10 năm thực hiện Chương trình 135 ở huyện Văn Yên: Giúp người nghèo thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 24/3/2010 | 2:49:38 PM
YBĐT - Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135).
Chương trình 135 đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng tại các xã vùng cao Văn Yên.
|
Chương trình này nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Văn Yên là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái và dân số trên 114.230 người gồm 11 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 62%, dân tộc Dao chiếm 19%, dân tộc Tày 14% còn lại là các dân tộc khác như: Mông, Phù Lá, Cao Lan...
Toàn huyện có 26 xã và 1 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn và 12 thôn bản thuộc các xã vùng II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135. Trước những năm 2000, tại các xã và các thôn bản đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, giao thông chủ yếu là đường mòn nhỏ, việc thông thương trao đổi hàng hóa chủ yếu là dùng ngựa và sức người; thông tin liên lạc cực kỳ khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ; trường, lớp phần lớn là tranh tre nứa lá, sản xuất nông nghiệp manh mún, kỹ thuật thâm canh lạc hậu, năng suất thấp, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí hạn chế...
Qua 10 năm thực hiện Chương trình 135, đã thực sự làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn này. Đáng mừng nhất là sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào, từng bước phát huy được vai trò tự lực, tự cường của các hộ nghèo và toàn thể cộng đồng vươn lên thoát nghèo, gắn quyền lợi, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc vào việc tham gia thực hiện Chương trình.
Trong sự thay đổi đó, đã có những đóng góp quan trọng của Kho bạc Nhà nước Văn Yên, bởi đã thực hiện quản lý, cấp phát vốn 59,5 tỷ đồng gồm: 39 công trình trường học, 119 phòng học kiên cố với số vốn đầu tư 9,73 tỷ đồng xoá nhà học tạm tranh tre, nứa lá và giảm các lớp học 3 ca, tạo điều kiện cho con em đến trường học tập thuận lợi; hỗ trợ 2.308 cháu con hộ nghèo đi học với số tiền trên 1,2 tỷ đồng; xây dựng 50 công trình giao thông, 23 công trình cầu, cống ở các vùng xung yếu, trọng điểm với số vốn 36,3 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, sản xuất, trao đổi hàng hoá; xây dựng 22 công trình thuỷ lợi nhỏ và hệ thống kênh mương với số vốn là 9,4 tỷ đồng, đảm bảo tưới tiêu cho 235 ha lúa nước 2 vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khai hoang và phát triển sản xuất trồng lúa, trồng màu, ổn định công tác định canh định cư; đầu tư 3 trung tâm cụm xã, 2 trạm y tế đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho người dân; mở được 47 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý điều hành Chương trình 135 cho đội ngũ cán bộ xã, thôn bản, cộng đồng với 2.402 lượt người tham gia; dạy nghề cho 240 thanh niên dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 16 đến 25 về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo quản nông lâm sản sau thu hoạch; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân: 256 triệu đồng, góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân thực hiện đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, chính sách dân tộc, tôn giáo; tạo điều kiện cho người dân phát triển về văn hoá, phát triển phong trào văn nghệ, TDTT, xây dựng cải thiện môi trường sống xanh sạch đẹp. Đến nay, huyện Văn Yên đã có 3 xã cơ bản thoát nghèo ra khỏi Chương trình 135.
Để đạt được những kết quả đó, đội cán bộ công chức Kho bạc Nhà nước Văn Yên đã rất tâm huyết với nghề nghiệp, tận tình hướng dẫn đội ngũ kế toán xã, ban quản lý dự án gửi các hồ sơ pháp lý và ghi chứng từ thanh toán các dự án, công trình. Những cán bộ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền địa phương triển khai thực hiện chương trình, quản lý chặt chẽ, giải ngân vốn kịp thời, đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, hợp lòng dân.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai cũng không tránh khỏi những tồn tại, khó khăn cần rút kinh nghiệm, đó là: trình độ học vấn, nhận thức của người dân còn chưa cao; các lớp tập huấn chưa đủ thời lượng để cho học viên tiếp thu hết kiến thức; các xã đã trực tiếp làm chủ đầu tư chưa am hiểu về thủ tục đầu tư nên còn lúng túng, chưa chủ động trong quản lý và thực hiện...
Chương trình 135 là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho họ có điều kiện vươn lên để thoát nghèo. Với kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện, cán bộ công chức kho bạc Nhà nước Văn Yên hy vọng trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục được đóng góp nhiều hơn nữa để Chương trình 135 mang lại cho nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên cuộc sống ấm no.
Nguyễn Minh Yên
Các tin khác
YBĐT - Trong năm 2009, Hội Nông dân xã Báo Đáp, Trấn Yên (Yên Bái) đã giúp 17 hội viên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,68 %. Kết quả đó đã phần nào nói lên những cố gắng và thành công của Hội trong quá trình giúp hội viên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo chiều tối và đêm nay (24/3), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
YBĐT - Để thực hiện tốt Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, đầu tháng 3/2010, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Văn Chấn (Yên Bái) tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn lập thủ tục hồ sơ cấp đất và giải phóng mặt bằng các công trình còn lại để triển khai xây dựng trong giai đoạn đến năm 2012 theo kế hoạch của tỉnh