Trường THPT bán công Nguyễn Trãi - thị xã Nghĩa Lộ: Chuyển đổi theo mô hình nào?
- Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trường THPT bán công Nguyễn Trãi được thành lập theo Quyết định số 161/1999/QĐ-UBND ngày 2/7/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Từ tháng 7/1999 đến tháng 8/2001 sử dụng chung đội ngũ, cơ sở vật chất của Trường Bồi dưỡng giáo dục thuộc ngành giáo dục và đào tạo thị xã Nghĩa Lộ. Tháng 9/2001, Trường tách riêng hoạt động độc lập. Nhưng qua gần 10 năm hoạt động, Trường THPT bán công Nguyễn Trãi đã và đang bị lãng quên.
Xuất phát từ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một loạt trường THPT bán công ở tỉnh Yên Bái được thành lập. Theo cách lý giải của Sở Giáo dục khi đó là, hệ thống các trường THPT công lập chưa được đầu tư phát triển thêm, nếu không mở các trường bán công thì sẽ không có chỗ cho học sinh học tập, áp lực về “bến đỗ” cho học sinh tốt nghiệp THCS đối với các tỉnh miền núi là rất lớn. Điều đó cho thấy, chủ trương thành lập thêm các trường THPT bán công chỉ trong thời gian ngắn là một quyết định đúng đắn của tỉnh và ngành giáo dục, vừa huy động được sự đóng góp của nhân dân, vừa tạo điều kiện cho tất cả con em được đến trường.
Trước thực tế này, Trường THPT bán công Nguyễn Trãi được thành lập theo Quyết định số 161/1999/QĐ-UBND ngày 2/7/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Từ tháng 7/1999 đến tháng 8/2001 sử dụng chung đội ngũ, cơ sở vật chất của Trường Bồi dưỡng giáo dục thuộc ngành giáo dục và đào tạo thị xã Nghĩa Lộ. Tháng 9/2001, Trường tách riêng hoạt động độc lập. Nhưng qua gần 10 năm hoạt động, Trường THPT bán công Nguyễn Trãi đã và đang bị lãng quên.
“Phận” thầy và trò trường bán công
Nói chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi mới thấu hiểu hết được cái “phận” của thầy và trò của một trường bán công. Qua thực tế, không như sự mong chờ, tâm lý của xã hội, của các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh còn nặng về bao cấp luôn có nguyện vọng học hệ THPT và những học sinh đạt học lực khá trở lên đều mong muốn học ở các trường THPT dân lập cho nên đầu vào của trường bán công là những học sinh thi trượt các trường công lập, kiến thức của các em rất kém, nhiều em nhận thức chậm, kiến thức cũ gần như không nhớ gì. Số học sinh là con em dân tộc thiểu số (nếu như ở địa bàn Nghĩa Lộ) chiếm trên 50%.
Thống kê của Trường bán công Nguyễn Trãi cho thấy, năm học 2005-2006: 508/790 em, chiếm 64,3%; năm học 2006-2007: 403/755 em (62,65%); năm học 2007-2008: 226/437 em (51,72%). Một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 cho biết: Hơn 70% học sinh ở nông thôn là con em của các xã lân cận thuộc huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, tiếp xúc xã hội của các em còn nhiều hạn chế, nhiều em chưa thật sự thông thạo tiếng phổ thông, thiếu hiểu biết trong giao tiếp và ứng xử xã hội. Nhiều khi dạy, các thầy cô phải nói lại kiến thức cũ trước khi vào bài mới.
Cùng với cô giáo hiệu trưởng đi thăm quan cơ sở hạ tầng của nhà trường càng thấu hiểu sự khó khăn này. Cơ sở vật chất tối thiểu để phục vụ dạy và học của nhà trường gần như không có. Đơn cử, phòng làm việc, phòng chức năng, sân tập thể dục của học sinh, không nhà vệ sinh, thiếu phòng học để tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém.
Cũng theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung, việc kết hợp giữa học và hành trong nhà trường cũng gặp khó khăn. Mặc dù từ năm 2006-2007, đã được cung ứng thiết bị dạy học nhưng vì thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng nên việc sử dụng thiết bị dạy học mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Chính vì vậy qua 10 năm hoạt động, số học sinh đỗ đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mục tiêu chính của nhà trường, nhất là cha mẹ học sinh và cả học sinh đều chỉ hy vọng là tốt nghiệp, tỷ lệ này cũng chưa năm nào đạt cao hơn so với các trường công lập!
Kể từ năm 1999 sau khi có chủ trương xây dựng các trường THPT bán công, tỉnh Yên Bái đã có 6 trường THPT bán công được thành lập. Một số trường bán công bằng nhiều hình thức đã chuyển đổi theo các mô hình học tập được Nhà nước công nhận như trường dân lập, trường công lập, trường tư thục. Hiện nay, cái khó của nhà trường cũng như tất cả các trường bán công còn lại trong cả nước là nhà trường không có một thông tư, hướng dẫn tài chính nào để áp dụng cho phù hợp nên rất khó khăn trong hoạt động.
Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung, hướng dẫn tài chính thì Nghị định 43 áp dụng cho các trường dân lập, còn Thông tư 44 thì dành cho các đơn vị tự hạch toán thu chi. Trong Luật Giáo dục năm 2005 cũng chỉ qui định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình công lập, dân lập và tư thục chứ không có loại hình bán công. Chính vì vậy, trường bán công với qui định của tỉnh chỉ được cấp một nguồn ngân sách theo đúng tên gọi và chức năng của nhà trường là “một nửa” của các trường công lập. Nửa còn lại được tính vào thu học phí. Với cách suy nghĩ của một trường không nằm trong hệ thống giáo dục của Nhà nước, Trường THPT bán công Nguyễn Trãi ít được sự quan tâm, đầu tư.
Để tồn tại, nhà trường đã thực hiện phương châm “năng động trong quản lý, sáng tạo trong giảng dạy” trong đó hạ học phí xuống mức thu thấp: 28.000 đồng/tháng/học sinh tạo điều kiện cho mọi học sinh có điều kiện được đến trường. Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa, ngân sách của nhà trường bị bó hẹp. Ngân sách được cấp hàng năm chỉ đủ chi trả lương cho giáo viên trong biên chế, trong khi số giáo viên này chỉ chiếm trên 57%, còn lại là giáo viên thỉnh giảng với số tiền chi trả là rất lớn. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên nhà trường được phân công kiêm nhiệm thêm một số công việc khác như văn thư kiêm thư viện, kế toán kiêm phục vụ, bảo vệ ngày và đêm, quản sinh - y tế.
Như để chứng minh, cô giáo hiệu trưởng đã đưa ra cuốn sổ theo dõi tài chính. Điển hình nhất là năm học 2008-2009 từ nguồn ngân sách được cấp trên 409 triệu đồng, nguồn học phí 108 triệu nhưng nhà trường phải chi trả lương trên 859 triệu đồng, chi phí khác 198 triệu. Hàng năm, nhà trường luôn quan tâm lập dự toán ưu tiên chi cơ bản bảo đảm phục vụ cho con người bao gồm chi lương, các khoản phụ cấp, đóng góp, chi vượt giờ, hợp đồng thỉnh giảng, phần còn lại dành chi cho các hoạt động phục vụ: công tác phí, hoạt động ngoại khóa, sửa chữa nhỏ, mua sắm vật tư văn phòng, điện nước từ 10-12% nhưng nợ lương, không đầu tư trang thiết bị dạy học vẫn dồn từ năm này qua năm khác. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung còn so sánh: Làm hiệu trưởng trường bán công hiện nay chẳng khác nào anh giám đốc doanh nghiệp không ăn nên làm ra, cứ suốt ngày, suốt tháng lo chuyện tiền lương cho anh em!
Trường THPT bán công Nguyễn Trãi cần sớm chuyển đổi?
Tất cả chúng ta phải khẳng định rằng, việc thành lập các trường PTTH bán công những năm về trước là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của xã hội, tùy từng tỉnh mà áp dụng vào triển khai của địa phương ở từng thời điểm cụ thể. Đối với tỉnh Yên Bái, mô hình trường bán công đã không còn phù hợp. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cần sớm ra quyết định chuyển đổi loại hình nhà trường về công lập. Một điều dễ nhận thấy là chưa có và sẽ không có quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc chuyển đổi các trường bán công theo Luật Giáo dục. Chính vì vậy, quyết định hoàn toàn thuộc về tỉnh và Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ là cơ quan tham mưu để giải quyết vấn đề này. Hơn lúc nào hết, cán bộ giáo viên nhà trường và nhân dân 4 huyện, thị phía Tây chờ một quyết định chính xác để mỗi học sinh có điều kiện lựa chọn và cơ hội học tập trong một môi trường sư phạm tốt nhất.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái đã thường xuyên chỉ đạo và có nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho cán bộ, chiến sỹ và công nhân viên quốc phòng.
YBĐT - Mắt đã được chăm sóc tốt hơn! - đó là nhận định của ông Trần Văn Thu – Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Yên Bái sau hơn hai năm được Viện Mắt Trung ương và Tổ chức Mắt quốc tế phi chính phủ ORBIS giúp đỡ thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng, dịch vụ chăm sóc mắt cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu tỉnh Yên Bái.”
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, phải đến cuối tuần mới có khả năng có không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc nên trong tuần ở hầu hết các khu vực ít đến không mưa, trời nắng ấm.
YBĐT - Tự hào với truyền thống 63 năm đồng hành cùng đất nước của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, những năm qua, tổ chức các cấp Hội CTĐ thành phố Yên Bái không ngừng được củng cố và xây dựng ngày càng vững mạnh.