Chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình
- Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong căn nhà trống tềnh trống toàng không một thứ gì đáng giá, chị Lê Thị L xã Tân Thịnh (TP Yên Bái) đang ngồi ru đứa con út ngủ. Mới ngoài 30 mà nom chị như đã “ngũ tuần”. Chị L tâm sự: “Tôi lấy chồng từ năm 21 tuổi. Hơn 11 năm chung sống nhưng có tới 10 năm tôi và các con bị chồng hành hạ, đánh đập.
Phụ nữ xã Yên Hưng (Văn Yên) trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc.
|
Có lần nửa đêm, giữa trời mưa to bị chồng đánh rồi đuổi khỏi nhà. Đến gần sáng, khi chồng vẫn còn say giấc sau trận “ma men” tôi mới dám về nhà để nấu cơm cho các con ăn đi học”. Không chịu nổi những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng, chị L đã làm đơn xin ly dị. Để có tiền nuôi hai con ăn học, hàng ngày chị phải đạp xe gần hai chục cây số để đến nơi làm thuê mong sao kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con. Cuộc sống mưu sinh tuy còn nhiều vất vả nhưng chị thấy tâm hồn được thanh thản và điều quan trọng hơn cả là các con chị được an toàn, không phải hàng ngày nơm nớp lo bị bố đánh.
Chị Lý thị L xã Đông An ( Văn Yên) lấy chồng đã 21 năm. Cuộc sống gia đình chẳng mấy khi đầm ấm vui vẻ vì chồng chị nghiện rượu, không chịu làm ăn. Để nuôi 3 đứa con ăn học, từ tờ mờ sáng đến tối mịt chị phải lao động vất vả. Tần tảo, chịu thương, chịu khó là vậy nhưng chồng chị lại không chia sẻ, thông cảm mà thường xuyên rượu chè rồi chửi bới, đánh đập vợ con. Mỗi lần chồng say rượu là cả 4 mẹ con chị không dám về nhà. Có lần chạy không kịp chị đã bị chồng đánh cho tím mặt...
Chị Đặng thị C xã Yên Thành (Yên Bình) bày tỏ tâm tư: “Tôi lấy chồng lúc 16 tuổi đã có với nhau 8 mặt con, hơn 30 năm chung sống đến giờ đã lên chức bà ngoại, bà nội nhưng đã nhiều lần ông ấy uống rượu say và tôi là nạn nhân của những trận đòn. Hàng xóm biết chuyện nhưng cho rằng đó là chuyện nội bộ của gia đình nên không ai can thiệp, chỉ khi ban hoà giải của xã vào cuộc đưa đi tập trung giáo dục tại xã thì tình trạng bạo lực về thể xác đối với tôi mới tạm thời chấm dứt, nhưng ông ta chuyển sang lăng mạ, chửi bới, hành hạ tôi về tinh thần...”.
Từ năm 2006 đến nay, Yên Bái đã được các tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Bánh mỳ cho Thế giới, Tổ chức Csaga... phối hợp với hội phụ nữ các cấp triển khai các dự án: xây dựng mô hình hợp tác toàn diện bảo vệ quyền phụ nữ cho nạn nhân bạo hành trong các gia đình tại 2 xã Phúc An, Yên Thành (Yên Bình); Dự án Nâng cao kiến thức năng lực phòng chống bạo lực gia đình HIV/ AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình thực hiện tại phường Yên Thịnh, xã Tân Thịnh (TP Yên Bái). Đây là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tập quán lạc hậu, nạn bạo lực gia đình còn xảy ra khá phổ biến nhưng người gây ra bạo hành và nạn nhân không hiểu đó là vi phạm đạo đức, pháp luật.
Sau hơn 2 năm triển thực hiện các dự án với nhiều hoạt động tuyên tuyền, tư vấn, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; thành lập các câu lạc bộ... đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân cùng vào cuộc bảo vệ các nạn nhân bị bạo hành.
Qua đó, chị em đã mạnh dạn hơn tìm đến cán bộ tư vấn để chia sẻ kinh nghiệm trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình khi vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Đã có hàng trăm nạn nhân tìm đến các nhóm tư vấn để được tư vấn được giúp đỡ về vật chất và tinh thần; được giới thiệu đến bệnh viện điều trị và công an để trợ giúp pháp lý.
Trên thực tế, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực thi hành từ tháng 7/ 2008 nhưng việc tuyên truyền và thực thi Luật còn nhiều hạn chế. Tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng không chỉ xảy ra ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình nghèo khó mà xảy ra cả ở khu vực thành thị, với những gia đình khá giả và có trình độ hiểu biết xã hội dưới rất nhiều hình thức.
Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra trên 1.200 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực về thể xác và tinh thần chiếm gần 90%; nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tình trạng bạo lực về thể xác và tinh thần đã khiến không ít gia đình sống trong bầu không khí căng thẳng, bất hạnh và kết cục là ly hôn.
Để hạn chế nạn bạo hành trong gia đình cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, vai trò của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể là rất quan trọng; cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân, đặc biệt là các kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính; tuyên truyền giáo dục về gia đình, tư vấn hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc.
Mặt khác, một nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, túng bấn dẫn đến cùng quẫn. Vì vậy, những trường hợp này cần được hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn phát triển kinh tế gia đình để cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xây dựng các trung tâm tư vấn và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ bị bạo hành để hỗ trợ các nạn nhân phục hồi sức khoẻ, tinh thần. Điều quan trọng là từng thành viên trong gia đình cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, để ngôi nhà thực sự là tổ ấm của mỗi người.
Kim Tiến
Các tin khác
YBĐT - Vào thời điểm này, Trường trung cấp Y tế Yên Bái đang thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là tham mưu, lập kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế có trình độ trung, sơ cấp; đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện để nâng cấp thành Trường cao đẳng Y tế.
YBĐT - Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được ông Phạm Đình Nhượng - Giám đốc Công ty TNHH Sơn dẻo nhiệt SYNTHETIC, hội viên Hội Người người cao tuổi phố Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học. Trong căn nhà khang trang, vừa là nơi ở vừa là trụ sở chính của Công ty, ông Nhượng vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và công việc làm ăn của mình.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), một hiệp ước toàn cầu chú trọng vào những vấn đề chống đánh bắt cá trái phép, lần đầu tiên sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Lương thực thế giới của tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) vào giữa tháng 11 tới.
Tối 23-9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức lễ trao giải thưởng cho 76 đề tài đoạt Giải cuộc thi Sáng tạo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ năm - năm 2009.