Khấp khểnh vỉa hè

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Qua rồi cái thời đường sá lầy lội, thành phố Yên Bái cũng đã có những đại lộ thênh thang với vỉa hè rộng rãi, lát gạch blốc cùng hàng cây xanh rợp bóng mát. Khắc phục tình trạng hạ tầng giao thông chắp vá để xây dựng đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Thành phố còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ để kinh doanh.
Lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ để kinh doanh.

Những vỉa hè khấp khểnh

Từ ngày được công nhận đô thị loại III thì bộ mặt thành phố Yên Bái ngày càng khởi sắc. Hiện nay thành phố có tổng số 218km đường, trong đó đường nội thị là 93,7km và đường theo tiêu chuẩn đô thị là 81km; đường đạt tiêu chuẩn đô thị là 12,5km. Đã có 31,5km đường bê tông nhựa, 20,2km đường bê tông xi măng và 46,43km đường phố được chiếu sáng đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Thành phố cũng đã có những đại lộ thênh thang với vỉa hè rộng 5m, lát gạch blốc cùng hàng cây xanh rợp bóng mát như đường Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên, Yên Ninh, Nguyễn Thái Học, Bưu Điện – Nhà khách số 2 và đường Km5 – Yên Bình sắp hoàn thành.

Những tuyến đường còn lại vỉa hè hầu hết rộng từ 3 - 2,5m, mặt đường 10,5 – 6m, nhưng do được làm qua nhiều năm, nhất là việc giải toả những công trình xây dựng của dân gặp khó khăn mà có đoạn mặt đường không bảo đảm rộng như quy định hoặc không thể tiếp tục thi công và trở thành đường cụt. Nhất là hè phố, theo yêu cầu phải bảo đảm đủ rộng để bố trí hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến thì có chỗ đạt, có chỗ thót lại chỉ vừa một tầm mặt cống tiêu nước.Việc sử dụng loại bó vỉa hè, trước thì boóc đuya vuông góc, sau thì vát góc, song kích cỡ cao thấp cũng chẳng đồng đều. Thành ra, khi nhà nhà có xe máy, một số hộ khá giả mua được ô tô thì việc lên xuống vỉa hè nảy sinh bao nhiêu phiền toái. Thế là, hạ bậc đã trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi gia đình.

 Trong chuyện này, ngành giao thông quy định 20 - 25m mới mở một lối lên xuống, nhưng do yêu cầu của việc kinh doanh hoặc có sự quen biết nào đó mà việc cấp phép cũng chẳng mấy khó khăn. Công ty to thì hạ 5 – 7 tấm đan, cá nhân thì người hai kẻ một, nên có đoạn hè phố do việc hạ bậc liên tiếp đã làm mất hẳn vẻ mỹ quan, nhấp nhô như hàm răng cá sấu. Những người yếu thế không xin được phép thì sáng tạo ra cái bục dắt xe, lúc đầu là sắt hàn, sau đắp luôn bằng xi măng vừa bền vừa khỏi lo mất cắp.

Chính việc làm bục lên xuống đã ngăn cản việc tiêu nước khi trời mưa và cũng chiếm vài mươi phân mỗi bên khiến cho mặt đường hẹp lại. Có thời kỳ thành phố đã ra quân dẹp các loại bục bệ, song vì yêu cầu dắt xe lên xuống hằng ngày mà người ta bất chấp tất cả và đâu lại hoàn đấy. Đi dạo khắp các tuyến đường thành phố, ta dễ dàng nhận thấy những đoạn hè thuộc khu vực cơ quan hay nơi công cộng khả dĩ giữ nguyên được hình hài, còn cứ nơi nào có dân ở là có hạ bậc hay bệ bục.

Rồi khi thành phố bước vào kinh tế thị trường thì vỉa hè trở thành nơi buôn bán thuận tiện hơn bao giờ hết. Cấm đấy! Nhưng cuộc mưu sinh lại cấp thiết hơn. Nhà mặt phố có vỉa hè là có thể hái ra tiền. Thôi thì bày bán đủ cả giải khát, ăn sáng, hoa tươi, quả ngọt, đá cảnh, đồ gia dụng, rửa ô tô, làm lốp, sửa xe máy, giữ xe... chiếm dụng hết cả lối người đi bộ. Đặc biệt, việc đổ vật liệu xây dựng, đào bới hè phố để lắp đặt ống nước, chôn đường cáp điện thoại, đèn đường liên tiếp xảy ra khi thành phố chưa thể xây dựng được hệ thống tuynen, hào kỹ thuật. Lại còn biển báo hiệu giao thông, tủ điện thoại, cọc điện thoại thẻ, cây xanh, cột đèn, cột điện tranh nhau chồng lấn, khiến vỉa hè vốn dĩ đã hẹp càng hẹp thêm.

Bao giờ hè thoáng, đường thông?

Thông tư số 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 20 tháng 2 năm 2008 về “Hướng dẫn quản lý đường đô thị” nêu rõ: “Bảo đảm hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt dành cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ. Các hành vi bị nghiêm cấm với hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị là: tự ý xây dựng, đào bới đường đô thị; sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hoá, vật liệu; lắp đặt , xây dựng bục bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị và gây mất mỹ quan đô thị; trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường không có giấy phép...”.

Về quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị, Thông tư cũng nêu rõ: “Sử dụng hè phố vào việc giữ xe phải bảo đảm không được cản trở giao thông của người đi bộ, phải bảo đảm bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m. Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang, tập kết vật liệu xây dựng... phải xin phép chính quyền địa phương nơi cư trú và thời gian sử dụng tạm thời không quá 48 giờ, cũng phải bố trí lối đi cho người đi bộ với chiều rộng tối thiểu của lối đi là 1,5m”.

Khắc phục tình trạng hạ tầng giao thông chắp vá để xây dựng thành phố “sáng, xanh, sạch, đẹp” theo nghị quyết của HĐND thành phố Yên Bái, UBND thành phố đã có Quyết định số 30/QĐ-UBND phân cấp quản lý các công trình kết cấu hạ tầng đô thị công cộng. Như vậy, Công ty Công trình và Môi trường đô thị có nhiệm vụ quản lý hành lang, mặt vỉa hè, hệ thống cống rãnh, boóc đuya, hệ thống thoát nước; UBND các phường, xã quản lý đường trục phường xã và có trách nhiệm huy động các tổ chức, nhân dân đóng góp vốn xây dựng, cải tạo các công trình nói trên và vỉa hè trong phạm vi trước cơ quan và các hộ gia đình.

Về vấn đề này, ông Mã Đức Thành – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Yên Bái cho biết: “Trung tuần tháng 7 - 2009, UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp trong công tác quản lý đô thị. Tại Hội nghị, ông Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh công tác quản lý đô thị và bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBND các xã, phường và cá nhân ông Chủ tịch UBND. Lãnh đạo các xã, phường phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến công tác quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông của địa phương mình.

Một đoạn đường phố xanh, sạch, đẹp.

Từ ngày 1 tháng 8 năm 2009, tất cả các xã, phường đồng loạt triển khai giải toả hành lang, đảm bảo trật tự đô thị và trật tự an toàn giao thông. Cũng vào các ngày 15 và 30 hàng tháng, Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố phải có văn bản gửi các phường về kết quả triển khai công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và đánh giá đơn vị nào triển khai tốt, đơn vị nào triển khai chậm, không đạt yêu cầu”. Nhiều giải pháp cấp bách đã được đặt ra, công tác giải toả hành lang, lòng lề đường, tháo dỡ mái che, biển quảng cáo các loại càng được chú ý.

Đặc biệt, các phường, xã còn tổ chức lực lượng phối hợp cùng Đội Trật tự đô thị kịp thời giải toả các khu chợ cóc vốn được coi là nguyên nhân của sự ùn tắc như ngã ba đường Yên Ninh - Quang Trung, cống Ngòi Yên, cửa chợ Yên Ninh, ngã tư Nam Cường, ngã ba Km6...

Trong Tháng “Văn hoá giao thông” thì lực lượng công an thành phố, đội trật tự đô thị, thanh niên xung kích, công an xã, phường lại đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động, cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Tất cả để thực hiện thật tốt Nghị quyết 32 của Chính phủ “về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông”, trả lại vẻ đẹp cho vỉa hè thành phố. Khởi sắc đấy, song để trở thành ý thức tự giác, thành nếp sống văn hoá trong nhân dân thì công tác quản lý đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị vẫn phải là việc làm thường xuyên và luôn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền thành phố Yên Bái.

Thế Quynh

Các tin khác

YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh Khu ủy Tây Bắc.

Đường đi của đợt áp thấp nhiệt đới hiện nay.

Đợt áp thấp kéo dài kỷ lục trên biển Đông gây mưa lớn tại miền Trung chưa tan, thì một đợt áp thấp mới với cường độ mạnh hơn đã xuất hiện. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đây là hiện tượng bất thường liên quan đến các đợt áp thấp, chưa từng xảy ra trên biển Đông.

Tính đến 17 giờ ngày 8/9, cả nước đã ghi nhận 3.950 người nhiễm cúm A (H1N1) ở hơn 50 tỉnh, thành phố

Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế cho biết: Ngày 8/9, Việt Nam đã ghi nhận thêm 173 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1). Trong đó, khu vực phía Nam có 144 ca, miền Bắc 18 ca, miền Trung 11 ca. Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 8/9, cả nước đã ghi nhận 3.950 người nhiễm cúm A (H1N1) ở hơn 50 tỉnh, thành phố; có 3 ca tử vong.

Để bảo đảm quyền lợi không bị kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục không được kỳ thị với những trẻ em thuộc đối tượng này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục