Giảm tác động tiêu cực của xuất khẩu lao động đến cuộc sống gia đình
- Cập nhật: Thứ năm, 7/8/2008 | 12:00:00 AM
Để thực hiện được vấn đề này, vai trò của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp XKLĐ và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có ý nghĩa trò rất quan trọng.
|
Đối với Việt Nam, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đem lại nguồn ngoại tệ hàng năm khá lớn, góp phần tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn, nâng cao mức sống nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, XKLĐ cũng bộc lộ những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với bản thân người lao động mà còn đối với gia đình, cộng đồng…
Giám đốc Quỹ Nhịp cầu sức khoẻ (Health Bridge) Canada tại Việt Nam Phạm Thị Hoàng Anh nhấn mạnh điều đó trong Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu “Tác động của XKLĐ đến cuộc sống gia đình tại tỉnh Thái Bình” ngày 6/8, tại Hà Nội. Hội thảo do Quỹ Nhịp cầu sức khoẻ (Health Bridge) Canađa tại Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tổ chức.
Nghiên cứu nói trên nằm trong Dự án “Sự trở về an toàn: Thay đổi thái độ và tập quán ở Việt Nam” do Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam cùng UBND tỉnh Thái Bình thực hiện, nhằm mục đích giảm thiểu tính dễ tổn thương của đối tượng XKLĐ là nữ trước nguy cơ HIV/AIDS. Nghiên cứu được tiến hành tại các huyện Tiền Hải (2 xã: Vũ Lăng và Đông Phong), Đông Hưng (2 xã: Đông Tân và Hồng Châu) và thành phố Thái Bình (phường Vũ Chính) đại diện cho các vùng, miền khác nhau của tỉnh. Đối tượng nghiên cứu là các thành viên trong gia đình có người đi XKLĐ, người dân trong cộng đồng và cán bộ ban, ngành địa phương.
Là một trong những tỉnh đầu tiên mở ra hoạt động XKLĐ, hiện Thái Bình có số lượng người đi XKLĐ lớn nhất cả nước. Nghiên cứu cho thấy, tại Thái Bình, người đi XKLĐ chủ yếu là nữ (81,5%) do thiếu việc làm, kinh tế khó khăn, thu nhập thấp. XKLĐ đã đem lại nguồn lợi đáng kể về kinh tế. Tính trung bình giai đoạn 2002 - 2005, mỗi năm tỉnh đưa 2.900 người đi XKLĐ. Dự kiến, giai đoạn 2006-2010, mỗi năm tỉnh đưa 2.500 - 3.000 người đi XKLĐ.
Tuy nhiên, ở những gia đình có người đi XKLĐ, không chỉ quy mô sản xuất bị thu hẹp mà còn chịu ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý, tình cảm; thách thức lớn nhất là thiếu thốn tình cảm, dẫn đến những biến đổi về nhận thức, hành vi ứng xử trong quan hệ vợ chồng, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý và việc học tập của trẻ… tác động đến sự bền vững của gia đình, rạn nứt trong hôn nhân. Các gia đình có người đi XKLĐ gặp khó khăn trong việc chăm sóc và tái tạo sức lao động…
Hội thảo nhất trí đề xuất Nhà nước cần quản lý chặt chẽ các công ty XKLĐ, tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của gia đình và xã hội đối với XKLĐ, tích cực tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người đi XKLĐ. Hội thảo cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp XKLĐ và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng để quản lý và hỗ trợ phụ nữ sống và làm việc tại nước ngoài; hỗ trợ các gia đình có người (đặc biệt là phụ nữ) đi XKLĐ, giúp họ bảo vệ đời sống tinh thần, tình cảm và phát triển kinh tế gia đình.
(Theo VOV)
Các tin khác
Hồi 4 giờ ngày 7/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ vĩ bắc; 109,6 độ kinh đông, trên khu vực phía Tây bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.
YBĐT - Thực hiện Quyết định số 38/2008/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Yên Bái đã quyết định năm học 2008 – 2009, học sinh trong tỉnh tựu trường vào ngày 21/8/2008, ngày khai giảng năm học mới là 5/9/2008 và ngày kết thúc năm học là 30/5/2009.
YB§T - Chuẩn bị cho năm học mới 2008 – 2009, Công ty cổ phần Sách thiết bị trường học Yên Bái đã chuẩn bị 1,3 triệu bản sách giáo khoa với trị giá gần 9 tỷ đồng để cung ứng cho thị trường.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long vừa ký quyết định thành lập 65 Đoàn thanh tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2. Bộ GD&ĐT ủy quyền cho các trường đại học, học viện, cao đẳng cử cán bộ, giảng viên tham gia các Đoàn thanh tra nói trên.