Miền Trung oằn mình trong bão nguy hiểm
- Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2009 | 12:00:00 AM
Đến đêm qua 28-9, khi bão số 9 (tên quốc tế là Ketsana do Lào đăng ký, tên một loại cây tỏa hương) còn cách bờ khoảng 250km, nhưng tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió đã lên đến cấp 12, giật cấp 13, sóng đánh dữ dội. Dự báo chiều nay bão số 9 sẽ vào đến đất liền.
Bão số 9 có thể tàn phá hơn bão Xangsane Đêm 28-9, bão số 9 cách bờ biển Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam khoảng 250km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 14-15 và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực nam vịnh Bắc bộ. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 9 có hướng đi giữa tây và tây tây bắc rất ổn định, mỗi giờ đi được 10-15km. Như vậy, chiều nay (29-9), bão sẽ đổ bộ vào các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực trọng tâm bị ảnh hưởng là Quảng Trị đến Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 13-14. Trong khi đó, ngoài khơi Philippines lại xuất hiện hai cơn bão mới.
Theo ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, so về cường độ bão số 9 tương đương với bão Xangsane (năm 2006) nhưng phạm vi ảnh hưởng của bão số 9 rộng hơn và gây mưa nhiều hơn. Cụ thể vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350km (tính từ tâm bão). Bão số 9 sẽ gây mưa vừa, mưa to đến rất to kèm theo dông, gió giật cấp 8-10 tại các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Định và các tỉnh Tây nguyên. Trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kontum, Gia Lai sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. * Bão số 9 không chỉ gây mưa dông ở miền Trung mà còn ảnh hưởng tới các tỉnh Nam bộ. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết rìa tây nam của hoàn lưu bão số 9 đã quét qua khu vực Nam bộ làm mưa xuất hiện tại nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... với lượng mưa 30-60mm. Trên đất liền các tỉnh ven biển đã có gió giật cấp 6, tại các đảo như Phú Quý, Phú Quốc gió giật cấp 8. Khi bão càng gần đất liền thời tiết Nam bộ sẽ càng xấu. Trong những ngày tới mưa sẽ tăng về lượng và mở rộng tại các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ. Mưa có thể xuất hiện cả ngày lẫn đêm nhưng thường rơi vào buổi trưa, chiều trong ngày. |
17g ngày 28-9, tâm bão số 9 còn cách đất liền khoảng 300km, nhưng gió cấp 7 đã thổi rạp cây cối ở Đà Nẵng. Trên đường Nguyễn Tất Thành ven vịnh Đà Nẵng, một người dân không thể chạy xe máy, phải xuống dắt bộ. |
Ngay từ trưa, gió ở Lý Sơn đã mạnh đến cấp 10. Lượng mưa đến đêm qua đo được 150mm, gây thiệt hại cho hơn 150ha hành. Gió làm hơn mười nhà dân tốc mái, nhà lồng chợ huyện và một phòng làm việc của UBND huyện cũng đã tốc mái. Ngay từ chiều thông tin liên lạc cố định đã bị đứt. Trước đó, sóng lớn đã đánh chìm một chiếc canô ở huyện này.
Sơ tán hàng trăm ngàn dân
Quảng Trị, một điểm dự báo bão đổ bộ, đến 18g đã sơ tán 3.298 hộ với 11.000 người ở các vùng ven biển, vùng ngập sâu ở khắp địa bàn chín huyện thị trong toàn tỉnh. Dù chưa đổ bộ vào đất liền nhưng bão số 9 đã gây nhiều thiệt hại cho Quảng Trị. Lượng mưa đo được trên toàn tỉnh phổ biến từ 50-120mm, khu vực nam huyện Hải Lăng có nơi mưa lên 140-150mm. Đặc biệt trận lốc xoáy tại các xã Hải An, Hải Quế, Hải Xuân vào lúc 3g30 sáng 28-9 đã làm sập đổ, tốc mái 65 ngôi nhà, làm một người dân bị thương. Tại huyện Gio Linh cũng có 22 nhà dân bị lốc làm hư hại.
