Yên Bái: Mắt đã được chăm sóc tốt hơn!

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mắt đã được chăm sóc tốt hơn! - đó là nhận định của ông Trần Văn Thu – Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Yên Bái sau hơn hai năm được Viện Mắt Trung ương và Tổ chức Mắt quốc tế phi chính phủ ORBIS giúp đỡ thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng, dịch vụ chăm sóc mắt cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu tỉnh Yên Bái.”

Lãnh đạo Sở y tế và giám đốc Bệnh viện đa khoa các huyện, thị tham quan hệ thống trang thiết bị mới được Tổ chức phi chính phủ ORBIS đầu tư.
Lãnh đạo Sở y tế và giám đốc Bệnh viện đa khoa các huyện, thị tham quan hệ thống trang thiết bị mới được Tổ chức phi chính phủ ORBIS đầu tư.

Từ mục tiêu dự án

Nhớ những ngày gian khó cách đây 10 năm, khi Trạm Mắt trực thuộc Sở Y tế sát nhập vào Trung tâm trở thành Chuyên khoa Mắt, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, đội ngũ cán bộ đủ về số lượng nhưng chuyên môn nghiệp vụ thiếu. Trước năm 2007, trong tổng số 8 cán bộ của Khoa có 4 bác sĩ thì chỉ có một người làm được phẫu thuật, còn lại đều mới đang tập sự. Thời gian này, mỗi năm Trung tâm chỉ mổ được từ 100 đến 200 ca, chủ yếu mổ ngoài bao (tức là còn phải khâu tay). Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ mới, trang thiết bị thiếu thốn (cả tỉnh chỉ có một máy sinh hiển vi phẫu thuật xách tay được đầu tư từ năm 1997 và một máy sinh hiển vi khám bệnh).

Như “nắng hạn gặp mưa rào”, được sự quan tâm của Viện Mắt Trung ương và Tổ chức Mắt quốc tế phi chính phủ ORBIS, sau khi khảo sát đã quyết định đầu tư  Dự án “Nâng cao chất lượng, dịch vụ chăm sóc mắt cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu tỉnh Yên Bái”, với thời hạn, từ 1/7/2007 đến 31/12/2010. Mục tiêu của Dự án góp phần làm giảm tình trạng mù loà và tổn hại đến chức năng thị giác của trẻ em và người lớn thuộc khu vực miền núi và vùng sâu. Thông qua dịch vụ chăm sóc mắt bền vững, người dân dễ dàng có điều kiện tiếp cận và có khả năng chi trả. Người nghèo được khám chữa miễn phí và những người có điều kiện kinh tế khá giả hơn có khả năng chi trả giúp người nghèo.

Mục tiêu của Dự án là giúp Khoa Mắt của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội và Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao như: mổ Pha co, các bệnh dịch kính võng mạc, phẫu thuật tạo hình mi, khe mi… Dự án cung cấp thiết bị và hỗ trợ đào tạo cán bộ Chuyên khoa Mắt cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ mổ đục thuỷ tinh thể ngoài bao bì và một số bệnh khác như mổ mộng Glocom (thiên đầu thống). Dự án còn cung cấp trang thiết bị nhãn khoa cho toàn ngành mắt Yên Bái; đào tạo cán bộ chuyên sâu ngành mắt cho tuyến tỉnh và tuyến huyện, đồng thời đào tạo chăm sóc mắt ban đầu cho tuyến cơ sở xã, thôn, bản.

Đến niềm vui người bệnh

Đáng mừng là Dự án đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ chuyên sâu cho ngành mắt toàn tỉnh. Hiện đã có 3 bác sĩ phẫu thuật thành thạo theo pha co; 3 bác sĩ mổ đục thuỷ tinh thể ngoài bao và 2 bác sĩ làm được phẫu thuật tạo hình, mổ khe mi, tạo hình mi. Dự án cũng đã đào tạo một đội ngũ y, bác sĩ và kỹ thuật viên làm công tác điều trị tật khúc xạ (cận, viễn, loạn) chuyên sâu ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và Bệnh viện Đa khoa Lục Yên. Cán bộ chăm sóc mắt ban đầu ở tuyến xã, nơi gần dân nhất cũng được Dự án đào tạo mỗi trạm y tế một người làm thành thạo chăm sóc mắt như: chẩn đoán, xử lý một số cấp cứu sơ bộ ở cơ sở; chẩn đoán xử lý được mắt hột và chẩn đoán sơ bộ đục thuỷ tinh thể; tuyên truyền phòng chống một số bệnh về mắt. Ngoài ra, Dự án còn đào tạo cho Yên Bái 2 cán bộ bảo quản trang thiết bị nhãn khoa.

