Mưa, lũ gây thiệt hại nặng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/9/2009 | 12:00:00 AM

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 25-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 126,3 độ kinh đông, cách bờ biển phía đông Phi-li-pin khoảng 200 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km avà có khả năng mạnh lên thành bão. Ðến 19 giờ ngày 26-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ vĩ bắc, 121,2 độ kinh đông, ngay trên khu vực phía nam đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 150 km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy khoảng đêm 26-9 bão sẽ đi vào khu vực phía đông Biển Ðông. Ðến 19 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ vĩ bắc, 117,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông Biển Ðông từ tối và đêm 26-9 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam Biển Ðông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận - Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Theo Trung tâm PCLB và TKCN khu vực miền trung - Tây Nguyên, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Trị đã có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa từ ngày 23 đến 24-9 phổ biến 120 - 170 mm, một số nơi mưa trên 180 mm. Những nơi có lượng mưa trên 180 mm như Tuyên Hóa 330 mm, Ba Ðồn (Quảng Bình) 296 mm, Gia Voong 187 mm, Hiền Lương 236 mm, Tân Lâm 194 mm, Cửa Việt (Quảng Trị) 233 mm.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên nhanh; các sông ở Quảng Bình đang xuống dần, nhưng còn ở mức cao. Mực nước chiều 25-9 trên một số sông như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 11,96 m (trên báo động 2 là 0,46 m); tại Hòa Duyệt 8,41 m (mức báo động 2); sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 10,78 m (trên báo động 1 là 0,78 m); sông Gianh tại Ðồng Tâm 12,72 m (trên báo động 2 là 0,72 m); sông Gianh tại Mai Hóa 6,93 m (trên báo động 3 là 0,93 m); sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 1,88 m (dưới báo động 2 là 0,32 m). Dự báo, lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên nhanh, các sông ở Quảng Bình xuống dần. Hôm nay (26-9), lũ trên Ngàn Sâu có khả năng lên gần báo động 3, sông La tại Linh Cảm lên trên báo động 1; sông Cả tại Nam Ðàn lên mức báo động 1. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở đồng bằng và vùng trũng ven sông.

Hiện nay, Ban chỉ huy PCLB các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế phối hợp lực lượng biên phòng liên lạc, thông báo thường xuyên cho chủ tàu, thuyền trên biển biết vị trí và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú ẩn. Các đơn vị chức năng tổ chức cảnh giới, không để người dân đi lại ở những vùng ngập sâu, nước chảy xiết; cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho người dân và tổ chức trực ban 24/24 giờ để có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra. Ðến nay, tỉnh Quảng Ngãi còn có 896 tàu (8.112 lao động); Quảng Nam còn 90 tàu (1.557 lao động) trên biển.

* Tối 24-9, một cơn dông bất ngờ ập đến đã nhấn chìm một tàu du lịch của Công ty Biển Mơ (Quảng Ninh) tại khu vực đảo Hoa Cương, làm bốn người mất tích, trong đó có hai người nước ngoài. Trên tàu chở 20 người, trong đó 16 người được lực lượng cứu hộ đưa vào bờ an toàn. Ðến 10 giờ 30 phút ngày 25-9, đã tìm thấy ba thi thể nạn nhân. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích, tiến hành trục vớt tàu để làm rõ nguyên nhân.

* Từ đêm 24-9 đến sáng 25-9, tại tỉnh Nghệ An, mưa to diễn ra trên diện rộng làm nhiều tuyến đường ở thành phố Vinh bị ngập nước 25 - 30 cm, gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 48, đoạn gần xã Ðông Hiếu ngập nước sâu 30 - 40 cm. Một số diện tích lúa chưa kịp thu hoạch bị ngập trong nước. Hiện nay chưa thống kê được cụ thể số thiệt hại do mưa gây ra.

UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, chiều 25-9, tàu cá QN-9092-TS của ông Hồ Thương, sinh năm 1974, trú thôn Ðại Tân, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có chín thuyền viên đang trên đường về nơi trú ẩn đã bị sóng lớn đánh chìm. Ba tàu đánh cá đi cùng đã kịp thời cứu được tám người, riêng anh Trần Cao Nguyên, 28 tuổi, trú tại thôn Ðại Tân, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu chết đuối. Hiện, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Nghệ An đã tìm được thi thể và đang trục vớt tàu bị chìm. Cũng trong sáng 25-9, tàu đánh cá của ông Hồ Thế Khanh, trú tại xóm Tân Lộc, xã Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò cùng 17 thuyền viên cũng bị sóng đánh gãy bánh lái, trôi dạt cách Cửa Hội 4 hải lý. Ðến 13 giờ cùng ngày, Hải đội 2 Biên phòng Nghệ An đã đưa tàu này vào Cửa Hội an toàn.