Tại Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã khẩn trương di dời dân từ sớm. Tại xã Vinh Hiền - xã nằm cửa biển được xem là “đầu sóng ngọn gió” ở huyện Phú Lộc và cũng là một trong các vùng trọng yếu nhất tỉnh - công việc sơ tán dân được triển khai khá sớm.
Tính đến 20g tối 28-9, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết toàn tỉnh đã sơ tán được 12.531 hộ dân với 50.506 người đến nơi an toàn. Tuy nhiên, tỉnh dự kiến buộc phải di dời, sơ tán 21.320 hộ dân với gần 90.000 người. Tuy bão chưa đổ bộ, nhưng rạng sáng 28-9, một cơn lốc đã tràn qua xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) khiến 15 nhà dân và một số cơ quan, công sở bị tốc mái nặng.
Tại TP Đà Nẵng, gần 3.000 hộ dân sống dọc ven biển của các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và Thanh Khê đã phải di dời ngay trong thời điểm gió bão giật mạnh. Tại quận Sơn Trà, hơn 1.000 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu cũng đã kịp chuyển đến các trường học trước khi bão đổ bộ. Chiều tối 28-9, nạn nhân đầu tiên của bão số 9 tại Đà Nẵng được xác định. Đó là ông Nguyễn Đăng Sâm Bê (tổ 16, phường Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ), chết do điện giật khi trèo lên nóc nhà để chèn chống mái tôn.
Ở Quảng Nam, ngay trong buổi sáng, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đóng cửa từ ngày 29-9. Trên 15.000 dân các xã Cẩm Kim, Cẩm An, Cửa Đại (Hội An) đã di dời đến nơi an toàn. Còn ở Quảng Bình, tỉnh cũng cơ bản hoàn tất di dời hơn 5.000 hộ với 17.000 người trong đêm qua.
Trong khi đó ở Thanh Hóa, ngày 27-9, em Lê Huy Sang (trú tại thôn 1, xã Trung Thành, Nông Cống), hiện là học sinh lớp 10A7 Trường THPT Nông Cống II, trong khi lội qua đập tràn cầu Huyện (ở địa bàn thôn 3, xã Trung Thành) thì thụt xuống hố sâu rồi bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. Đến gần 8g sáng 28-9, chính quyền địa phương và gia đình mới tìm thấy thi thể em Sang. Như vậy đến ngày 28-9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có ba học sinh tử vong do mưa lũ những ngày qua.
Người dân nỗ lực đưa đò từ đầm phá vào đồng ruộng để tránh bão ở xã Điền Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế trong chiều qua. |
Đã có nhiều tàu thuyền bị nạn
Thông tin từ văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến tối qua đã có ít nhất năm tàu thuyền bị nạn do bão số 9. Cụ thể từ sáng đến đầu giờ chiều 28-9, tàu HQ 952 đã ra cứu hộ tàu Thành Minh 27 tại khu vực cửa biển Đà Nẵng nhưng không thành. Do sóng to gió lớn, tàu HQ 952 đã bảy lần tiếp cận làm dây cứu kéo nhưng không thành công. Sau đó tàu này cũng bị hỏng máy chính và phải quay vào bờ. Do các tàu cứu hộ từ Đà Nẵng không thể ra khỏi cửa biển nên đến 18g chiều qua, tàu Thành Minh 27 đã trôi đến cù lao Chàm và thả hai neo để chống trôi dạt. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu các lực lượng cứu hộ tìm cách ưu tiên cứu thuyền viên trên tàu đưa vào đảo trong thời gian sớm nhất.
Chính phủ yêu cầu cho học sinh nghỉ học Hôm qua, Thủ tướng tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống bão. Trong đó, công điện yêu cầu các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 29 và 30-9. Theo công điện, ban chỉ đạo tiền phương cũng được thành lập, đặt tại TP Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo các địa phương triển khai những biện pháp cấp bách đối phó với bão số 9. |
Còn tại bến cá P.6, TP Tuy Hòa (Phú Yên), trong đêm 27-9 sóng lớn kết hợp với triều cường làm ba tàu bị thủng.
