Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình và đăng ký hộ tịch: Có nhưng khó xử
- Cập nhật: Thứ năm, 22/4/2010 | 9:29:47 AM
YBĐT - Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình, đăng ký hộ tịch và chứng thực chủ yếu nhằm mục đích giáo dục cá nhân, tổ chức vi phạm nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung.
Tỷ lệ tảo hôn, có con sớm ở các xã vùng cao chiếm trên 20% (ảnh minh họa).
|
Vi phạm thì nhiều, nhưng…
Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm Luật hôn nhân - gia đình, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và chứng thực còn xảy ra khá nhiều, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào người dân tộc thiểu số trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của ngành dân số, tỷ lệ tảo hôn của tỉnh Yên Bái nói chung chiếm khoảng 7%, ở các xã vùng cao trên 20%. Bên cạnh đó việc số người chung sống với nhau như vợ chồng không có đăng ký kết hôn cũng chiếm một con số không hề nhỏ, khoảng 10%.
Theo phong tục của nhiều dân tộc, khi trẻ em vừa bước sang tuổi 15 - 16 là đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Cha mẹ hai bên sẽ làm lễ dạm ngõ rồi kết hôn cho con, hai đứa trẻ sẽ chính thức trở thành vợ chồng sau đám cưới, nếu bị chính quyền địa phương biết và can thiệp thì họ sẵn sàng "xin khất" để các cháu cứ tiếp tục làm vợ chồng, đợi đến khi đủ tuổi sẽ làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Nhưng thực tế cho thấy, số cặp vợ chồng tảo hôn tự nguyện lên xã đăng ký kết hôn khi đủ tuổi không nhiều. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp vợ chồng đã có đến 3, 4 con chung mà cha mẹ vẫn chưa có hôn thú đàng hoàng.
Bên cạnh việc vi phạm quy định về hôn nhân - gia đình, việc vi phạm trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch, hộ khẩu cũng rất phổ biến. Hiện nay việc đăng ký khai sinh, khai tử đã được miễn lệ phí hoàn toàn nhưng việc trẻ em sinh ra không đăng ký khai sinh theo đúng thời hạn, luật định vẫn còn không ít. Thậm chí có em lên 5, lên 6 tuổi, chuẩn bị vào học lớp một vẫn chưa có khai sinh. Số khai sinh quá hạn thường chiếm khoảng 10% tổng số đăng ký khai sinh.
Còn tình trạng không đăng ký khai tử cho người thân khi qua đời lại càng xảy ra nhiều hơn. Mặc dù, số này đã giảm so với những năm trước đây nhưng vẫn ở mức cao. Khai tử chỉ những trường hợp nào có liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách của bản thân người qua đời và gia đình họ, một phần do cán bộ tư pháp tự điều tra, ghi sổ, còn lại không được theo dõi, thống kê.
Tình trạng thiếu khai sinh, không khai tử dẫn đến khó theo dõi, quản lý sự biến động hay tăng, giảm dân số cho không chỉ chính quyền địa phương mà còn cả các cơ quan chuyên môn khi cần số liệu thống kê, đánh giá. Việc đăng ký và khai báo nhân hộ khẩu cũng thường xảy ra vi phạm và chưa được thực hiện đúng trình tự luật định. Thông tin cá nhân trong sổ hộ khẩu, giấy khai sinh bị tẩy xóa, sửa chữa lem nhem để nhằm hợp lý hóa các loại hồ sơ, giấy tờ khi chứng thực hay đăng ký hộ tịch cũng xảy ra khá thường xuyên và có nhiều trường hợp phức tạp.
Thanh niên tình nguyện Sở Tư pháp khai sinh miễn phí cho trẻ em vùng cao Mù Cang Chải..
(Ảnh: Ngọc Tú)
Khó xử lý với nhiều lý do
Căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và chứng thực là Nghị định 87/2001/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình và mới đây nhất là Nghị định 60/2009/NĐ - CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Nghị định này thay thế Nghị định 76/NĐ - CP với nhiều điểm mới được quy định chặt chẽ hơn và có mức xử phạt cao hơn nhằm ngăn ngừa và hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ khẩu, hộ tịch và chứng thực.
Về nguyên tắc, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trên được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình và đăng ký hộ tịch, hộ khẩu chủ yếu nhằm mục đích giáo dục cá nhân, tổ chức vi phạm nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung. Việc xử phạt đối với người vi phạm là dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa cũng xem xét đến ảnh hưởng và tác động của phong tục, tập quán để vận dụng cho phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật của phần lớn bà con người dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc tự nguyện tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về hôn nhân - gia đình và hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xem xét, xử lý các đối tượng này khi họ vi phạm càng khó khăn và không phải dễ thực hiện đối với những người có thẩm quyền xử lý vi phạm, mà theo cách nói của cán bộ xã là "nịnh nọt còn chưa xong nữa là đòi xử phạt".
