Đề án 1816: Giải quyết “thiếu” và “yếu” cho cơ sở
- Cập nhật: Thứ hai, 19/4/2010 | 9:37:58 AM
YBĐT - Thực hiện Đề án 1816 ở Yên Bái với việc nâng cao chất lượng KCB, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng tay nghề, kiến thức mới cho đội ngũ y sỹ, bác sỹ tuyến tỉnh và huyện; giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, ngành y tế đã rút ra được các bài học kinh nghiệm về liên kết đào tạo cán bộ y tế cơ sở, hình thức phù hợp trong việc đưa cán bộ luân chuyển về tuyến dưới.
“Bác sĩ 1816” của Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải.
|
Là tỉnh miền núi, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số trên 51%, Yên Bái là tỉnh nghèo với số thu ngân sách năm 2009 chỉ khiêm tốn ở mức trên 500 tỷ đồng/năm. Từ khó khăn về nhiều mặt, cộng với các hủ tục lạc hậu tồn dư trong đồng bào dân tộc thiểu số, nên tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba trở lên, thiếu thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng... gây cản trở đến việc đưa các dịch vụ y tế cao về với đồng bào miền núi.
Đặc biệt, nguồn nhân lực y tế luôn thiếu, con em đồng bào dân tộc thiểu số dù được theo học cử tuyển tốt nghiệp bác sỹ xong cũng không về công tác tại tỉnh.Cá biệt như dược sỹ đại học 13 năm nay không có một cán bộ nào về tỉnh, cho dù ngành đã có ưu đãi sẵn sàng hỗ trợ ban đầu cho quá trình học tại trường đại học cho các sinh viên. Người dân đã khó khăn về kinh tế, khi ốm đau bệnh tật lại càng vất vả hơn khi phải chuyển tuyến trên để được điều trị tốt hơn.
Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã kịp thời đáp ứng được niềm mong mỏi của các thầy thuốc cũng như người dân Yên Bái, giải quyết kịp thời cái vừa thiếu vừa yếu của tuyến bệnh viện cơ sở miền núi. Cũng phải nói công bằng, tỉnh Yên Bái đã thấy được cái yếu của mình ở tuyến huyện, nên ngay từ năm 2005 khi chưa có Đề án 1816 ngành y tế đã cử hàng chục lượt cán bộ có chuyên môn cao xuống tuyến huyện ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn... giúp tuyến huyện giải quyết các vấn đề "nóng" về ngoại khoa, sản khoa, quản lý y tế.
Qua đó, giúp cơ sở lập kế hoạch công tác sát thực tế; đề xuất đúng các vấn đề về y tế với trên; có các biện pháp phòng chống dịch và dập dịch cúm A/H1N1, dịch tiêu chảy cấp thành công. Ngay sau khi có Đề án, Sở Y tế đã tổ chức tiếp nhận cán bộ luân phiên từ các bệnh viện Trung ương về giúp Bệnh viện tỉnh, đồng thời tiếp tục xây dựng đề án luân phiên cán bộ về tuyến huyện, xã. Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, 23 bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, 4 bác sỹ của Bệnh viện Việt- Đức, các bác sỹ đầu ngành của Viện Mắt Trung ương, Viện Răng Hàm Mặt, Viện Châm cứu Trung ương... đã đến công tác tại các bệnh viện của Yên Bái gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội với sự sẻ chia và đồng cảm cùng người đồng nghiệp tuyến dưới. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai cử nhiều nhất với 18 cán bộ đến các bệnh viện trong tỉnh.
Theo đánh giá của tiến sỹ Đào Thị Ngọc Lan, Giám đốc Sở Y tế, thì: Quyết định 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã giúp tỉnh nâng cao đội ngũ cán bộ y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó có nhiều bệnh hiểm nghèo mà đội ngũ y sỹ, bác sỹ cơ sở chưa thể thực hiện được. Ngoài ra, đây là cơ hội để đội ngũ y sỹ, bác sỹ trong tỉnh được học hỏi nghiệp vụ và tiếp cận với các trang thiết bị y tế mới hiện đại hơn. Nhân dân chính là người được hưởng lợi nhiều nhất, có hàng trăm bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, được điều trị bằng những kỹ thuật cao hơn mà không phải chuyển tuyến trên, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên. Đồng thời, cán bộ, công nhân viên của các bệnh viện không những được nâng cao năng lực chuyên môn mà còn học được phong cách làm việc tận tụy, chu đáo của các bác sỹ Trung ương, từ đó duy trì được mối liên hệ thường xuyên và tăng cường sự phối hợp chuyên môn.