Ở TP Đà Nẵng, trong khi neo đậu dọc bờ đông sông Hàn, hai tàu cá của ngư dân phường An Hải Tây, quận Sơn Trà đã bị sóng lớn đánh chìm trước sự cứu kéo bất lực của chính quyền và người dân. Ngay sau đó chính quyền đã ra lệnh yêu cầu toàn bộ tàu thuyền còn neo đậu dọc trên sông Hàn rời khỏi sông về neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang và quân cảng Đà Nẵng. Chiều cùng ngày, tàu vận tải 1.000 tấn mang tên Thành An 27 (Thái Thụy, Thái Bình) cũng đã bị sóng đánh đứt neo trôi dạt vào bãi biển Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Ngay sau đó các thủy thủ đành phải bỏ tàu thoát lên bờ.
Tại Bình Định, tàu do một mình ông Đặng Lên ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ chạy vào cửa biển Đề Gi để tránh bão nhưng khi cách bờ khoảng 100m thì bị sóng đánh chìm. Ông Lên bơi được vào bờ an toàn. Tàu cá của ông Nguyễn Đăng Khoa ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ neo sát bờ tránh bão cũng bị sóng đánh chìm nhưng không có thiệt hại về người. Chiều tối qua, tại vùng biển xã Mỹ Thọ có 16 tàu thuyền của ngư dân địa phương đánh bắt gần bờ chạy vào tránh bão nhưng khi cách bờ 200m thì gặp sóng lớn không thể vào được.
Các hãng hàng không hủy chuyến ở miền Trung
Chiều 28-9, sân bay Đà Nẵng không một bóng người. Ngay cả hành khách bay những chuyến bay buổi trưa từ Đà Nẵng đi TP.HCM, Hà Nội cũng không vào sân bay làm thủ tục. Ông Hồ Quang Tuấn - trưởng phòng thương mại Vietnam Airlines (VNA) khu vực miền Trung - cho biết từ 12g trưa, trước sức gió mạnh lên từng giờ, tổng công ty đã ra lệnh đóng cửa các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Pleiku đến hết ngày 29-9. Đồng thời hàng nghìn hành khách đã mua vé trên 20 chuyến bay/ngày từ các sân bay trên đi các nơi khác cũng được thông báo bằng điện thoại, tin nhắn để chờ lịch trình các chuyến bay mới.
Các chuyến bay trên đường trục giữa Hà Nội - TP. HCM và các chuyến bay quốc tế của VNA vẫn được khai thác như thường lệ. Dự kiến VNA sẽ bố trí lịch bay tăng chuyến giữa các điểm trên từ ngày 30-9 để hỗ trợ hành khách sau khi cơn bão đi qua. Hành khách có thể liên hệ với các phòng vé và đại lý của VNA để đặt chỗ trên các chuyến bay thích hợp.
Trong khi đó Hãng Jetstar Pacific cho biết chiều qua một chuyến bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng khi đến gần sân bay đã không thể đáp được vì gió lớn nên quay ngược lại điểm xuất phát. Một chuyến bay khác từ Đà Nẵng đi TP.HCM cũng bị hủy.
(Theo TTO)
Các tin khác
YBĐT – Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết trung thu, trên thị trường Yên Bái đã xuất hiện đa dạng các cửa hàng bánh trung thu cùng đồ chơi phục vụ cho ngày tết thiếu nhi. Tuy nhiên, chọn mua những sản phẩm trung thu như thế nào để trẻ em được đón một cái Tết Trung thu thực sự an toàn, vui vẻ và đủ đầy hương vị thì vẫn đang là băn khoăn của nhiều khách hàng.
YBĐT - Ngày 28/9, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và Chi nhánh Prudential tại Yên Bái đã tới thăm và tặng quà cho học sinh khuyết tật tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giao dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Từ nhiều năm nay, công tác bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh sinh viên (HSSV), công tác y tế học đường (YTHĐ) luôn được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Do vậy, số lượng HSSV tham gia bảo hiểm năm sau đều cao hơn năm trước.
Bộ GD-ĐT vừa khảo sát kết quả học tập các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đối với học sinh lớp 10, 11, 12 của 5 tỉnh, thành phố. Theo đó, kết quả môn Toán, Văn của học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cao hơn học sinh thành thị.