Có thể nói, hiện nay trang thiết bị về nhãn khoa ở Yên Bái rất đầy đủ với máy mổ Pha co, máy sinh hiển vi phẫu thuật ngoài bao, máy sinh hiển vi khám bệnh, máy siêu âm A, siêu âm AB và bộ mài lắp kính tự động. Các trang thiết bị này hiện đã được Dự án cung cấp cho 4 đơn vị, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bệnh viện Đa khoa Lục Yên và Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội. Trang thiết bị được lắp đặt tại điểm Lục Yên sẽ giúp nhân dân một số xã ở phía Đông huyện Yên Bình (Yên Bái) và các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang được tiếp cận; còn ở Nghĩa Lộ, sẽ giúp nhân dân 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh có cơ hội được tiếp cận với kỹ thuật hiện đại trong khám và phẫu thuật mắt.  

Hiệu quả của Dự án thể hiện rõ nét ở chỗ trình độ cán bộ được nâng lên trong khám, điều trị chuyên ngành mắt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Bệnh viện Đa khoa Lục Yên và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Các bác sĩ đã mổ được Pha co. Nếu như năm 2007, toàn tỉnh chỉ mổ ngoài bao được trên 500 ca; năm 2008 mổ được 696 ca, trong đó có 165 ca mổ bằng Pha co do Trung ương giúp thì hết tháng 11/2009, toàn tỉnh đã mổ được 750 ca, trong đó có gần 500 ca mổ Pha co do địa phương tự đảm nhận.

Niềm vui lớn là ngành y tế đã đưa được kỹ thuật phẫu thuật Pha co về mổ tại tuyến huyện như: Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, người dân đã được hưởng lợi không phải bỏ ra chi phí quá lớn để về Hà Nội điều trị. Cán bộ còn thực hiện được các kỹ thuật khác như: tạo hình khe mi, mổ lác… Các bệnh mắt của người cao tuổi đã được điều trị dễ dàng; tật khúc xạ học đường trong học sinh được điều trị tốt hơn khi Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội có phòng mài lắp kính chuẩn do Dự án giúp đỡ.

Bác sĩ Vũ Thị Thuý Ngân làm việc tại Chuyên khoa Mắt Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tâm sự: “Trước đây, các bệnh nội khoa về đáy mắt tôi chỉ làm được những bệnh thông thường. Kể từ khi có Dự án, được tập huấn nghiệp vụ nay tôi đã điều trị được các bệnh chuyên sâu phức tạp hơn về đáy mắt.” Cũng theo bác sĩ Ngân, người được chứng kiến niềm vui của nhiều bệnh nhân nghèo, nhờ có trang thiết bị hiện đại nên đã được điều trị khỏi bệnh ngay tại Trung tâm như bệnh nhân Hoàng Văn Viết ở xã Minh Xuân (Lục Yên) hay Sùng Thị Lỳ xã Púng Luông (Mù Cang Chải). Nhiều bệnh nhân khác sau phẫu thuật, mắt đã trở lại 10/10 như chị Nguyễn Thị Nga ở thôn 7, Hán Đà (Yên Bình), chị Đặng Thị Hiền ở xã Âu Lâu (TP. Yên Bái) hay anh Lê Đăng Trình ở thị trấn Yên Bình (Yên Bình).

Dự án đã góp phần đưa dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng cao về gần dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Với việc đào tạo cán bộ, cung cấp các trang thiết bị nhãn khoa tương đối hoàn chỉnh, Dự án đã giúp chuyên ngành mắt ở Yên Bái dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc cả về chuyên môn cũng như trang thiết bị.

Minh Đức

Các tin khác

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, phải đến cuối tuần mới có khả năng có không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc nên trong tuần ở hầu hết các khu vực ít đến không mưa, trời nắng ấm.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ thành phố trao “nhà chữ thập đỏ” cho hộ ông Vũ Viết Lương hộ nghèo đặc biệt khó khăn, thôn Đồng Phú, xã Nam Cường, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Tự hào với truyền thống 63 năm đồng hành cùng đất nước của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, những năm qua, tổ chức các cấp Hội CTĐ thành phố Yên Bái không ngừng được củng cố và xây dựng ngày càng vững mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Vũ Thị Dinh - xã Việt Hồng (Trấn Yên).

YBĐT - Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện có 22 tổ chức hội ở các xã, thị trấn với 15.367 hội viên. Tuy nhiên là huyện vùng thấp song kinh tế chậm phát triển, cách thức làm ăn còn nhỏ lẻ, manh mún, chậm đổi mới; trình độ nhận thức của phụ nữ không đồng đều, nguồn cán bộ nữ và cán bộ hội còn thiếu... Đó là những nguyên nhân khiến phong trào phụ nữ ở Trấn Yên phát triển chưa sâu, chưa bền vững.

YBĐT - Chương trình hành động số 47 ngày 23/5/2008 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tạo luồng gió mới định hướng cho phương thức hoạt động công đoàn trước sự gia tăng về số lượng và cơ cấu đội ngũ công nhân viên chức – lao động (CNVC-LĐ). Hơn một năm triển khai thực hiện, Công đoàn huyện Văn Yên đã đạt được kết quả đáng mừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục