Xuất khẩu lao động cần: Phải làm dân tin
- Cập nhật: Thứ ba, 20/4/2010 | 9:10:10 AM
YBĐT - Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, Trạm Tấu (Yên Bái) trực tiếp được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 134, 135 và gần đây nhất là Chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu giúp huyện giảm nghèo nhanh và bền vững.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp tích cực để người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, do nhận thức của người lao động còn nhiều hạn chế nên công tác XKLĐ trên địa bàn huyện vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Ông Hoàng Văn Sâm - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo XKLĐ huyện Trạm Tấu cho biết: Chủ trương XKLĐ ở huyện đã có từ những năm 2004, đến năm 2006, huyện đã có những lao động đầu tiên đặt chân lên nước bạn. Trong 2 năm từ 2006 – 2008, Trạm Tấu đã xuất khẩu 61 lao động. Trong đó: Malaysia 57 lao động và Hàn Quốc 4 lao động. Phần lớn trong số đó là người dân tộc Mông và Thái. Các lao động tham gia xuất khẩu có việc làm ổn định, đã có tiền gửi về nhà phụ giúp gia đình, đặc biệt là lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Giữa năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 71 về hỗ trợ lao động huyện nghèo đi XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ. Theo Quyết định, lao động nghèo khi tham gia xuất khẩu được hỗ trợ toàn bộ chi phí ban đầu như: học tiếng, làm hồ sơ, thủ tục xuất nhập cảnh. Đây được coi là cơ hội vàng cho lao động nghèo Trạm Tấu khi tham gia xuất khẩu. HĐND huyện cũng đưa vào nghị quyết mỗi năm xuất khẩu từ 100 – 120 lao động.
Trong quá trình tuyển, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Vinaconex - đơn vị tuyển lao động từ khâu xây dựng kế hoạch, tư vấn và tổ chức sơ tuyển tại địa phương, lựa chọn ngành nghề phù hợp với trình độ của lao động; doanh nghiệp tuyển lao động ứng tiền hỗ trợ 100% chi phí học nghề và làm hộ chiếu xuất nhập cảnh, doanh nghiệp cũng cam kết và hướng dẫn lao động gửi tiền lương hàng tháng vào tài khoản gửi về cho gia đình. Như vậy, chặng đường xuất khẩu lao động của huyện Trạm Tấu đã có nhiều thuận lợi.
Trước những cơ hội đó, lao động ở nhiều xã đã mong muốn sớm được cải thiện cuộc sống. Anh Hờ A Nhà, thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ – người chuẩn bị XKLĐ cho biết: “Sau khi được cán bộ huyện và Công ty phổ biến chính sách hỗ trợ và tiền lương khi tham gia XKLĐ, tôi rất muốn đi để có cơ hội giảm nghèo nhanh”. Với 34 lao động xuất khẩu trong năm 2009, trong đó 30 lao động sang thị trường Libya, 4 lao động sang thị trường Angiêri, niềm tin của người dân với công tác xuất khẩu lao động đã được khẳng định.
Bên cạnh những lao động thấy được lợi ích khi đi xuất khẩu, lao động ở một số địa phương như thị trấn Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu, Túc Đán và 3 xã khu III vẫn còn hoài nghi về việc làm cũng như thu nhập khi tham gia xuất khẩu nên vẫn chưa tích cực hưởng ứng. Ông Hoàng Văn Sâm cho biết, một số khó khăn đi vận động bà còn tham gia XKLĐ là: cán bộ tư vấn XKLĐ không biết tiếng của đồng bào, địa bàn đi lại khó khăn do các thôn, bản ở cách xa nhau, phần lớn lao động chưa có chứng minh thư nhân dân, trình độ học vấn thấp, người lao động không muốn xa nhà, một số lao động khi tham gia xuất khẩu đã có thông tin sai lệch về tình hình lao động bên nước bạn...
Cùng với những khó khăn đặc thù của một huyện vùng cao, hầu hết người lao động khi tham gia XKLĐ đều băn khoăn, liệu thu nhập và việc làm khi đi xuất khẩu có bảo đảm? Giải đáp những trăn trở của người lao động, cuối năm 2009, doanh nghiệp tuyển lao động đã trực tiếp lên trao tận tay tiền lương của lao động cho người nhà với mức thu nhập thấp nhất 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a, huyện Trạm Tấu đặt ra mục tiêu đến năm 2020 xuất khẩu 1200 lao động. Để thực hiện được mục tiêu này cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Ông Hoàng Văn Sâm nhấn mạnh: Phòng LĐTB-XH sẽ chọn những cán bộ biết tiếng Mông, Thái để tổ chức tư vấn theo từng cụm, tổ chức làm nhanh chứng minh thư nhân dân cho người lao động, đồng thời chọn thị trường lao động phù hợp với trình độ của người lao động, Huyện cần hỗ trợ chi phí tư vấn, doanh nghiệp tuyển lao động phải thường xuyên thông tin tình hình người lao động cũng như phát tận tay tiền lương cho gia đình người lao động.
XKLĐ tạo ra thu nhập chính đáng nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững là một giải pháp đúng đắn đối với huyện vùng cao Trạm Tấu. Song để người dân tin tưởng và coi đây là giải pháp xóa đói giảm nghèo của chính họ thì Trạm Tấu cần có giải pháp thiết thực giúp người lao động yên tâm khi bước sang nước bạn.
Thu Hằng
Các tin khác
Theo Bộ GD-ĐT, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ đến từ các trường ĐH, CĐ cả nước sẽ giảm từ 9.000 người (năm 2009) xuống chỉ còn khoảng 600 người.
Hôm nay (20/4), hai cầu thủ bóng đá của Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam là Văn Thị Thanh và Phạm Thành Lương sẽ tham gia cùng học sinh trong trận đấu bóng đá giao hữu tại Trường Thực nghiệm Liễu Giai, Hà Nội.
YBĐT - Ban nữ công Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trung tâm Giống cây trồng thuộc Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, với nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất và cung ứng giống cây trồng nông lâm nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh.
YBĐT - Nhận thấy thi giải Toán qua mạng Internet là một sân chơi bổ ích giúp các em học sinh nâng cao kiến thức toán học, bổ trợ cho môn toán học tại trường, đồng thời thay thế cho trò chơi game tác động xấu đến hành vi của trẻ, Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã sớm quan tâm đến hình thức học này.