Cúm gia cầm tái phát

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/3/2010 | 8:08:47 AM

Đến nay, đã có 5 địa phương ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam được xác định có dịch cúm gia cầm. 5 địa phương đó là Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Nam Định và Khánh Hòa.

Tỷ lệ tiêm phòng thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến cúm gia cầm liên tục tái phát.
Tỷ lệ tiêm phòng thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến cúm gia cầm liên tục tái phát.

Đến nay, đã có 5 địa phương ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam được xác định có dịch cúm gia cầm. 5 địa phương đó là Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Nam Định và Khánh Hòa. Trong đó, Khánh Hòa là địa phương mới nhất có tên trên bản đồ cúm gia cầm trong đợt này với các ổ dịch xảy ra trên đàn gà 770 con tại H.Ninh Hòa và đàn chim cút 6.000 con của hộ dân thuộc H.Vạn Ninh.

Tại Cà Mau, dịch bệnh nguy hiểm này tiếp tục tấn công đàn vịt của người dân thuộc xã Khánh Bình Đông (H.Trần Văn Thời) và xã Nguyễn Phích (H.U Minh) làm gần 200 con vịt mắc bệnh.

Chủ quan trong phòng, chống dịch   

Ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nhận định trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây lan ra các địa phương khác trên cả nước là rất cao, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL. “Bà con nông dân các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa, người dân thả vịt chạy đồng nhiều, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào”, ông Năm nói.

Theo ông Năm, dịch cúm gia cầm liên tiếp tái phát lẻ tẻ ở các tỉnh, thành là do khâu tiêm phòng và triển khai các biện pháp phòng, chống khác của người dân và ở cấp cơ sở chưa tốt, kể cả việc kiểm soát vận chuyển qua biên giới cũng như trong nội địa và kiểm soát giết mổ không được tốt. Thêm vào đó, mấy năm nay, dịch không bùng phát thành đợt lớn nên nảy sinh tư tưởng chủ quan trong phòng, chống.

“Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đã được đề ra nhưng trên thực tế lại không được triển khai đến nơi đến chốn tại các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn đang tiếp diễn trong phòng chống dịch”, ông Năm bức xúc. Ông Năm lấy ví dụ, báo cáo về công tác tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm của các địa phương đều rất “đẹp”, đạt  tỷ lệ cao. Nhưng đến khi dịch bệnh xảy ra, qua điều tra trở lại đã phát hiện tại một số tỉnh, số gia cầm thực tế cao gấp 3 lần so với trong kế hoạch của địa phương. Điều đó cho thấy tỷ lệ tiêm phòng thực tế rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu chống dịch.

Theo ông Năm, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo và đang tăng cường kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cùng đoàn công tác của Bộ đang tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này ở các tỉnh ĐBSCL và sẽ có cuộc họp bàn, triển khai công tác phòng, chống dịch với lãnh đạo các tỉnh vào ngày 3.3. “Không có sự chỉ đạo sát sao và ra tay của cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở thì khó mà kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm”, ông Năm nói.

Đã có người tử vong

Trong khi đó, sau thời gian tạm lắng, dịch cúm gia cầm H5N1 trên người cũng xuất hiện trở lại với 3 ca nhiễm và một trong số đó đã tử vong.

Ngoài nữ bệnh nhân 38 tuổi (Tiền Giang) đã tử vong do nhiễm cúm gia cầm hôm 23.2, hôm qua 1.3, Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế thông báo thêm một ca dương tính với cúm A/H5N1. Đó là bệnh nhân nữ 17 tuổi, thường trú xã Tân Trào, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Khoảng 10 ngày trước đây, tại nhà bệnh nhân này có xảy ra hiện tượng gà ốm, chết không rõ nguyên nhân, bệnh nhân có tham gia tiêu hủy gà ốm, chết của gia đình. Trước đó, tại xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 của một bé gái 3 tuổi. Điều tra dịch tễ tại nơi bệnh nhân ở cho thấy, mọi người trong gia đình và xung quanh không có ai bị bệnh tương tự, gia đình bệnh nhân có nuôi gà nhưng không có hiện tượng ốm, chết. Khoảng gần 1 tháng trước, tại trại đà điểu (cách nhà bệnh nhân gần 1 km) có hiện tượng đà điểu chết không rõ nguyên nhân.

Về diễn biến dịch cúm gia cầm A/H5N1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn lưu ý: mùa đông-xuân là điều kiện rất thuận lợi cho vi-rút phát triển, gây dịch. Vi-rút có thể tồn tại lâu dài. Đáng lo ngại, mặc dù đến thời điểm này, các nghiên cứu cho thấy chưa có biến đổi nhiều của vi-rút A/H5N1 nhưng bản thân vi-rút này vẫn được biết đến là loại có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 trung bình 20-30%, cao hơn nhiều lần so với cúm A/H1N1. Riêng trong năm 2009, VN ghi nhận tỷ lệ tử vong do cúm H5N1 trên người là 100% (với 5/5 ca nhiễm cúm  A/H5N1 tử vong).   

Tại thời điểm hiện nay, Cục Y tế dự phòng và môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; tuyệt đối không được giết và ăn thịt gia cầm ốm, chết; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Theo ông Bùi Quang Anh, nguyên Cục trưởng Cục Thú y, để tránh dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng, các cấp chính quyền cơ sở cần phải tiến hành giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch. Khi phát hiện ổ dịch, phải bao vây khoanh vùng, dập dịch kịp thời bằng cách tiêu hủy gia cầm bệnh, phun thuốc khử trùng, lập chốt kiểm dịch kiểm soát việc vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch ra ngoài...

(Theo TNO)

Các tin khác
Các đoàn viên thanh niên quét dọn, vệ sinh tại khu vực công viên Yên Hòa (TP Yên Bái).

YBĐT - Sáng 1/3/ 2010, Ban thường vụ (BTV) Thành đoàn Yên Bái tổ chức Lễ phát động tháng thanh niên với chủ đề “Thanh niên hành động vì môi trường” và phát động cuộc thi tìm hiểu “Yên Bái 110 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành; 65 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 296/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Thủ tướng chỉ thị cần quán triệt nhận thức: Phát triển quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo.

YBĐT - Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Văn Yên (Yên Bái) đã phát động phong trào quyên góp quần áo chia sẻ khó khăn với trẻ em nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tới mọi tầng lớp nhân dân của huyện.

YBĐT - Chị Phạm Thị Khanh vui mừng xúc động đón nhận những món quà tết từ Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Lao động, từ lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện và Công đoàn Giáo dục huyện Yên Bình. Chị còn vui hơn nữa bởi xuân này gia đình chị được lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao nhà “Mái ấm công đoàn” – một ngôi nhà khang trang mà bao năm nay chị thầm mơ ước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục