Phạt gấp 7 lần hàng hóa thực phẩm vi phạm ATTP
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/4/2010 | 7:58:18 AM
Mức phạt tiền trong xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ.
Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại buổi làm việc chiều 15/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cần chế tài đủ mạnh để đủ sức răn đe
Tại buổi làm việc chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật an toàn thực phẩm (ATTP), theo đó, đa số ý kiến đề nghị cần quy định chế tài xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trong dự thảo Luật để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp… Cùng với đó, nên có chế tài mang tính khung và giao Chính phủ quy định cụ thể.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh, khi thảo luận về những quy định xử phạt khi vi phạm ATTP, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể và có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP để đủ sức răn đe.
Ông Minh cho biết, hiện tại, chế tài xử lý vi phạm ATTP được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về dân sự, pháp luật về hình sự... Tuy nhiên, để làm rõ chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP, dự thảo Luật ATTP đã bổ sung một chương quy định về xử lý vi phạm pháp luật và bồi thường thiệt hại về ATTP.
Dự thảo Luật An toàn tực phẩm cấm kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ |
Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP và cách xác định giá trị thực phẩm vi phạm; quy định về thẩm quyền phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội tán thành các quy định về xử lý vi phạm trong dự thảo Luật, trong đó, ông Thuận cho rằng quy định "phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ" là một hình thức phạt có tính răn đe đối với hành vi vi phạm ATTP.
Cấm sử dụng động vật chết làm thực phẩm!
Tại điều 5 dự thảo Luật ATTP nêu 16 hành vi bị cấm về ATTP, trong đó, hành vi cấm "sử dụng động vật chết, sản phẩm động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm" được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho rằng, ở hành vi cấm này cần viết thêm cho rõ là cấm "sử dụng động vật chết làm thực phẩm". Theo ông Lưu, như vậy sẽ rõ nghĩa hơn vì nếu chỉ quy định cấm "sử dụng động vật chết" như trong dự thảo Luật thì không hiểu cấm để... làm gì?
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật ATTP, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ các hành vi bị cấm để tăng tính khả thi. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể, chi tiết các hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: tuyên truyền không đúng, quảng cáo không đúng, sử dụng động vật chết làm thực phẩm, nhập khẩu sản phẩm động vật không qua kiểm dịch; quy định cấm người chế biến thực phẩm sử dụng nguyên liệu có hại; cấm kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm đang bị dịch bệnh; cấm hành vi tiếp tay cho các vi phạm pháp luật như cho lưu thông thực phẩm đông lạnh không bảo đảm an toàn; cấm người mắc bệnh truyền nhiễm kinh doanh thực phẩm, cấm xuất nhập khẩu những thực phẩm không an toàn; cấm kinh doanh, mua bán, sử dụng sản phẩm thực phẩm quá hạn sử dụng.
Theo ông Minh, tiếp thu ý kiến trên, Điều 5 của dự thảo Luật ATTP đã được chỉnh sửa theo hướng quy định rõ về các hành vi bị cấm, đồng thời bổ sung một số hành vi bị cấm cho phù hợp với thực tế.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng cơ quan hữu quan hoàn chỉnh văn bản và báo cáo giải trình tiếp thu trong thời gian tới.
Một số hành vi khác bị cấm trong dự thảo Luật ATTP: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm... Trong sản xuất, kinh doanh, cấm: Thực phẩm bao gói sẵn không có nhãn hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn; Thực phẩm bị biến chất; Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không sạch, bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển; Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; Thực phẩm đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không cho phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh... Dự thảo Luật ATTP cũng cấm: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất thực phẩm; Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Sử dụng hóa chất độc hại để bảo quản thực phẩm; Kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng; Cấm: Che giấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố ATTP hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về ATTP; Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định; Quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng; Đăng tải, công bố các thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội và thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh... |
(Theo VTC)
Các tin khác
Theo thống kê của Bộ Y tế, qua 6 tháng triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), các địa phương trong cả nước đã chuyển đổi, cấp thẻ BHYT theo mẫu mới cho 45 triệu/53 triệu người tham gia BHYT.
YBĐT - Thời gian qua, Công ty cổ phần Đào tạo Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) đã và đang tập trung đào tạo các ngành nghề từ bậc học Mầm non, tiểu học, THPT cho đến Cao đẳng nghề và Đại học...
YBĐT - Ngày 15/4/2010, tại huyện Văn Yên, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2010”. Đồng chí Phạm Duy Cường – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự lễ phát động.và chỉ đạo buổi lễ.
YBĐT - Những năm gần đây, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở Yên Bái gia tăng đáng báo động. Nếu như năm 2003, tại Trung tâm Nội tiết tỉnh chỉ khám và điều trị cho trên 1000 lượt người bệnh ĐTĐ, thì năm 2007 con số này tăng lên trên 13.000 lượt người, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2010, Trung tâm đã khám cho 2.489 lượt bệnh nhân ĐTĐ; điều trị ngoại trú cho 2.472 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 126 bệnh nhân.