* Theo Ban chỉ huy PCLB Hà Tĩnh, từ ngày 23 đến sáng 25-9, tỉnh Hà Tĩnh có mưa to kéo dài. Lượng mưa nhiều điểm hơn 220 mm, riêng khu vực: Sông Rác, Kim Sơn... (Kỳ Anh) đạt 450 mm. Mưa lớn làm hàng nghìn ha rau màu, cây ăn quả của huyện Ðức Thọ, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên ngập úng và hư hại nặng. Một số xã như Kỳ Lạc, Kỳ Trung... (Kỳ Anh) bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Tại TP Hà Tĩnh, một số tuyến đường như Phan Ðình Giót, Nguyễn Huy Tự... ngập sâu. Mưa lũ đã cuốn trôi chị Nguyễn Thị Dung (SN 1985), trú tại thôn Bắc Sơn, xã Kỳ Trung (Kỳ Anh), đến chiều 25-9 vẫn chưa tìm được thi thể nạn nhân.

Trước đó, tại các xã Lộc Yên (Hương Khê), Ðức Lạng (Ðức Thọ) và Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cũng đã xảy ra các trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm khoảng 200 ngôi nhà bị đổ, tốc mái, hàng trăm trụ điện đổ gãy, mạng lưới điện bị tê liệt... Ngay sau khi xảy ra những trận thiên tai, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên và huy động lực lượng tại chỗ khắc phục nhanh hậu quả nhà cửa bị đổ, tốc mái và ổn định đời sống nhân dân... UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cử các đoàn công tác đến các điểm bị thiệt hại thăm hỏi, khắc phục hậu quả lốc, lũ, đồng thời chỉ đạo các huyện miền núi, như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và Kỳ Anh triển khai kế hoạch phòng, chống lũ quét.

UBND huyện Hương Khê đã huy động lực lượng đến lợp mái cho 39 ngôi nhà bị tốc mái ở các thôn Trường Sơn, Yên Sơn, Trung Sơn và Bình Sơn (Lộc Yên). Xã Lộc Yên huy động người dựng và nối lại hàng chục cột điện và hàng trăm mét dây điện cao thế bị đổ, gãy, đứt. Nhân dân các xã Kỳ Thượng, Kỳ Trung, Kỳ Tây (Kỳ Anh) nhanh chóng ra đồng khai thông nước vùng trũng, tránh bị ngập lụt cục bộ và sửa chữa hàng trăm mét đường bị sạt lở do mưa gây ra.

* Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong các ngày 23 đến 25-9 đã có mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng, lượng mưa trung bình từ 150 đến 320 mm. Mưa lớn đã gây ngập lũ tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa; trong đó có 4 xã rẻo cao gồm: Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy), Tân Hóa (Minh Hóa) bị lũ cô lập hoàn toàn. Do mưa lớn nên nhiều tuyến giao thông trong tỉnh bị chìm sâu trong nước lũ. Tuyến quốc lộ 1A đi qua địa phận huyện Bố Trạch từ 22 giờ đêm 24-9 có ba đoạn bị ngập gần 1 m, khiến hàng nghìn xe lưu thông bị kẹt. Quốc lộ 12A, tuyến đường nối với nước bạn Lào, đoạn qua xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) bị chia cắt mạnh bởi nước lũ dâng cao 1m, nước chảy xiết... Ðoạn đường sắt vượt đèo Khe Nét (Tuyên Hóa) bị sạt lở nặng dẫn đến tắc đường sắt bắc - nam từ 23 giờ đêm 24-9...

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, hiện có hơn 5.000 nhà dân sống dọc các sông Kiến Giang, Nhật Lệ, sông Gianh bị lũ cô lập, nước ngập từ hơn 1 m, hàng nghìn hộ dân khác nước vào nhà 0,5 m. Toàn tỉnh có hơn 20 trường học các cấp tại các huyện: Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy bị ngập sâu trong nước, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học. Tại huyện Tuyên Hóa, mưa lũ đã cuốn trôi ông Trần Ngọc Hiền (SN 1957) ở Bản Trầm (xã Ðức Hóa). Xã đã tổ chức hàng trăm người dân tìm kiếm và đã phát hiện thi thể cách nhà gần 10 cây số. Ba người khác cũng tại xã Ðức Hóa trong lúc đi vớt củi dọc sông Gianh đã bị thương nặng. Thiệt hại thủy sản lên đến hơn 50 ha hồ nuôi tôm nước lợ bị ngọt xâm nhập dẫn đến mất trắng, 150 ha lúa hè thu chưa thu hoạch kịp bị lũ nhấn chìm, hơn 1.100 ha hoa màu các loại bị úng thối, mất trắng...