Nhìn vào số liệu cán bộ y tế luân phiên đã thực hiện ở Yên Bái thật đáng trân trọng: bệnh nhân được phẫu thuật ở hai bệnh viện đa khoa tỉnh và Nghĩa Lộ là 895 ca; số bệnh nhân được khám và điều trị 3.692 ca; 43 lớp tập huấn; trên 1.000 lượt cán bộ y tế của tỉnh được tập huấn các thủ thuật nội soi can thiệp, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, sản khoa, phẫu thuật nhãn khoa chấn thương và tạo hình thẩm mỹ trong nhãn khoa, điện não đồ, điều trị bệnh lý thần kinh bằng phương pháp không dùng thuốc...
Bác sĩ Đỗ Hữu Tố (phải) -khoa gây mê hồi sức, Bệnh viên Bạch Mai tập huấn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Hiệu quả bước đầu của Đề án là đã giảm bệnh nhân chuyển tuyến (Bệnh viện Đa khoa tỉnh giảm 10%, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ giảm 15% so với trước). Đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao trong các lĩnh vực như: hồi sức cấp cứu, tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, răng hàm mặt, xét nghiệm, chấn thương chỉnh hình. Tỷ lệ bệnh nhân y học cổ truyền được điều trị bằng áp dụng các phương pháp không dùng thuốc tăng 20%. Trên 80% các kỹ thuật sau khi được chuyển giao được các y sỹ, bác sỹ và nhân viên kỹ thuật tỉnh Yên Bái thực hiện tốt.
Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ đảm trách việc chăm sóc sức khỏe cho trên 300 ngàn dân khu vực phía tây của tỉnh cùng một số huyện phụ cận của các tỉnh Sơn La, Lai Châu, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Được Viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai cử 11 bác sỹ và cán bộ kỹ thuật về luân phiên công tác, đã tạo ra cú "huých" lớn cho công tác khám chữa bệnh nơi này.
Bác sỹ Hoàng Sỹ Hiền, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Với việc chuyển giao kỹ thuật ở địa phương chưa làm được, hoặc được phép làm nhưng còn yếu như cắt dạ dày, cắt tử cung toàn phần, mổ sọ não, mổ sỏi thận, mổ bằng phương pháp Phacô... đã được cán bộ luân phiên cùng bàn bạc và giải quyết các vấn đề cần, rồi tách từng phần việc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, nên đến nay đã chuyển giao thành công. Các bệnh viện tuyến trên còn hỗ trợ 4 giường đa năng, các loại thuốc điều trị đặc hiệu giúp nhiều bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được điều trị kịp thời, tránh phải chuyển viện tốn kém cả chục triệu đồng mỗi ca mà chưa chắc tính mạng khi vận chuyển trên đường được đảm bảo.
Sau hơn một năm thực hiện Đề án 1816 ở Yên Bái với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng tay nghề công nghệ kiến thức mới cho đội ngũ y sỹ, bác sỹ tuyến tỉnh và huyện; giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, ngành y tế đã rút ra được các bài học kinh nghiệm về liên kết đào tạo cán bộ y tế cơ sở, hình thức phù hợp trong việc đưa cán bộ luân chuyển về tuyến dưới, nhất là xây dựng kế hoạch cụ thể về con người, trang thiết bị y tế, đó là cần cử cán bộ cán bộ có chuyên môn phù hợp với nhu cầu đề xuất của cơ sở, thấm nhuần phương châm: kèm cặp chuyển giao kỹ thuật là chính, không làm thay. Cán bộ đến thực hiện Đề án cần nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, yên tâm công tác và cảm thông sâu sắc với những khó khăn về cơ sở vật chất ở tỉnh miền núi, tránh mặc cảm và không giải quyết kịp thời các phát sinh trong tổ chức thực hiện.
Mỹ Sinh
Các tin khác
Bộ Y tế vừa tiến hành kiểm tra và đánh giá chất lượng Vaccine cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 cùng dây chuyền sản xuất Vaccine cúm của Viện Vaccine Nha Trang. Kết quả thử nghiệm cho thấy Vaccine đã đáp ứng miễn dịch cao, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80% - 100%.
Hội nghị Bộ trưởng quốc tế về cúm động vật và đại dịch 2010 (Imcapi Hanoi 2010), sẽ tổ chức từ ngày 19-21/4, tại Hà Nội với khoảng 700 đại biểu đại diện cho các bộ ngành như nông nghiệp, chăn nuôi, y tế của khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dự án xây dựng 8 bệnh viện (BV) vệ tinh nhằm giải quyết tình trạng quá tải đã được BV triển khai trong 3 tháng qua, gồm Hà Đông (Hà Nội), Đa khoa Lào Cai 2, Đa khoa Nghệ An, Đa khoa Bắc Ninh, Đa khoa Nam Định, Đa khoa Sơn La, Đa khoa Tuyên Quang và Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên).
YBĐT - Hội Chữ thập đỏ huyện Lục Yên vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện cho 30 người là chủ tịch hội chữ thập đỏ của 24 xã, thị trấn và các tình nguyện viên chữ thập đỏ trong toàn huyện.