Phòng chống cúm A/H1N1: Nhiều địa phương gặp khó khăn
- Cập nhật: Thứ ba, 5/5/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 4-5, lần đầu tiên Bộ Y tế đã tổ chức cuộc giao ban trực tuyến với 63 tỉnh thành phố chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại 9 điểm cầu. Mặc dù hầu hết các địa phương đều đã có kế hoạch sẵn sàng phòng chống và ứng phó với đại dịch cúm A/H1N1, song thuốc Tamiflu và thiết bị y tế vẫn còn quá thiếu.
Địa phương nơm nớp lo
Tại cuộc giao ban trực tuyến, BS Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, với một thành phố có cả cảng hàng không và cảng biển, hiện Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống, cũng như lên kế hoạch diễn tập ứng phó với đại dịch cúm A/H1N1. Tuy nhiên lãnh đạo ngành y tế Đà Nẵng cũng bày tỏ sự lo ngại khi cả thành phố chỉ có 1 máy đo thân nhiệt ở sân bay Đà Nẵng, thuốc Tamiflu, máy thở và khẩu trang phòng dịch đều rất thiếu.
Cùng chung nỗi lo này, đại diện các sở y tế Phú Thọ, Nghệ An, Khánh Hòa đều đề nghị được hỗ trợ thêm thuốc Tamiflu vì số thuốc dự trữ tại các đại phương này còn rất ít và đa phần là hết hạn. Đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, cả tỉnh chỉ còn 70 viên Tamiflu, máy đo thân nhiệt tại các sân bay như Cam Ranh (Nha Trang) và Phù Cát (Bình Định) cũng chưa có.
Tại điểm cầu Đắc Lắc, đại diện cho 4 tỉnh Tây Nguyên đề nghị, Bộ Y tế phải cấp ngay cho ngành y tế ở khu vực này thuốc Tamiflu và máy đo thân nhiệt. Bởi lẽ, Tây Nguyên có 3 cửa khẩu và 2 sân bay rất cần phải có máy đo thân nhiệt kiểm soát, theo dõi sức khỏe khách từ TPHCM xuống và từ Lào sang. Hơn nữa, tại cửa khẩu đường bộ có khá nhiều khách du lịch tới nên nguy cơ dịch xảy ra lớn.
Trong khi đó, đại diện Sở Y tế Cần Thơ bày tỏ sự lo lắng khi không thể quản lý được hết các tour du lịch vào miệt vườn, cùng với đó kinh nghiệm giám sát và phòng chống dịch chưa có nhiều. Sở Y tế Cần Thơ đã đề nghị Bộ Y tế sớm có chương trình tập huấn giám sát cho cán bộ quản lý về du lịch. Bởi đây đây là bộ phận tham gia tiếp xúc trực tiếp với khách nước ngoài.
Tại điểm cầu TPHCM, BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, qua giám sát các ca bệnh ban đầu cần phải tăng cường giám sát cộng đồng. Vì thực tế nhiều nước, khi được kiểm tra tại sân bay, người bệnh hoàn toàn có thân nhiệt bình thường vì đang là thời điểm ủ bệnh, chưa có sốt.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, rất dễ bỏ qua trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Vì thế, ngoài việc giám sát ca nghi ngờ ở cửa khẩu, biên giới, việc giám sát ở cộng đồng là vô cùng quan trọng. Cơ sở y tế địa phương phải tiếp tục theo dõi trong vòng 7 ngày những người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam để tránh bỏ sót những ca mắc bệnh.
Đẩy mạnh giám sát tại các cửa khẩu
Trước những đề nghị của địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là ngăn chặn không để dịch lây lan vào Việt Nam. Mặc dù tính chất của virus cúm A/H1N1 không mạnh như đánh giá ban đầu song tính chất lây lan thì vô cùng khủng khiếp.
Do đó các tỉnh, thành phố cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung ngăn chặn không để dịch vào Việt Nam qua các cửa khẩu. Cán bộ y tế dự phòng tập trung trực dịch 24/24 tại các cửa khẩu ở các nơi có nguy cơ cao để có thể xác định, phát hiện nhanh nhất các ca bệnh vào Việt Nam. Về phía các địa phương, chủ động đề xuất nhu cầu thuốc men, trang thiết bị y tế phòng chống dịch cần thiết để Bộ Y tế cấp bổ sung ngay.
Về phía Cục Y tế dự phòng và môi trường, Cục trưởng Nguyễn Huy Nga cho biết, Bộ Y tế sẽ triển khai 3 lớp tập huấn về chuyên môn: y tế dự phòng, kiểm dịch biên giới và truyền thông. Lần lượt được tổ chức tại TPHCM (ngày 6-5) và khu vực phía Bắc (9-5) và tiếp theo miền Trung. Ông Nga cũng nhấn mạnh, lực lượng y tế dự phòng ở các địa phương phải quản lý tất cả các đối tượng qua cửa khẩu để giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị, ngay từ bây giờ, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức đeo khẩu trang cho cán bộ y tế và người nhà bệnh nhân. TS Kính cũng đề nghị, các bệnh viện tuyến cuối phải tích cực trong công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về phác đồ điều trị. Trước mắt, Bộ Y tế sẽ cấp mỗi tỉnh 5.000 viên Tamiflu và một số dịch truyền.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Kỷ niệm 55 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2009), 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn và 60 năm Chiến thắng chiến dịch sông Thao (19/5/1949- 19/5/2009), sáng 4/5/2009, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt, giao lưu với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tiêu biểu trực tiếp tham gia các chiến dịch.
YBĐT - Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong các trường trung học phổ thông giai đoạn 2008 - 2013 với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong, ngoài nhà trường để xây dựng một môi trường văn hóa, giáo dục thân thiện, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.
YBĐT - Được Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên thành phố Yên Bái giới thiệu, chúng tôi tìm gặp Ông Phạm Văn Xiển, thương binh hạng 2/4 đang trú tại tổ 25, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) - người đã trực tiếp chỉ huy một số trận đánh trong chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Ở cái tuổi 81 nhưng ông vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn và nhanh nhẹn…
YB§T - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” - một cuộc vận động có ý nghĩa to lớn mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc với phương châm “Lấy sức dân chăm lo cho dân, lấy đoàn kết làm động lực”. Đó là một nhận định khái quát không những có ý nghĩa về đổi mới công tác mặt trận mà còn thể hiện phương pháp cách mạng mang tính chiến lược để thực hiện công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.