Ngành giáo dục Văn Chấn: Đổi mới phong trào thi đua

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/4/2010 | 9:08:18 AM

YBĐT - Nhằm không ngừng khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh vượt qua khó khăn, bám lớp, bám trường, nhất là các địa bàn vùng cao, vùng xa và nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo huyện Văn Chấn (Yên Bái) rất chú trọng công tác thi đua, khen thưởng.

Để đánh giá và thực hiện công tác thi đua một cách thiết thực, ngành đã xây dựng tiêu chí và cách tính điểm phù hợp đối với từng bậc học, từng vùng miền. Tổ chức cho các đơn vị ký kết giao ước, đăng ký mức độ hoàn thành các lĩnh vực thi đua. Đồng thời, chia các đơn vị trường thành 3 khối thi đua: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Mỗi khối thi đua lại được chia thành 6 cụm nhỏ. Hoạt động của các khối thi đua tập trung vào một số việc như kiểm tra chéo lẫn nhau, nhận kết nghĩa, phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khoá về văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao... nhằm tạo điều kiện cho các trường có cơ hội được học tập, chia sẻ kinh nghiệm và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Cuối mỗi học kỳ và  năm học đều được đánh giá, chấm điểm, xếp loại. Kết quả đánh giá đó sẽ là một trong những cơ sở để bình xét thi đua thường xuyên của mỗi năm học.

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” một cách thực chất, ngành đã chú trọng việc bình xét thi đua ở cơ sở một cách nghiêm túc, đúng người, đúng việc, đúng thành tích, coi trọng chất lượng và hiệu quả công việc, lấy việc nâng cao chất lượng giáo dục là tiêu chí thi đua hàng đầu, từng bước khắc phục tình trạng hình thức, thiếu trung thực và chạy theo thành tích. Trong đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngành tăng cường khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên đầu tư nghiên cứu viết đề tài, sáng kiến kinh nghiệm và vận dụng những kinh nghiệm có giá trị vào công tác quản lý và giảng dạy trong các nhà trường.

Năm năm qua, 341 sáng kiến kinh nghiệm có giá trị thực tiễn được Hội đồng Khoa học của ngành đánh giá xếp loại tốt và được áp dụng rộng rãi trong các nhà trường, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là, những đề tài nghiên cứu về phương pháp dạy các bộ môn khoa học tự nhiên, xã hội; những kinh nghiệm hay về đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi.... Ngoài ra, hàng năm còn có hàng trăm bộ đồ dùng giảng dạy tự làm có giá trị được đưa vào ứng dụng trong các nhà trường. Những nghiên cứu, sáng tạo đó, đã đóng góp không nhỏ để các tập thể, cá nhân đạt các danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi các cấp.

Gắn phong trào thi đua với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động, ngành đã có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và hiệu quả với mục tiêu chất lượng thực một cách nghiêm túc đến 100% các đơn vị trường. Công tác khảo sát chất lượng đầu vào và đầu ra được tiến hành sát sao, từ đó tìm ra những nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong học tập; việc bàn giao chất lượng học tập của học sinh được thực hiện chặt chẽ, giáo viên lớp trên kiên quyết không nhận học sinh có học lực yếu kém của lớp dưới...

Với những hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục thực chất đã làm thay đổi căn bản nhận thức của chính mỗi thầy, cô giáo khi gánh vác trọng trách dạy chữ và dạy làm người, học sinh cũng hình thành thói quen tự giác trong học tập. Kết quả học tập được nâng lên rõ rệt, năm năm qua, toàn huyện có 100 lượt học sinh trung học cơ sở đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó một giải nhất, 10 giải nhì và 31 giải ba...

Với sự đổi mới về công tác triển khai, chỉ đạo, thực hiện phong trào thi đua từ phòng đến các đơn vị trường và sự quyết tâm đối với sự nghiệp “trồng người” của đội ngũ cán bộ giáo viên, giai đoạn 2005-2009, ngành giáo dục- đào tạo huyện Văn Chấn đã được UBND tỉnh tặng cờ thi đua dẫn đầu khối các phòng giáo dục - đào tạo, năm học 2007 - 2008 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

Nhiều đơn vị trường như: Trường THCS thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ 16 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; Trường THCS xã Chấn Thịnh, Trường Tiểu học Suối Giàng, Trường mầm non xã Phù Nham, liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến xuất sắc; tập thể lao động tiên tiến và được UBND tỉnh, Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen. Ngành giáo dục - đào tạo của huyện ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, đó là những cán bộ quản lý đã không quản ngại khó khăn tình nguyện công tác ở vùng đặc biệt khó khăn như thầy giáo Hà Văn Tý (Trường tiểu học xã An Lương); thầy giáo Nguyễn Tiến Võ (Trường tiểu học xã Tú Lệ)...

Nhiều thầy giáo, cô giáo gắn bó cả tuổi thanh xuân ở vùng cao, nỗ lực vượt khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để hàng năm đạt được các danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh góp phần đưa phong trào của nhà trường cũng như sự nghiệp giáo dục huyện Văn Chấn ngày một phát triển.

Huyền My

Các tin khác
Thanh niên tình nguyện cắt tóc cho đồng bào xã Hồng Ca (Trấn Yên). (Ảnh: Q.T)

YBĐT - Với sức trẻ và tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, những quả đồi gồ ghề giờ đã trở thành những thửa ruộng cạn. Những thủ tục cuối cùng đang được gấp rút hoàn thành để giao đất cho bà con canh tác. Những ngày qua, từ sáng đến tối, nhân dân địa phương cũng hăng hái cùng các đoàn viên thanh niên san ủi, đào đất. Những bước chân tình nguyện đã rời Chống Tầu xuống núi nhưng để lại mảnh đất này bao hạt vàng no ấm cho bà con những mùa sau...

Trong những ngày qua, cả nước đã xảy ra đợt nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ lên cao ở mức kỷ lục, dấu hiệu của một mùa hè oi ả, khắc nghiệt, có nhiều bất thường đang bắt đầu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, giám sát in sao đề thi, coi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010. Các cán bộ thanh tra sẽ là cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 đoàn thanh tra gồm Trưởng đoàn và từ 5 đến 10 thành viên.

Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Tăng Thị Chân - xã Phan Thanh thu lãi mỗi năm trên 40 triệu đồng.

YBĐT - Là xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên, 95% dân số Phan Thanh là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán lạc hậu, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế, do đó tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo còn cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục