Thành phố Yên Bái: Đối mặt với tình trạng sinh con thứ ba trở lên
- Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn thành phố Yên Bái đã được triển khai tích cực. Các chỉ tiêu kế hoạch về giảm sinh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đều đạt và vượt mức tỉnh giao. Các xã, phường đã xây dựng và duy trì mô hình "Xã, phường không có người sinh con thứ 3 trở lên". Song, tình trạng sinh con thứ 3 vẫn xảy ra và trở thành vấn đề nổi cộm trong công tác dân số.
Theo dõi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ em là việc làm cần thiết.
|
Những con số
Theo Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố, chỉ tính từ năm 2007 cho đến nay, thành phố liên tiếp gia tăng số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên cụ thể: năm 2007 có 13 trường hợp (một trường hợp sinh con thứ 7); năm 2008 có 14 trường hợp (có hai trường hợp là cán bộ, đảng viên) và 4 tháng đầu năm 2009 có 10 trường hợp đang mang thai con thứ 3 (hai trường hợp đã sinh).
Các trường hợp sinh con thứ 3 tập trung ở 8 xã, phường bao gồm: Tân Thịnh 2, Yên Ninh (một trường hợp là cán bộ công chức nhà nước); Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Đồng Tâm, Minh Bảo, xã Văn Tiến. Đến nay, trong số 7 xã, phường không có người sinh con thứ 3 trở lên trong năm 2008 thì có xã Nam Cường và xã Văn Tiến không duy trì được. Như vậy, mục tiêu trong năm 2009 thành phố sẽ xây dựng và duy trì 12/17 xã, phường không có người sinh con thứ 3 trở lên sẽ không thể đạt được.
Thích thì sinh
"Thích thì sinh thôi!", đó là câu trả lời của anh Lê Đình Chính ở thôn 3 Thanh Hùng (xã Tân Thịnh). Anh Thịnh năm nay 44 tuổi, vợ anh 42 tuổi nhưng có tới 7 đứa con. Đứa lớn nhất năm nay 19 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa chào đời năm 2007.
Còn gia đình anh Vũ Văn Tú - chị Phạm Thị Thu cũng ở thôn Thanh Hùng thì cứ nhỡ kế hoạch là để đẻ nên có tới 4 đứa con (hai trai, hai gái). Gia đình anh thuộc hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ vào 1,2 sào ruộng trồng rau màu và tiền làm thuê của anh. Anh Tú tâm sự: "Cả hai vợ chồng đã cố gắng đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về, đến nỗi con cũng không nhận ra mặt bố nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Giờ có muốn nghĩ lại thì đã muộn".
Còn gia đình chị Trần Thị Thọ ở thôn I - Thanh Hùng thì lại khác. Những năm trước chị đã áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại và tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ "phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên" của thôn. Nhưng sau khi sinh cháu thứ 2 vẫn là gái, chị đã không áp dụng biện pháp KHHGĐ nhằm sinh thêm đứa con trai nữa. Biết chị có thai, cộng tác viên dân số và các tổ chức đoàn thể đến vận động nhưng chị kiên quyết để đẻ. Giờ đây chị đang mang thai đến tháng thứ 9.
Theo chị Hà Thị Mai - cán bộ phụ trách dân số xã Tân Thịnh thì từ năm 2007 cho đến nay, xã Tân Thịnh liên tiếp có các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Mặc dù đội ngũ 16 cộng tác viên dân số ở 9 thôn cùng các tổ chức đoàn thể đến vận động nhưng không thành công. Đặc biệt là đối với gia đình theo đạo công giáo, cứ lỡ có thai là để đẻ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại thấp.
Qua thống kê sơ bộ, trong số 643 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có 293 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt gần 46%. Không chỉ xã Tân Thịnh là xã kinh tế, xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều mới có tình trạng trên mà ngay ở những xã, phường có điều kiện kinh tế phát triển, có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cũng có các trường hợp sinh con thứ 3.