Có câu chuyện vui nhưng hoàn toàn có thực xảy ra ở xã vùng cao có đông đồng bào người Dao. Đó là, mặc dù cán bộ tư pháp đã nhiều lần nhắc nhở, thuyết phục, thậm chí đến tận nhà để tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về việc đăng ký khai sinh đúng hạn cho trẻ em nhưng người dân vẫn nhất định không chịu đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con em mình. Thuyết phục mãi không được, cán bộ tư pháp đành phải bảo: "Nếu anh, chị nhất định không chịu đi đăng ký khai sinh cho các cháu thì có thể bị xem xét để xử phạt vi phạm hành chính vì tội cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký khai sinh". Chưa dứt lời, thì một anh người Dao có con 5 tuổi chưa đăng ký khai sinh, thủng thẳng: "Ơ, chả hiểu cái pháp luật của Nhà nước ra sao nữa. Mình cứ tưởng làm chết người (tức là phạm tội giết người) thì mới bị phạt, chứ bây giờ mình làm ra người (sinh con) mà cũng bị phạt. Chả thể hiểu nổi. Mình chả chấp hành đâu".
Chính vì những nhận thức như thế nên việc xem xét xử lý hành chính đối với bà con người dân tộc thiểu số lại càng khó khăn, mặc dù có xử phạt ở mức thấp nhất là cảnh cáo thì họ cũng không chấp hành bởi tính răn đe không cao. Còn nếu áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền có tính răn đe cao hơn thì phần lớn những người dân đó đều là dân nghèo, họ lấy đâu ra 50.000 đến 100.000 đồng để nộp phạt? Vì thế, việc áp dụng các quy định xử phạt với họ hoàn toàn "bất khả thi".
Bên cạnh việc khó xử lý đối với vi phạm trong lĩnh vực hộ tịch, việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn hoặc tảo hôn cũng gặp nhiều trở ngại. Bởi cũng chỉ có hai hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Thậm chí, có không ít cặp tảo hôn cứ tổ chức cưới hỏi và sẵn sàng lên xã nộp phạt. Họ coi việc nộp phạt là đã tuân thủ pháp luật và sau khi nộp phạt thì họ đương nhiên được xã công nhận là vợ chồng theo pháp luật. Có khi cặp vợ chồng tảo hôn lại là người thân quen của cán bộ xã nên xã vẫn cho tổ chức cưới hỏi rồi đợi đủ tuổi để hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn chứ không hề đặt ra vấn đề xử phạt. Có nhiều trường hợp cán bộ thực thi nhiệm vụ phát hiện ra những vi phạm của công dân nhưng vì nể nang là chỗ thân quen, người làng, người xã nên vẫn giúp họ giải quyết các công việc không đủ điều kiện theo quy định hoặc biết việc vi phạm nhưng cố tình làm ngơ. Vì thế, việc xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp này cũng như "bắt cóc bỏ đĩa".
Thiết nghĩ, với những khó khăn trong việc chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình, đăng ký hộ tịch như trên, giải pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền, vận động, thuyết phục theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" đến từng người dân, cần chỉ rõ cho họ nhận thấy lợi ích về chế độ, chính sách, các quyền và nghĩa vụ có liên quan trong việc đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn và đăng ký kết hôn đúng độ tuổi, đúng quy định. Công tác vận động, thuyết phục được làm tốt sẽ góp phần tích cực giảm thiểu số vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình và hộ tịch, hộ khẩu, giúp kiểm soát tốt sự biến động dân số và ổn định về an ninh trật tự của địa phương.
Tân Nhân
Các tin khác
Theo tin từ cơ quan BHXH Việt Nam, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, cơ quan BHXH Việt Nam đã rà soát 263 thủ tục hành chính.
Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 615 yêu cầu dập tắt ngay các ổ dịch, khống chế và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh tai xanh.
YBĐT - Xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 63,3%. Nhằm quyết tâm đưa xã từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã Pá Lau đã tập trung lãnh chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương.
YBĐT - Vừa qua, Thường trực Hội Chữ thập đỏ huyện Lục Yên (Yên Bái) đã vận động các cơ quan, ban, ngành trong huyện với tinh thần tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách”, với tấm lòng hảo tâm, chia sẻ cùng các em học sinh nghèo tại Trường THCS xã Động Quan.