Nghị định 87/CP: Người lao động vừa mừng vừa lo
- Cập nhật: Thứ hai, 20/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 28/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2007/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (sau đây gọi chung là công ty). Đây là căn cứ pháp lý quan trọng đảm bảo quyền dân chủ của người lao động trong công ty. Đón nhận Quy chế dân chủ, người lao động vừa mừng vừa lo...
|
Mừng được phát huy quyền dân chủ
Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty là đảm bảo tính pháp lý để người quản lý công ty phải công khai cho người lao động được biết: các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động; được biết nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch của công ty, của các phòng ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất; được biết về nội quy lao động, quy chế, điều lệ của công ty, các chế độ bảo hộ lao động, BHXH, BHYT, quy chế trả lương, thưởng gắn với định mức lao động, định mức khoán...
Theo đó, người lao động rất mừng khi họ được quyền tham gia ý kiến về những nội dung mà người quản lý công ty đã công khai trước tập thể CNLĐ, trong đó có nội dung hết sức quan trọng là: thỏa ước lao động tập thể và những giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Người lao động được quyền quyết định những vấn đề: hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động theo pháp luật, nội dung thỏa ước lao động tập thể và nghị quyết hội nghị người lao động. CNLĐ còn được quyền giám sát hoặc thông qua tổ chức công đoàn giám sát quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Lo bệnh hình thức
Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty nhằm thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa đúng pháp luật lao động, góp phần ngăn ngừa và kiềm chế tranh chấp lao động cá nhân, tập thể; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, đối với người lao động hiện nay đang ngóng chờ, mong đợi các công ty sớm tổ chức cho CNLĐ học tập, quán triệt Nghị định 87/CP. Theo đó là tiến hành các bước tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả, đừng rơi vào "bệnh" hình thức, nếu thế người lao động luôn bị thua thiệt về quyền và lợi ích. Bài học thực tế thời gian qua là khi thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo Nghị định số 07/CP ngày 13/2/1999 của Chính phủ.
Mặc dù ở DNNN có lợi thế là tổ chức cơ sở Đảng lãnh đạo, có công đoàn cơ sở là người đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhưng không ít các DNNN vẫn rơi vào "bệnh" hình thức, CNLĐ được biết nhưng lại không được bàn, hoặc được bàn nhưng lại không được quyết định, hoặc được giám sát nhưng không được đối thoại... Từ đó, lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn bị vi phạm về: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ bảo hộ lao động, BHXH, BHYT... dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động.
Trách nhiệm của công đoàn
Với chức năng và quyền hạn của tổ chức công đoàn là tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, do đó công đoàn cấp trên cơ sở cần tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền đồng cấp thành lập ban chỉ đạo và có kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị định 87/CP một cách đồng bộ tới tất cả các công ty cổ phần, công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thuộc cấp mình quản lý.
Đối với các công ty chưa thành lập được CĐCS, công đoàn cấp trên cơ sở cần tăng cường cán bộ xuống các doanh nghiệp để có những hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS (nơi có điều kiện) theo Nghị định số 96 ngày 14/9/2006 của Chính phủ; hướng dẫn thi hành Điều 153 Bộ luật Lao động về ban chấp hành lâm thời tại doanh nghiệp.
Đối với các công ty đã thành lập CĐCS, công đoàn tham gia với hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp, có kế hoạch tổ chức cho CNLĐ được học tập Nghị định 87/CP. Theo đó, lựa chọn các hình thức thích hợp để người lao động phát huy vai trò làm chủ của mình. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị định 87/CP cần lựa chọn điểm chỉ đạo, rút kinh nghiệm, từ đó triển khai trên diện rộng.
Hàng năm, công đoàn cấp trên cơ sở vừa chủ động vừa tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả Nghị định 87/CP, chống "bệnh" hình thức trong quá trình tổ chức thực hiện.
Phí Quang Thái
Các tin khác
YBĐT - Phát hiện 1 xác chết chưa rõ nguyên nhân hay cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ 1 gói chất bọc màu trắng nghi là Hêrôin, những đồng tiền nghi là tiền giả, những hồ sơ tài liệu không đủ độ tin cậy… tất cả những băn khoăn, thắc mắc này sẽ được những cán bộ chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Yên Bái giải đáp một cách nhanh chóng, chính xác để làm rõ sự thật.
YBĐT - Tham dự Hội nghị liên hoan con cháu hiếu thảo toàn quốc lần thứ IV diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 24/8, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn được 3 đại biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
YBĐT - Hang Dơi trên núi Nả là một trong những địa danh của xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Cùng với hang Dơi, đình Chung làng Vần, nhà ông Trần Đình Khánh và gò cọ Đồng Yếng xã Vân Hội đã trở thành những điểm đến thuộc cụm di tích Chiến khu Vần - Hiền Lương lưu danh sử sách.
YBĐT – Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái, năm 2007 Việt Hồng đã lên danh sách được 86 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, đang phải sống trong những căn nhà dột nát.