Các trung tâm dạy nghề công lập: Cần được đầu tư nâng cao năng lực dạy nghề
- Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhu cầu học nghề hiện nay tại các địa phương là rất lớn. Hàng năm, tổng số người đến tuổi 15 bổ sung vào nguồn lao động của tỉnh là trên 19.000 người. Trong đó, ước tính số học sinh có nhu cầu đào tạo nghề là gần 14.000 người. Trong khi số học sinh được đào tạo nghề hàng năm hiện nay mới khoảng 3.500 người.
Yên Bái phấn đấu đến năm 2010, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 35%. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
Theo kế hoạch đào tạo nghề cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 sẽ đào tạo cho 39.000 lao động, trong đó trung cấp nghề và cao đẳng nghề là 8.500 người (22%), sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 30.500 người (chiếm 78%). Phấn đấu đến năm 2010, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 35%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 17%.
Hiệu sửa chữa xe máy của anh Đồng Đức Tính ở Bản Mỡ, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn) mở chưa lâu nhưng anh Tính khá bận rộn với công việc. Với mong muốn tìm kiếm một việc làm ngoài việc đồng áng, năm 2006 anh đã tham gia lớp sửa chữa xe máy ngay tại Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ. Sau thời gian làm thợ ở một cửa hiệu sửa chữa xe máy để học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, anh đã mở được cửa hiệu của riêng mình.
Không tìm kiếm một việc làm mới, song việc tham gia lớp chăn nuôi, thú y ngay tại xã do Trung tâm Dạy nghề Trấn Yên mở đã giúp cho anh Hà Kế Toán ở thôn An Thịnh, xã Kiên Thành (Trấn Yên) phát triển chăn nuôi lợn với quy mô lớn, hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình... Các trung tâm dạy nghề công lập tại các huyện, thị, thành phố, quả thực đã tạo cơ hội biến nhu cầu học nghề của những lao động nông thôn hay những thanh niên dân tộc thiểu số như anh Đồng Đức Tính, Hà Kế Toán trở thành hiện thực, giúp họ tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình.
Năm 2004, Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ được thành lập, mở đầu cho sự ra đời liên tiếp của các trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Đến năm 2008, Trung tâm Dạy nghề Trạm Tấu và thành phố Yên Bái được thành lập, đánh dấu sự “phủ sóng” rộng khắp của các trung tâm dạy nghề tại 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Ở các địa phương, nhìn chung tỉ lệ hộ nghèo còn cao, muốn giảm nghèo bền vững người dân cần phải được học nghề. Song, với lao động là người nghèo, người dân tộc thiểu số thì phần lớn không đủ điều kiện để đi học xa. Vì vậy, sự ra đời của các trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị, thành phố là cơ hội cho người lao động địa phương được tham gia học nghề. Sau khi ra đời, các trung tâm dạy nghề đã đáp ứng tốt nhu cầu học nghề tại chỗ của lao động địa phương, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng về cơ hội học nghề trong vùng, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Bình quân mỗi năm các trung tâm dạy nghề đào tạo nghề cho trên 1000 người.
Qua ba năm (2006-2008), các trung tâm dạy nghề này đã đào tạo nghề cho trên 5.900 người. Nhờ đó, nhiều lao động khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là thanh niên dân tộc, lao động thuộc hộ nghèo, học sinh dân tộc thiểu số nội trú, người tàn tật đã được học nghề ngay tại địa phương, áp dụng vào sản xuất hoặc tìm việc làm.
Tuy nhiên, do mới thành lập nên nhìn chung các trung tâm dạy nghề công lập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với quy mô đào tạo trung bình khoảng trên 1000 lao động mỗi năm, song tổng số cán bộ quản lý, nhân viên giáo viên các trung tâm dạy nghề công lập toàn tỉnh mới có 41 người, trong đó có 11 giáo viên. Trong khi đó, các trung tâm dạy nghề phải đảm nhiệm nhiệm vụ dạy tại xã, thôn bản; số lớp học đặt tại thị trấn huyện lỵ, thành phố chỉ chiếm từ 25% đến 30%. Do phần lớn các lớp học chưa có giáo viên cơ hữu đảm nhiệm công tác giảng dạy cho nên các trung tâm dạy nghề chưa chủ động được việc bố trí kế hoạch giáo viên, nghề đào tạo, nên có lúc hiệu quả đào tạo chưa cao, chưa gắn với thực tế đời sống. Về quỹ đất, hai trung tâm dạy nghề thành phố Yên Bái và Trạm Tấu chưa được cấp đất sử dụng.
Về cơ sở vật chất, mới có Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Bình được đầu tư xây dựng nhà lớp học. Trung tâm Dạy nghề thành phố Yên Bái và Trạm Tấu chưa được xây dựng hạng mục nhà làm việc kết hợp với lớp học và chưa được đầu tư thiết bị dạy nghề. Đồng thời, các trung tâm dạy nghề Nghĩa Lộ, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải mới có nhà nội trú cho học sinh và tất cả các trung tâm chưa có xưởng thực hành, nhà ăn, nhà bếp, ga ra xe đạp, xe máy, hệ thống điện...
Nhu cầu thực tế và mục tiêu đặt ra đòi hỏi trong những năm tới cần củng cố, hoàn thiện các cơ sở dạy nghề hiện có trong đó có sự đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm dạy nghề tại 9/9 huyện, thị, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề trong việc tiếp cận các trình độ đào tạo nghề và thụ hưởng sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội có Đề án “Rà soát điều chỉnh đầu tư tăng cường năng lực dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề công lập giai đoạn 2006-2010 và 2010-2015”. Đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả sẽ tạo tiền đề vững chắc để các trung tâm dạy nghề tại các huyện,thị thành phố hoạt động có hiệu quả; là cơ sở cần thiết để các trung tâm dạy nghề đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, tạo động lực thu hút, khuyến khích học sinh theo học nghề ngay tại các trung tâm dạy nghề của địa phương, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nghề phục vụ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và giảm nghèo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Tin con N. bị Công an tỉnh Lào Cai bắt không làm cho bà T ngỡ ngàng, bởi bà đã đoán trước sau gì chuyện con N. bỏ nhà đi lang thang theo đám bạn hư cũng bị các cơ quan pháp luật sờ đến. Chỉ có điều nó làm bà đau hơn khi lại phải chứng kiến nó lĩnh án vì tội mua bán tàng trữ chất ma túy... con đường dẫn đến ma túy của nó còn chóng vánh hơn thằng anh nó.
YBĐT - Vẫn là cựu chiến binh Nguyễn Văn Đậu hay nói, hay cười; vẫn là người cựu chiến binh ấy nhiệt tình với chuyện làng, chuyện xóm và tích cực tham gia phong trào hội ở khu phố 5, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên như mọi ngày. Nhưng hôm nay, ngày cả nước kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tìm đến nhà ông Đậu để được nghe kể về những ngày mà ông đã trải qua tại Nhà tù Phú Quốc, khi là tù binh cộng sản của chính quyền Mỹ Ngụy.
YBĐT - Những năm qua, công tác Đoàn trong các doanh nghiệp (DN), công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch tăng cường quản lý, giám sát và hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tới các đối tượng có nguy cơ cao. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (Yên Bái) đã tổ chức truyền thông trực tiếp nhằm thay đổi hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV cho 52 lượt đối tượng nghiện ma túy, 80 lượt đối tượng nhiễm HIV, 123 lượt đối tượng là thành viên gia đình có người nhiễm HIV, trên 5.300 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 195 lượt các đối tượng khác như đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, trưởng thôn bản…