Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái: Công tác xóa mù chữ cho phụ nữ các dân tộc nhận giải thưởng KOVALEVSKAIA năm 2007
- Cập nhật: Thứ hai, 24/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi với 30 dân tộc chung sống và 70 xã đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí nhìn chung chưa cao, không đồng đều, nhất là đối với cán bộ nữ, hội viên, phụ nữ dân tộc ít người. Trước những năm 2000, không những chỉ hội viên phụ nữ mà tới 80% cán bộ trong ban chấp hành của tổ chức hội phụ nữ ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh đều mù chữ.
Theo kết quả khảo sát của Hội LHPN tỉnh năm 2000, có 19.027 phụ nữ từ 15 - 40 tuổi còn mù chữ, trong đó 20% tái mù chữ (chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người ở vùng cao có nhiều khó khăn). Không chỉ vậy, trên 90% phụ nữ tại 70 xã vùng cao, dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp nhiều trở ngại trong việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Chính vì vậy, tại địa phương và gia đình hội viên dù đã có các phương tiện thông tin như loa, đài nhưng việc tiếp thu thông tin vẫn rất hạn chế.
Có thể nói, thực trạng phụ nữ còn mù chữ, tái mù chữ là cản trở lớn nhất trong công tác vận động phụ nữ thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của hội và cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở lớn nhất của các cấp hội phụ nữ tỉnh Yên Bái. Hội có chức năng là tuyên truyền, vận động phụ nữ các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng nếu chỉ tuyên truyền, vận động thì chưa đủ mà phải tổ chức cho chị em học tập nâng cao kiến thức. Trong khi đó, kinh phí hoạt động của hội phụ nữ các cấp còn thấp, đặc biệt ở cấp cơ sở chỉ có từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi năm, vì vậy rất khó khăn để mở các lớp học xóa mù chữ và ảnh hưởng lớn tới việc triển khai các hoạt động của hội.
Trước thực trạng đó, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã xác định, việc xóa mù chữ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ phải được đặt lên hàng đầu và cũng là nhiệm vụ nặng nề nhất. Việc xóa mù chữ, nâng cao trình độ cho phụ nữ nếu chính tổ chức hội không phấn đấu, không chủ động, không nỗ lực vận động thực hiện thì không một ai có thể làm thay.
Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2001 - 2006) đã đề ra chỉ tiêu: tiếp tục thực hiện xóa mù chữ và phấn đấu đến cuối năm 2004, có 100% ủy viên ban chấp hành hội phụ nữ vùng cao, dân tộc học xong xóa mù chữ và đến năm 2006, có 70% hội viên trở lên trong độ tuổi 18 - 40 mù chữ được xóa mù chữ. Để đạt được chỉ tiêu này, Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng văn bản liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo, ký chương trình phối hợp và kế hoạch thực hiện hàng năm; phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể về công tác xóa mù chữ cho phụ nữ. Hội chịu trách nhiệm vận động, tổ chức lớp, duy trì sĩ số; ngành giáo dục đào tạo chịu trách nhiệm về chương trình, giáo viên...
Hội đã xây dựng điểm chỉ đạo xóa mù chữ tại xã Trạm Tấu (Trạm Tấu), sau đó nhân diện chỉ đạo trong toàn tỉnh. Để có thể mở rộng đối tượng xóa mù chữ cho phụ nữ trên 25 tuổi (vì kinh phí của ngành giáo dục - đào tạo chỉ cấp để xóa mù chữ cho phụ nữ trong độ tuổi 15 - 25), Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã đề xuất và được Tỉnh ủy Yên Bái cho phép vận động hội viên, phụ nữ ủng hộ xây dựng quỹ "Xóa mù chữ". Trong hai năm, quỹ đã chi 65,2 triệu đồng mua sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ giáo viên để mở rộng đối tượng được xóa mù.
Ngoài ra, Hội còn tích cực vận động, khai thác lồng ghép các chương trình, dự án của các tổ chức như: Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Ủy ban Quốc gia Chống mù chữ, Tổ chức Việt Úc, UNICEF, Tổ chức Bánh mỳ thế giới (Đức), Tổ chức CODESPA (Tây Ban Nha) cùng các nguồn lực của Trung ương và địa phương thực hiện các hoạt động lồng ghép nội dung của dự án, chương trình với việc xóa mù chữ; các xã, phường vùng thấp kết nghĩa với xã vùng cao. Tính từ năm 1995 đến nay, Hội đã mở được 808 lớp, 17.370 phụ nữ tham gia học với nguồn kinh phí vận động là trên 463 triệu đồng.
Cũng để phù hợp với đối tượng, địa bàn hoạt động và chống tái mù cho chị em, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng các mô hình xóa mù chữ đa dạng như: đào tạo cán bộ ban chấp hành, cán bộ nòng cốt học tập ở trung tâm huyện, xã, thôn, bản; xây dựng 97 tủ sách của hội đặt tại các xã, thành lập các nhóm duy trì sau khi đã học xong xóa mù chữ và quyên góp sách, báo, tài liệu, truyện tranh chữ to cho các tủ sách để chị em thay nhau mượn đọc; tổ chức hội thi...
Sau 8 năm nỗ lực với chương trình xóa mù chữ cho chị em, đến nay, 100% cán bộ ban chấp hành hội phụ nữ cơ sở đã được xóa mù chữ; nhiều chị đã trưởng thành từ các lớp xóa mù chữ của hội và trở thành cán bộ hội chủ chốt; nhiều chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng; chị em được xóa mù chữ đã mở mang tầm nhìn, biết cách quản lý, phát triển kinh tế gia đình cũng như tự tin hơn, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.
Chương trình xóa mù chữ cho chị em của Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, thực hiện kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2006 - 2010 và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương.
Với thành tích trong công tác xóa mù chữ cho phụ nữ các dân tộc, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2007 cho tập thể tiêu biểu trong đời sống xã hội.
Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vừa mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 40 người là các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc 12/12 xã, thị trấn.
YBĐT - Sáng 23/11, tỉnh Yên Bái đã tổ chức mít tinh, phát động Chiến dịch truyền thông Phòng, chống bạo lực gia đình và Bình đẳng giới.
Bộ GDĐT ngày 21.11 cho biết về tình hình và kết quả thực hiện đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 của 48/59 tỉnh thực hiện đề án tính đến ngày 15.11.
YBĐT – Ngày 21/11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã tổ chức kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2008) và tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hội.