Đặc biệt ở một số gia đình sinh con đủ cả trai, gái song có điều kiện kinh tế nên vẫn muốn sinh thêm con. Ngay trong năm 2009, ở phường Yên Ninh có trường hợp 2 vợ chồng đều là công chức nhà nước và đã có 2 con nhưng hiện nay chị vợ lại đang mang thai con thứ 3. Khi các tổ chức đoàn thể đến vận động và thông báo nếu cố tình để đẻ sẽ xử lý theo Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh là buộc thôi việc, nhưng vợ chồng công chức trên cho rằng, trường hợp của họ nằm ngoài phạm vi Nghị quyết 36 vì đã có thai trước khi Nghị quyết ra đời...
Và còn vô số những trường hợp với muôn vàn lý do khác nhau khiến cán bộ và cộng tác viên dân số phải "bó tay" và tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn không hề giảm. Tựu chung lại, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên do vẫn còn tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", muốn có nếp, có tẻ, muốn có con trai để nối dõi tông đường. Nhiều người còn có tư tưởng đông con là nhiều của hoặc do giáo lý của lễ giáo...
Áp dụng các biện pháp mạnh và vai trò của tổ chức đoàn thể
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh - Phó chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, trước năm 2000, HĐND xã đã có Nghị quyết ban hành mức xử phạt bằng tiền mặt đối với các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, song do trái với quy định của pháp luật nên bị bãi bỏ. Từ đó đến nay các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên cũng chỉ bị xử lý theo quy định của thôn, là gia đình đó không được công nhận gia đình văn hóa trong 3 năm liền và thôn có người sinh con thứ 3 không được công nhận thôn văn hóa.
Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh ra ngày 12/12/2008 nêu rõ: "...đối với cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên xử lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức ở mức độ cao nhất (buộc thôi việc); nếu là đảng viên đề nghị xử lý kỷ luật Đảng theo Hướng dẫn số 11 ngày 24/3/2008 của Ủy ban kiểm tra Trung ương. |
Còn theo bà Nguyễn Thị Việt Hà - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố, thì từ trước tới nay chưa xử lý trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3. Các trường hợp khác chưa có biện pháp xử lý mạnh mang tính răn đe nên người dân coi thường. Hiệu quả của công tác truyền thông còn hạn chế, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại còn thấp.
Đã đến lúc các tổ chức đoàn thể cần tích cực vào cuộc hơn nữa và chính quyền các cấp cần áp dụng các biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Nên chăng, các tổ chức đoàn thể đi đôi với công tác vận động, cần đưa vào quy chế, quy định của tổ chức mình biện pháp thích đáng đối với trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.
Mặt khác, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đặc biệt là phát huy có hiệu quả vai trò của Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp, nhanh chóng ổn định và kiện toàn mạng lưới cán bộ dân số cơ sở theo Thông tư 05 của Bộ Y tế và Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ SSKSS/KHHGĐ. Có vậy mới mong giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn.
Minh Chín
Các tin khác
YBĐT - Năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Đỗ Quang Huy lên đường nhập ngũ rồi được điều động vào chiến trường miền Nam. Trải qua nhiều cuộc chiến khốc liệt, Sư đoàn 302 của anh đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Năm 1970, đơn vị anh được điều động tham gia chiến dịch Nam Lào và năm đó, anh đã bị thương cụt mất 1/3 cánh tay phải, được đưa về miền Bắc điều trị.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) cho người sử dụng đất có giấy tờ từ trước ngày 30-4-1975.
Đến 7 giờ ngày 7/5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.
YBĐT - Nhiệm kỳ 2004 - 2009, các cấp mặt trận đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh. Mặt trận đã chủ trì 8.500 hội nghị lấy ý kiến cử tri, lựa chọn trên 500 ứng cử viên, giới thiệu để cử tri bầu vào HĐND 3 cấp khóa 2004 – 2009; hiệp thương lựa chọn, giới thiệu 12 ứng cử viên để cử tri bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XII.