Yên Bái: Bệnh thủy đậu đang bùng phát

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/3/2010 | 8:46:59 AM

YBĐT - Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, từ đầu tháng 3/2010 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 500 người mắc bệnh thuỷ đậu....

Bệnh thủy đậu với triệu chứng: xuất hiện những nốt đỏ trên da sau đó mưng mủ, phồng rộp lên và vỡ,
gây cảm giác ngứa rát khó chịu.
Bệnh thủy đậu với triệu chứng: xuất hiện những nốt đỏ trên da sau đó mưng mủ, phồng rộp lên và vỡ, gây cảm giác ngứa rát khó chịu.

Mấy tháng nay, số người mắc bệnh thủy đậu đã tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ở Yên Bái, theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng, từ đầu tháng 3/2010 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 500 người mắc bệnh thuỷ đậu, tập trung ở các huyện: Lục Yên, Yên Bình,Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Đặc biệt, nhiều trường mầm non đã có nhiều trẻ phải nghỉ học vì lên thuỷ đậu.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tỉ lệ chuyên cần và các hoạt động vui chơi, học tập của các cháu mà còn gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. 

Một số trường mẫu giáo ở thành phố Yên Bái, Văn Yên, Trấn Yên... xuất hiện các cháu bị bệnh thủy đậu phát triển khá nhanh. Tại một trường mẫu giáo ở thành phố Yên Bái khi ngày 12/3, nhà trường phát hiện một cháu mắc bệnh thuỷ đậu thì đến ngày 16/3 đã có trên 40 cháu mắc, tập trung ở hai lớp nhóm 3- 4 tuổi (mẫu giáo bé). Cô giáo Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực sự, chúng tôi không ngờ bệnh thuỷ đậu lại có tốc độ lây lan nhanh đến vậy. Ngay sau khi phát hiện, nhà trường đã báo cho Trạm Y tế phường, đồng thời tăng cường các biện pháp chăm sóc vệ sinh cá nhân cho các cháu, cách ly các hoạt động vui chơi giữa các lớp học. Đối với các cháu mắc bệnh và các trường hợp có biểu hiện mắc bệnh, nhà trường cho nghỉ học để điều trị tránh tình trạng lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức tuyên truyền bằng tờ rơi trong cán bộ, giáo viên nhà trường cũng như các bậc phụ huynh về bệnh thuỷ đậu…”.

Anh Lê Thanh Hải, có con học tại Trường cho biết: “Cách đây bốn ngày, tôi thấy cháu vẫn ăn uống, nô đùa bình thường nhưng đến ngày hôm sau thấy cháu biếng ăn, sốt nhẹ, có biểu hiện ngứa và mọc một nốt đỏ trên đầu. Lúc đầu, gia đình lo lắm nhưng nhờ phát hiện là bệnh thuỷ đậu sớm nên tôi đã xin nhà trường cho cháu nghỉ học để điều trị tại nhà. Nhờ chăm sóc đúng cách như bôi thuốc, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày nên hiện nay cháu đã gần khỏi bệnh”.

Bệnh thuỷ đậu (còn gọi là phỏng rạ, trái rạ) do virus Varicella Zosret gây ra, hay gặp ở trẻ dưới 10 tuổi thậm chí cả người lớn. Biểu hiện: sốt nhẹ trong 2-3 ngày, sau đó xuất hiện trên da các chấm đỏ, thường bắt đầu ở vùng đầu, mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân, gây cảm giác ngứa rát. Trên các chấm này hình thành nốt phồng lớn dần sau đó khô và bong vảy. Theo ông Trần Viết Thắng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì thuỷ đậu là bệnh lành tính, nhưng nếu không đảm bảo vệ sinh, rất dễ gây ra nhiều biến chứng. Bởi khi trẻ bị thuỷ đậu, biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng da do trẻ thường gãi làm các nốt đỏ vỡ, trầy xước khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập làm mủ và để lại sẹo lõm. Thậm chí có nhiều trường hợp còn gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… có thể dẫn đến tử vong.

Cũng theo ông Thắng thì thuỷ đậu là bệnh dễ lây qua đường hô hấp và lây do tiếp xúc mụn nước hoặc các dụng cụ sinh hoạt. Vì vậy, khi trẻ bị bệnh cần cho trẻ nghỉ học, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước. Đặc biệt, bệnh này rất nguy hiểm đối với những trẻ em bị suy dinh dưỡng và phụ nữ có thai. Bởi ở trẻ suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, virus xâm nhập thẳng vào máu làm ảnh hưởng nặng đến các cơ quan như thận, não, gan… Ở phụ nữ có thai trong nửa chu kỳ đầu của thai nếu mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến não của bào thai…

Hiện bệnh thủy đậu vẫn đang bùng phát mạnh. Do vậy, xin đưa ra lời khuyên về cách phòng bệnh của bác sĩ đối với bệnh thuỷ đậu: không nên cho trẻ tiếp xúc nơi đông người. Khi có biểu hiện nghi ngờ thuỷ đậu, cần đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị đúng; không được dùng kháng sinh khi chưa được bác sỹ cho phép. Trong trường hợp các nốt đậu xuất hiện, cần bôi ngay Acyclovir- thuốc kháng virus đặc hiệu với bệnh thuỷ đậu. Ngoài ra, nếu những nốt đậu dập vỡ, bị gãi xước thì cần bôi Xanh metylen, dung dịch có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch các nốt, tránh bội nhiễm. Luôn giữ cho da trẻ sạch sẽ. Thường xuyên bảo vệ viêm mạc mắt, mũi bằng các loại thuốc nhỏ mắt, mũi thông dụng. Để phòng bệnh thủy đậu, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccin phòng bệnh.

Hà Tĩnh

Các tin khác

Đại hội sẽ diễn ra trong hai ngày 12-13/5, với sự tham dự của 1.700 đại biểu chính thức đại diện cho các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện nay lưỡi áp cao cận nhiệt vẫn có cường độ ổn định do vậy trong một vài ngày tới Nam bộ tiếp tục có nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ phổ biến khoảng 35 - 36 độ, một số nơi thuộc miền đông Nam Bộ cao trên 37 độ.

YBĐT - Ngày 17/3/2010, Công ty Vinaphone đã phối hợp với Viễn thông Yên Bái tổ chức khai trương đại diện Vinaphone Yên Bái tại địa chỉ số 40 - đường Điện Biên- thành phố Yên Bái và giới thiệu dịch vụ Vinaphone 3G.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục