Vui đón tết Mông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Khi tiếng khèn lá réo rắt trên những nẻo đường vùng cao, từng cơn gió se lạnh mang theo những hạt mưa li ti rắc trên những cánh rừng thông thì cũng là lúc tết cổ truyền của người Mông đã đến. Miền sơn cước nô nức hơn bởi bước chân đồng bào xuống phố huyện sắm tết, các cơ quan, ban ngành cũng tất bật chuẩn bị cùng đồng bào Mông vui tết đón xuân.

Đẩy gậy là môn thể thao truyền thống đặc sắc của người Mông trong hội “Gầu tào”.
Đẩy gậy là môn thể thao truyền thống đặc sắc của người Mông trong hội “Gầu tào”.

Dạo một vòng quanh chợ huyện, không khí tết Mông đã sôi động lắm rồi, các mặt hàng phục vụ cho tết cổ truyền của đồng bào Mông đã khá phong phú, váy áo sặc sỡ, giầy dép đủ loại. Bà Nguyễn Thị Niên - một chủ cửa hàng quần áo ở chợ huyện cho biết: "Các mặt hàng phục vụ tết Mông năm nay không đắt hơn mọi năm, loại nào cũng có. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã tiến bộ hơn rất nhiều nên bây giờ ngoài ăn no đồng bào đã nghĩ đến mặc đẹp, nên khi tết đến dù ít hay nhiều các trai làng, gái bản cũng đi sắm tết, nhưng năm nay có lẽ do mùa màng không đạt như mọi năm nên sức mua chậm hơn năm ngoái".

Gian hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Quỳnh ở chợ huyện cũng chật ních các loại bánh kẹo. Chị cho biết: "Để phục vụ tết Mông, ngoài việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, nước mắm, dầu ăn, tôi cũng đã nhập thêm nhiều loại bánh kẹo với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp với mức sống của đồng bào đủ cung cấp sức mua của đồng bào trong dịp tết".

Anh Giàng A Tàm - người dân thôn Bản Công, xã Bản Công tâm sự: "Tết Mông năm nay nhà mình có đủ gạo làm bánh và có lợn mổ ăn tết rồi nên đi chợ chỉ mua ít bánh kẹo và mấy bộ quần áo mới cho trẻ con trong nhà". Cũng như anh Giàng A Tàm, nhà chị Giàng Thị Pàng thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ cũng cho biết: "Tết năm nay, nhà mình giã 20kg gạo nếp làm bánh dày, vừa để ăn vừa để làm quà cho bạn bè đến chơi. Còn thịt lợn thì gần đến ngày 30 tết phải đi mua ở chợ. Mình cũng đã làm xong 3 chiếc váy mới để mặc đi chơi tết".

Không khí đón xuân đã tràn ngập khắp nẻo đường. Trong những cánh rừng vang lên tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình. Năm nay, 153 hộ gia đình người Mông nghèo được huyện hỗ trợ mỗi hộ 10 kg gạo ăn tết, vậy là gia đình nào cũng có tết. Gia đình chị Giàng Thị Cha, thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ là một trong những hộ được hỗ trợ đợt này, tâm sự: "Vì nhà ít ruộng nương, vụ mùa lại bị sâu hại nên năm nay thóc không đủ ăn, được sự giúp đỡ của huyện năm nay nhà mình cũng có tết. Mình cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành đến gia đình mình”. 3 đứa con của chị Giàng Thị Cha đã có váy mới, bởi cách đây 4 tháng chị đã bắt đầu làm váy cho con mặc tết. Phụ nữ Mông vốn chịu thương chịu khó nên trên đoạn đường lên nương lên rẫy, tranh thủ lúc rỗi rãi, đêm khuya là nhuộm vải làm váy. Chỉ cần là phụ nữ Mông thì không kể là thiếu nữ hay phụ nữ trung niên cứ đến những ngày cuối năm là bàn tay đen mầu thuốc nhuộm vải thoăn thoắt thêu những hình nền, chiếc váy Mông trở nên ý nghĩa không chỉ ở giá trị vật chất mà còn mang nặng giá trị văn hóa truyền thống là ở đó.

Ném pao, trò chơi yêu thích của người Mông trong dịp tết.
(Ảnh: Hoàng Đô)

Tết của người Mông Trạm Tấu không phải là ra chợ sắm những thứ hàng xa xỉ về trưng bày trong nhà, không phải là các loại rượu, bia ngoại đắt tiền, những thứ bánh quà cao sang mà nó là dịp để bạn bè, người thân gặp gỡ mang đến cho nhau những lời chúc mừng tốt lành, là dịp để khèn, sáo réo rắt, để thiếu nữ xúng xính trang phục dân tộc và để trai bản trổ tài "cướp vợ".

Anh Giàng A Su - Trưởng thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ bày tỏ: "Những thứ không thể thiếu trong tết của người Mông là bánh dày, măng ớt, rượu gạo. Con trai khi đi chơi tết thì mang khèn, mang sáo, con gái thì quả còn, rồi trai làng gái bản rủ nhau chơi ném còn (laij pao). Những quả còn tung hứng, những đôi mắt lúng liếng đưa tình, những câu hát trao duyên, từ đây trai tìm được vợ, gái tìm được chồng, thế là cứ vào dịp tết người Mông không chỉ vui xuân mới mà còn vui duyên mới". Tết của người Mông Trạm Tấu bởi vậy giản dị và nhẹ nhàng mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Bình dị giản đơn như chính cuộc sống của họ, những thứ dùng trong ngày tết chính là kết quả của đôi bàn tay lao động trong một năm, thế nên ngày tết là ngày nghỉ ngơi, thư thái để tận hưởng trọn vẹn hương vị cuộc sống.

Theo kế hoạch của huyện Trạm Tấu, năm nay thời gian tổ chức tết Mông bắt đầu từ ngày 30 tháng 11 đến hết ngày 5 tháng 12 âm lịch. Theo đó, mỗi ban ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để đồng bào có một cái tết ấm no, hạnh phúc. Đồng chí Đỗ Thị Hương - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện cho biết: “Trung tâm Văn hóa đã có kế hoạch cụ thể, cử cán bộ xuống các xã cùng với cán bộ văn hóa xã thống nhất xây dựng kế hoạch và chương trình tổ chức bảo đảm phục vụ tốt hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ trong dịp tết của đồng bào".

Tết của người Mông đang về trên khắp nẻo đường vùng cao cũng là lúc UBND xã Bản Công kết thúc một năm thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Phàng A Say - Phó chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: “Để bảo đảm cho đồng bào đón tết an toàn, đầm ấm, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức đón tết cổ truyền dân tộc Mông do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và cán bộ chủ chốt các đoàn thể là thành viên.

Cùng với đó thống nhất với ban công an xã có phương án bảo vệ địa phương an toàn suốt dịp tết. Mỗi cán bộ xã, trưởng thôn, bản ngoài việc đến thăm hỏi động viên đồng bào còn có trách nhiệm vận động đồng bào đón tết an toàn, tiết kiệm, đúng thời gian quy định, sau tết bắt tay ngay vào sản xuất lúa xuân để bảo đảm đúng khung thời vụ". Không chỉ Bản Công mà tại 10 xã vùng cao của Trạm Tấu, không khí vui xuân đón tết đều thật náo nức.

Vậy là năm 2008 đã sắp đi qua. Năm qua, cùng với đồng bào các dân tộc trong cả huyện, đồng bào, cán bộ, chiến sỹ dân tộc Mông đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đưa mức tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 10,18%, tăng 0,62% so với năm 2007. Năm 2009 là năm huyện Trạm Tấu tăng tốc để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 03 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tin tưởng với truyền thống đoàn kết cần cù lao động, đồng bào, chiến sỹ dân tộc Mông cùng với toàn tỉnh sẽ chung tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2009.

Phương Thùy

Các tin khác

Ngày 24.12, Bộ GDĐT cho biết, Chính phủ đã thông qua đề án đổi mới cơ chế tài chính trong GDĐT và đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ phê duyệt để triển khai.

Nhờ sinh ít con mà gia đình chị Hằng có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.

YBĐT - Đây là gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn 3 Lương Thịnh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái. Nhìn bề ngoài không có gì nổi bật hơn những hộ công giáo khác trong thôn, song để có được cơ ngơi như bây giờ một phần chính là nhờ anh chị đã thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.

Đội thông tin lưu động tỉnh biểu diễn tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS phục vụ đồng bào xã Nậm Mười (Văn Chấn).

YBĐT - Năm 2004, thôn Bản Loọng 1, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) phát hiện người đầu tiên nhiễm HIV, đến nay số người nhiễm HIV là 9 người, trong đó đã có 5 người chết vì AIDS, đưa Bản Loọng 1 trở thành điểm nóng về HIV/AIDS của xã Sơn Thịnh. Thế nhưng, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Bản Loọng 1 đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn, trở ngại, cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2006-2010, sẽ có 105 trường học của tỉnh được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia. Thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay, tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục