còn thể hiện qua hành động cứu trợ kịp thời và tận tâm. Đó là những người hùng âm thầm, những chiến sĩ cứu hộ không quản mưa gió, vượt qua từng con sóng dữ để đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm với tinh thần: "Chúng tôi tìm kiếm những người bị mắc kẹt như tìm kiếm chính người thân của mình”; rồi những người dân bình thường, tự nguyện biến nhà mình thành nơi trú ẩn tạm thời cho hàng chục gia đình xa lạ khác, không đòi hỏi điều kiện hay phần thưởng.
Khi khó khăn đến, mọi hiềm khích nhỏ bé giữa con người bỗng dưng tan biến, người với người xích lại gần nhau hơn, ai cũng sẵn lòng chung tay đóng góp, không phân biệt giai cấp hay địa vị; trên mạng xã hội, những thông tin kêu gọi giúp đỡ lan truyền chóng mặt, tất cả đều hòa chung một nhịp đập của lòng yêu thương và sự sẻ chia… "Lá lành đùm lá rách”, "Thương người như thể thương thân” là giá trị truyền thống, đạo lý bao đời của dân tộc. Khi triệu triệu tấm lòng đều hướng về những vùng bị thiên tai; sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, hành động đẹp, nghĩa cử đẹp với tinh thần tự giác cao độ đã bừng dậy, tỏa sáng ở khắp nơi, kịp thời chia sẻ, sưởi ấm, động viên những người dân đang trong cơn hoạn nạn. "Một nắm khi đói bằng một gói khi no”… thực sự đúng trong những thời khắc gian nan như thế.
Cảm động biết bao khi đọc, khi thấy những hình ảnh về nghĩa tình đồng bào trong lúc khó khăn, không kể già, trẻ, lớn bé, ở khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Yên Bái… "Lần đầu tiên tôi có cảm giác "sung sướng” khi đi cứu trợ bà con mà "được” xếp hàng chờ tới lượt” - anh Nguyễn Anh Tuấn ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ.
Trong hoàn cảnh bão lũ hoành hành, những thông tin về sự tương trợ và đồng lòng của người dân trên khắp cả nước chợt làm lòng người dịu lại. Từ hành động giúp đỡ thiết thực của mỗi người dân đến sự ủng hộ của Trung ương, của các cấp, các ngành đều làm ấm lòng người dân vùng lũ. Những người đang giúp đỡ nhau có thể không quen biết nhau và có thể sẽ không bao giờ gặp lại trong cuộc đời nhưng họ vẫn sẵn sàng hỗ trợ vì họ hiểu rằng họ đang giúp đỡ đồng bào của mình trong thời điểm khó khăn. Rồi hàng trăm chuyến xe "0 đồng” chở hàng hóa, lương thực, chở người đi sâu vào các vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ; hàng chục nhà hàng lớn nhỏ, nhà dân không bị ảnh hưởng thiên tai đã tổ chức nấu hàng chục, hàng trăm nghìn suất cơm từ thiện phục vụ nhân dân và các lực lượng tham gia cứu hộ, khắc phục hậu quả bão lũ…
Rất nhiều hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các cá nhân, tổ chức, tập thể, doanh nghiệp cùng rất nhiều tấm lòng nhân ái đã trở thành làn sóng lan truyền rộng khắp cả nước. Những nghĩa cử cao đẹp ấy một lần nữa thể hiện rõ hơn tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống tương thân, tương ái, nhường cơm sẻ áo, là nét đẹp, là sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam anh hùng qua hàng nghìn năm lịch sử.
Đến ngày hôm nay, lòng nhân ái đó lại tiếp tục được bồi đắp thông qua hình ảnh những chiến sĩ bộ đội, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động vượt mưa, lội bùn đến giúp người neo đơn; những anh tài xế xe tải chở người dân miễn phí thoát khỏi vùng ngập lụt; những con người vượt nghìn dặm xa xôi, không quản nguy hiểm đến vùng rốn lũ; những lời kêu gọi từ khắp nơi gom hàng cứu trợ, quần áo, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết gửi đến vùng thiên tai; những người dân quyên góp ủng hộ; những tấm lòng hảo tâm luôn sục sôi khát vọng giúp đỡ đồng bào…
Sau thiên tai, Yên Bái ngổn ngang như một bãi chiến trường vừa trải qua trận đánh lớn. Cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân lại chung sức, đồng lòng bắt tay vào dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão lũ. Người ta dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện gần như ngay lập tức của cộng đồng doanh nghiệp vận tải, san gạt đất… Những doanh nghiệp sẵn sàng bỏ công, bỏ sức đưa hàng trăm máy xúc lật, xe tải cỡ lớn vào dọn dẹp, vệ sinh môi trường, giúp nhân dân sớm ổn định sinh hoạt. Rồi hàng nghìn xe tải, xe ben, cần cẩu, máy xúc hoạt động không kể ngày đêm trên các tuyến đường khắc phục sạt lở đất, loại trừ nguy hiểm cho từng khu phố, từng nóc nhà và bảo vệ tính mạng, tài sản cho từng người dân… Mỗi người một tấm lòng, một sự đóng góp, làm cho tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng thêm sâu đậm, ấm áp hơn.
Dù công cuộc tái thiết vẫn còn dài, còn vô vàn khó khăn bởi những thiệt hại của thiên tai là vô cùng to lớn. Song, tinh thần "nhường cơm sẻ áo”, đùm bọc lẫn nhau lúc hoạn nạn đã và sẽ trở thành nguồn năng lượng quý giá giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, mất mát, để cuộc sống sớm ổn định trở lại...
Thiên Cầm