Bệnh viện Y học cổ truyền: Đổi mới để phát triển
- Cập nhật: Thứ năm, 20/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái được thành lập tháng 12 năm 1989. Trải qua gần 20 xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ vì người bệnh.
Điều trị bằng châm cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh.
|
Hiện nay Bệnh viện đã có 80 giường, 3 phòng chức năng, 4 khoa lâm sàng và khoa dược với 65 cán bộ trong biên chế và 12 cán bộ hợp đồng ngắn hạn. Bệnh viện đang thực hiện tự chủ về tài chính 10% theo Nghị định 43 của Chính phủ. Bên cạnh thuận lợi là đối tượng bệnh nhân chữa bệnh y học cổ truyền có kết hợp với y học hiện đại chiếm 80%, chỉ có 20% đối tượng thu viện phí thì Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái cũng đang gặp không ít khó khăn như: bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu được đào tạo chính quy không có, chủ yếu đào tạo cử tuyển. Suốt 10 năm qua, bệnh viện không tiếp nhận thêm được một bác sĩ chuyên khoa và dược sĩ đại học nào về công tác. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách hạn hẹp, trang thiết bị đã cũ và xuống cấp; nguồn phụ cấp trực 25.000/tối là quá thấp. Hiện bệnh viện đang chịu sức ép quá tải lên 120%.
Trước thực trạng trên, Bệnh viện Y học cổ truyền đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới toàn diện. Để nâng chất lượng khám chữa bệnh cũng như tinh thần phục vụ, đơn vị đã đề ra và thực hiện nghiêm qui chế bệnh viện gồm: Qui chế chống nhiễm khuẩn; Qui chế chẩn đoán, làm hồ sơ bệnh án, kê đơn điều trị; Qui chế chăm sóc người bệnh toàn diện.
Đặc biệt Qui tắc ứng xử, giao tiếp được bệnh viện tổ chức cho toàn thể cán bộ, công chức học tập, 100% cán bộ cam kết thực hiện tốt. Bệnh viện có hòm thư góp ý, hàng tháng mở để tiếp thu ý kiến đóng góp; các khoa đều treo bảng thông báo: “Ngoài viện phí người bệnh không phải nộp bất cứ khoản tiền nào khác”. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, trong 8 năm gần đây, năm nào bệnh viện cũng cử đi đào tạo 1 bác sỹ chuyên khoa.
Với nguồn kinh phí hàng năm chỉ đủ chi cho các hoạt động, do vậy bệnh viện tập trung xã hội hoá đầu tư trang thiết bị y tế. Bên cạnh việc huy động cổ phần của 52/65 cán bộ góp vốn, bệnh viện còn liên kết với các nhà cung cấp thiết bị lắp đặt các loại máy như: máy cắt trĩ, máy điều trị trĩ kỹ thuật cao, máy đo lưu huyết não, máy la ze nội mạch, máy kéo giãn cột sống. Nhờ vậy có những bệnh như liệt, cắt trĩ, nay không còn phải chuyển lên tuyến trên. Việc xã hội hoá cũng đã góp phần nâng cao đời sống cán bộ, hạn chế tiêu cực trong bệnh viện. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã khám cho gần 6 nghìn lượt người; điều trị nội trú cho trên 600 người bệnh và điều trị ngoại trú cho gần 600 người bệnh.
Bác sĩ Đặng Như Hoa - Giám đốc bệnh viện cho biết: “Bệnh viện đang được Nhà nước đầu tư 20 tỷ đồng nâng cấp, theo kế hoạch, đến năm 2010 viện sẽ có công suất 100 giường bệnh. Hiện nhà mát sa xông hơi, máy điện quang, máy siêu âm hiện đại đã được trang bị. Đây là cơ hội tốt để Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái tiếp tục đổi mới và phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày một cao của nhân dân”.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống lây nhiễm và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, giảm bớt sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội với những người nhiễm HIV/AIDS, mô hình Câu lạc bộ (CLB) Đồng cảm do Trung tâm SUDECOM thành lập tại phường Yên Thịnh đã trở thành ngôi nhà chung. Ở đó, họ được sống trong sự cảm thông, được quan tâm và chia sẻ.
YBĐT - Hiện nay ngành giáo dục huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đang quản lý 13 trường mầm non công lập tại 12 xã , thị trấn, hàng năm thu hút gần hai nghìn trẻ từ 2 - 5 tuổi đến trường. Hệ thống các trường mầm non được đầu tư cải tạo, nâng cấp đã cơ bản đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.
YBĐT - Vào những ngày này, đại dịch cúm A/H1N1 ở người đang diễn biến hết sức phức tạp cả trên thế giới và trong nước. Dịch đã xâm nhập vào trường học ở Hà Nội trở thành tâm điểm lo lắng của người dân. Nhưng tại Yên Bái, nhiều trường học ở huyện Văn Chấn vẫn cứ “bình chân như vại”.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhập học cho tân sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học và dạy nghề, ngày 18-8, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố chương trình giảm giá vé tàu dành cho các đối tượng này. Cụ thể, mỗi tân sinh viên sẽ được giảm 10% giá vé và được mua thêm 1 vé giảm giá cho thân nhân đi cùng.