Hiện mực nước sông Gianh đã đạt mức báo động 3, chính quyền các địa phương dọc sông Gianh đang gấp rút di dời dân khỏi các ốc đảo giữa sông nhằm tránh nguy cơ lũ ống, lũ quét từ trên nguồn đổ về.

Trước tình hình thiên tai trên, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống các địa phương bị thiệt hại nặng để chỉ đạo việc khắc phục. Gia đình nạn nhân xấu số đã được trợ cấp ba triệu đồng để lo việc mai táng. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang trong tỉnh cùng phương tiện cứu hộ đã có mặt tại các điểm ngập lụt nặng để cùng chính quyền và các lực lượng khác tổ chức cứu, sơ tán người, tài sản lên vùng cao. Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh đã có mặt kịp thời tại các điểm tắc trên quốc lộ để duy trì an ninh trật tự do hàng nghìn xe ô-tô bị tắc và đến 10 giờ sáng 25-9, mưa ngớt, nước rút mới giải phóng được đường cho hàng nghìn xe lưu thông. Ngành đường sắt đã huy động hơn 100 công nhân giải phóng hàng trăm m3 khối đất đá ngay trong đêm, đến 7 giờ sáng 25-9 đã cơ bản thông tuyến đường sắt bắc - nam. Tại huyện Quảng Trạch, Chủ tịch UBND huyện Ðậu Minh Ngọc cho biết, sáng 25-9, một tàu đánh cá của huyện Quảng Trạch trên đường vào cảng Gianh trú mưa đã bị chìm tại cửa sông Gianh, trên thuyền có 20 thuyền viên. Khi tàu bị chìm đã kịp thời phát tín hiệu cấp cứu, ngư dân trong vùng, cùng Bộ đội Biên phòng cảng Gianh kịp thời cứu hộ đưa 20 thuyền viên vào bờ an toàn.

 Trong những ngày tới, cùng với phương án bốn tại chỗ, tỉnh Quảng Bình còn tiếp tục tổ chức các đoàn công tác mang thuốc men, lương thực, mì tôm đến các vùng bị ngập sâu để hỗ trợ cho người dân bị nạn, kiên quyết không để dân đói, bệnh tật...

* Theo UBND huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), tàu SG1355H trên đường từ Phú Quốc về TP Hồ Chí Minh đã bị sóng to đánh chìm tại Bãi Dương, xã Dương Tơ. Rất may, ba thuyền viên đã được một tàu đánh cá cứu vớt kịp thời, còn một người bơi được vào bờ. Tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa trên tàu đã bị chìm, thiệt hại khoảng hai tỷ đồng.
 
(Theo NDĐT)

Các tin khác
Đồng chí Lương Thị Tiến - Chủ tịch hội phụ nữ Yên Bái, Trưởng Ban tổ chức Hội thi trao giải nhất cho thí sinh Phùng  Thị Loan, xã Phúc Lợi, Lục Yên.

YBĐT - Ngày 25/9, Tỉnh hội phụ nữ đã tổ chức hội thi Chủ tịch hội phụ nữ cấp cơ sở giỏi lần thứ nhất.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Yên Thành vận động hội viên phấn đấu “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

YBĐT - Hội Phụ nữ xã Yên Thành, huyện Yên Bình có 751 hội viên, sinh hoạt tại 12 chi hội. Những năm qua, đời sống của hội viên đã được cải thiện nhưng cũng không ít hội viên còn khó khăn. Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã tập trung chỉ đạo các chi hội phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thông qua phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", đặc biệt là phong trào "Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu".

Theo Bộ Y tế, tính đến trung tuần tháng 9, có gần 58.000 bệnh nhân sốt xuất huyết. Tại miền Bắc, bệnh nhân tăng hơn tám lần, miền Trung và Tây Nguyên tăng gần hai lần. Cả nước có 44 trường hợp đã tử vong.

Hiện ở phía Đông đảo Luzon (Philippines) có một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động với sức gió mạnh cấp 6, cấp 7; giật cấp 8, cấp 9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục