Yên Bái: 13 năm thực hiện Luật Lao động được và chưa được

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái còn 3.133 lao động trong các doanh nghiệp chưa ký HĐLĐ, chiếm 15,27%. Số doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để ký thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động chiếm 70%. Đây là “kẽ hở” để các doanh nghiệp “lách” luật, lợi ích hợp pháp của người lao động bị vi phạm.

Sản xuất gỗ ván ghép thanh tại Công ty TNHH Thành Đạt, thành phố Yên Bái.
(Ảnh: Thanh Miền)
Sản xuất gỗ ván ghép thanh tại Công ty TNHH Thành Đạt, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)

Thực hiện Luật Lao động có hiệu quả là thiết lập quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) và ký thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) giữa tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động. Thiết lập quan hệ lao động hài hoà, ổn định trong các doanh nghiệp là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhằm phát huy nhân tố con người trong lao động sản xuất, tạo động lực
cho doanh nghiệp phát triển. Qua 13 năm (1995 - 2008) thực hiện Luật Lao động, bức tranh toàn cảnh về quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cho thấy vừa mừng vừa lo…

Kết quả đáng mừng

Những năm qua, tỉnh Yên Bái với những chính sách hợp lý, tạo môi trường thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, phong phú về ngành nghề, chất lượng lao động được nâng lên. Đầu năm 1995, toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp, đến nay có 608 doanh nghiệp, thu hút trên 21 nghìn lao động; trong đó có 20.528 lao động được ký HĐLĐ và 112 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký TƯLĐTT theo quy định của Luật Lao động.

Kết quả khảo sát của Sở LĐ-TB-XH: các doanh nghiệp trung ương thu nhập bình quân của người lao động 1,8 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp địa phương quản lý 1,4 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2 triệu đồng/người/tháng. Chế độ làm việc và nghỉ ngơi, các doanh nghiệp đều áp dụng tuần làm việc 48 giờ. Một số doanh nghiệp trung ương thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có tổ chức làm thêm giờ nhưng cũng không quá 4 giờ trong ngày và 300 giờ trong một năm.

Việc thiết lập quan hệ lao động là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động về việc làm, thu nhập, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)... Chính vì vậy, thời gian qua, không ít các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả phải chuyển đổi, tách nhập, giải thể. Song việc làm, thu nhập của người lao động vẫn được Nhà nước và doanh nghiệp giải quyết theo nhiều hướng khác nhau.

Đối với trên 1.000 lao động dôi dư được trợ cấp hàng chục tỷ đồng giúp người lao động tạo chỗ làm việc mới. Ngoài ra, còn hàng tỷ đồng đầu tư để đào tạo, đào tạo lại cho người lao động thích ứng với công nghệ mới. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 26,4%; trong đó đào tạo nghề là 12%, tăng 6% so với năm 1995. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất tạo “dây chuyền”  hoàn chỉnh, từ khâu khai thác vật liệu – vận chuyển – lưu thông – tiêu thụ sản phẩm, thu hút hàng nghìn lao động có việc làm. Tiền lương, thu nhập của người lao động đã được các doanh nghiệp xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương, trả lương theo khoán sản phẩm.

 

Thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động: đã có 60% doanh nghiệp thành lập hội đồng bảo hộ lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần thuộc tỉnh quản lý và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều tổ chức các lớp tập huấn cho công nhân về công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) và trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ lao động cá nhân, tổ chức ăn ca cho người lao động. Sở LĐ-TB-XH phối hợp liên ngành tổ chức 65 lớp cho 4.550 lượt cán bộ chủ chốt làm công tác BHLĐ. Chế độ BHXH, BHYT đã có 15.847 lao động tham gia, chiếm 76% tổng số lao động trong các doanh nghiệp, tăng 20% so với năm 1995. Các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…đã được giải quyết kịp thời, đầy đủ.

Việc thiết lập quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, theo ông Cao Ngọc Khánh - Trưởng phòng Lao động - Tiền công Sở LĐ-TB-XH cho biết: “ Cái được lớn nhất là quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo, không xảy ra đình công trên địa bàn, tạo môi trường lành mạnh cho các nhà đầu tư”.

Những con số còn bất cập

Toàn tỉnh còn 3.133 lao động trong các doanh nghiệp chưa ký HĐLĐ, chiếm 15,27%. Số doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để ký TƯLĐTT với người sử dụng lao động chiếm 70%. Đây là “ kẽ hở” để các doanh nghiệp “ lách” luật, lợi ích hợp pháp của người lao động bị vi phạm. Tỷ lệ công nhân lao động nghỉ tự túc, nghỉ luân phiên chiếm 5%.

Một bộ phận người lao động thu nhập chưa tương xứng với hao phí sức lao động họ đã bỏ ra, thu nhập còn thấp hơn tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Chế độ nghỉ phép năm của người lao động chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Điều đáng nói là các doanh nghiệp ngoài nhà nước, tuyển và sử dụng lao động không quan tâm huấn luyện quy trình quy phạm kỹ thuật an toàn lao động, không tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động.

Đây là nguyên nhân làm cho các vụ tai nạn lao động ngày một gia tăng. Năm 2000 xảy ra 11 vụ tai nạn lao động làm chết 4 người, năm 2007 xảy ra 42 vụ làm chết 4 người, bị thương nặng 38 người. Số lao động bỏ ngoài danh sách không tham gia BHXH, BHYT là 3.133 người, chiếm 15,27%. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT ở một số doanh nghiệp diễn ra “ kinh niên”: năm 2003 có 10 doanh nghiệp nợ trên 300 triệu đồng, năm 2008 có 11 doanh nghiệp nợ trên 5 tỷ đồng. Do đó, người lao động không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…

Những vi phạm trên là nguyên nhân gây ra là 8 vụ tranh chấp lao động trên địa bàn tỉnh. Đơn thư khiếu nại của người lao động đã xảy ra kéo dài và vượt cấp, làm ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đóng bao sản phẩm bột đá CaCO3 tại Nhà máy nghiền đá vôi (Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái).

Thay cho lời kết

Để Luật Lao động thực sự đi vào cuộc sống trong các doanh nghiệp, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành chức năng với chính quyền huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động gắn với công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm Luật đồng thời triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 47 ngày 23/5/2008 của Tỉnh uỷ Yên Bái về thực hiện Nghị quyết số 20 BCH Trung ương Đảng (khoá X) “ Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”.

Hoạt động công đoàn phải hướng về cơ sở, phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, nâng cao vị thế của công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động. Các doanh nghiệp cần sớm thay đổi nhận thức: không vì lợi nhuận đơn thuần mà vi phạm lợi ích của người lao động. Việc chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động là biện pháp quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới.

Phí Quang Thái

Các tin khác
Đến 15/3 phải hoàn thành công tác thẩm định và trình duyệt đề án, báo cáo Chính phủ.

YBĐT - Đó là yêu cầu của đ ồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tổ chức ngày 4/1/2009.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: những ngày vừa qua, mưa lũ đã làm 8 người (thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) chết và mất tích, đồng thời gây thiệt hại lớn về tài sản.

Đi Hàn Quốc làm việc thu hút nhiều học sinh tại các trường nghề

Trong năm 2009, sẽ có hàng nghìn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình luật cấp phép mới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định.

Theo Trung tâm Thông tin và Tư liệu dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), cuộc tổng điều tra dân số VN 2009 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4-2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục