Ở nơi tìm lại đường về
- Cập nhật: Thứ hai, 26/4/2010 | 9:29:24 AM
YBĐT - Chưa thể thống kê một cách chính xác ở Yên Bái có bao nhiêu người nghiện ma túy. Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái thì có khoảng 5.000 đối tượng nghiện đang được theo dõi. Một người nghiện bình thường mỗi ngày dùng ít nhất một liều khoảng 20.000 đồng.
Bữa ăn trưa của các học viên Trung tâm.
|
Như vậy, 5.000 đối tượng nghiện hiện nay mỗi ngày sẽ tiêu tốn ít nhất là 100 triệu đồng. Chúng tôi thật sự sửng sốt khi nghe đồng chí Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội làm một phép tính như thế.
Một ngày tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Yên Bái (trước đây là Trung tâm Cai nghiện tỉnh) thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một xã hội thu nhỏ với nghìn lẻ câu chuyện "cười ra nước mắt" về cuộc đời của các học viên - những người nghiện ma túy đang cai nghiện tập trung ở đây. Nhưng chung quy lại, tất cả những câu chuyện đó đều thấy rõ một vết đen dài ám ảnh họ suốt cuộc đời. Người thân, gia đình, bạn bè không hiểu tác hại của ma túy bằng chính bản thân họ. Bản thân mỗi người nghiện hiểu hơn ai hết sự tàn phá khủng khiếp của ma túy về thể xác, tâm hồn và cả những thứ mất đi của họ vô cùng lớn nhưng lại không dễ gì để rời xa nó. Ma túy như cái bóng đằng đẵng bám theo, giày vò, ám ảnh, đày họ xuống tận đáy xã hội. "Chính vì thế, các bạn đừng ngạc nhiên khi họ nói: "Tôi muốn bỏ ma túy!" - đó là câu nói thật. Và cả khi họ nói: "Tôi nhớ ma túy không chịu được!" thì đó cũng là câu nói rất thật", anh Nguyễn Lâm Ngọc - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh tâm sự với chúng tôi.
700 ngày tự cai
Câu chuyện của anh chàng Chiến trước khi vào Trung tâm này cũng thật hy hữu, không kém bất kỳ câu chuyện "vượt ngục" nào mà tôi đã từng được nghe...
Đỗ Lê Chiến cư trú tại tổ 34, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, có một con gái đang học lớp 6. Anh mắc nghiện từ năm 1992, sau khi đã lập gia đình. Lúc biết Chiến nghiện, gia đình đã họp và vận động anh cai ngay tại nhà. Anh được nhốt trong một căn phòng khép kín rộng 9 m2, đặt một cái ti vi ngoài song sắt để giải trí, chìa khóa phòng chỉ có ông bố được cầm. Đó là ngày 1/1/2007. Cai được một thời gian, anh bắt đầu cảm thấy buồn chán. Mặc dù đã cắt cơn, không thèm thuốc nữa nhưng cảm giác tù túng hành hạ khiến anh khát khao "sổ lồng". Chiến đã tháo chiếc quạt trong phòng, dùng cái trục để khoét và cậy tường.
Đến tết năm 2008, anh đã khoét xong một mảng lớn và xông ra ngoài trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Chiến xác định ra ngoài không phải vì thèm thuốc bởi một năm qua, anh thực sự không còn sử dụng mà do nhiều nhu cầu khác. Song điều đó không được gia đình chấp nhận, anh tiếp tục bị gia đình cưỡng chế tiếp tục cai. Lần này, căn phòng được gia cố thêm một lớp bê tông cùng hai lần cửa - Chiến gọi đó là "lô cốt". Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt cho đến chiếc bát, đũa, thìa ăn cơm cũng đều bằng nhựa để bảo đảm Chiến không còn có cách nào thoát ra. Thời gian này, con gái anh vẫn thường ở bên ngoài cửa sổ chơi với bố. Một lần chơi ô quan cùng con, viên đá cái rơi xuống nền xi măng làm nứt một vệt và trong đầu Chiến lóe lên ý nghĩ về một đường hầm...
Lấy được một chiếc thìa ăn cơm của con gái bỏ quên, Chiến lấy đó làm công cụ bắt đầu thực hiện "công trình" của mình. Chiến đã chọn một góc khuất để đào vòng qua tường sang nhà hàng xóm là anh Tuấn, chủ Khách sạn Hoa Lâm. Đất bới lên, Chiến xả nước cho trôi qua hố vệ sinh tự hoại, còn đá thì xếp vào một góc phủ chiếu lên. Ròng rã bốn tháng trời, đến khi chiếc thìa dài 20cm đã mòn đi chỉ còn vài phân thì đường hầm dài 6m, rộng vừa một người chui cũng hoàn tất.
Vào một buổi sáng, vợ chồng anh Tuấn đang ngồi nói chuyện bỗng nghe có tiếng động sau nhà liền chạy ra xem thì thấy một người từ dưới đất "độn thổ" chui lên. Chiến cười, chào anh Tuấn và nói "Em đi nhờ một tí". Sau một giây ngạc nhiên, anh Tuấn nghĩ thầm: "Thằng này cũng tài thật!" rồi bảo Chiến vào tắm rửa, cho ăn cơm và hứa sẽ không cho ai biết về việc này. Cả ngày hôm đó, gia đình Chiến dáo dác tìm mãi cũng không thấy. Sau lần đó thì Chiến nhất định không cai nữa. Gia đình cũng biết không thể nhốt con cả đời nên cuối cùng đã mua cho anh một chiếc xe máy để chạy xe ôm. Thời gian này, tuy không còn nghiện nhưng ra ngoài gặp bạn bè cũ, thấy chúng chơi thuốc, Chiến cũng không thể kiềm chế được bản thân mình và đến đầu năm 2009 thì bị cưỡng chế vào trại. 700 ngày với bao hy vọng của gia đình và bản thân Chiến đã trở thành công cốc chỉ vì không thể kiềm chế được mình...
Con đường đến với ma túy của các học viên nơi đây có nhiều nguyên nhân khác nhau. Giàng A Chơ ở bản Đê Chơ Ku Bê, xã Púng Luông (Mù Cang Chải) đã có "thâm niên" sử dụng ma túy 12 năm và đây là lần thứ hai vào trại. Mới đầu cũng chỉ là thử vài lần, sau đó thấy sức khỏe “tốt hơn” rồi vài lần nữa đâm nghiện lúc nào không hay. Hơn nữa, việc mua thuốc phiện khá dễ dàng nên đi cai về, thấy người khác dùng là anh lại tái nghiện. Ở đây, có cả những cậu học trò mặt còn búng ra sữa nhưng bởi đua đòi, bốc đồng cùng bạn bè mà dính vào ma túy, dở dang chuyện học hành. Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 400 học viên và cũng từng đó người trở về với xã hội. Tuy nhiên, có bao nhiêu người thực sự hòa nhập cộng đồng?
Một góc nhỏ ở Khu C của Trung tâm.
Đường về... ai đến đích?
Trong cả nghìn lượt người ra đảo cai nghiện, số người trở lại hòa nhập cộng đồng thật khiêm tốn. Người ra khỏi đảo "ngựa quen đường cũ" còn nhiều và kẻ quay về để thác gửi cuộc đời vào bến mê của ma túy cũng không hiếm... Người nghiện nào đã vướng "câu liêm thần chết", ai may mắn thoát khỏi... thì cán bộ trên đảo cũng khó mà kể được. Chỉ biết rằng, người bình thường bước chân vào đảo là vào môi trường phơi nhiễm với HIV/AIDS. Dẫu thế, cuộc sống giữa cán bộ giáo dục, nhân viên y tế, lãnh đạo với hàng trăm người nghiện, nhiễm HIV trên đảo này như một gia đình. Chẳng phải thế mà đã có 2 y tá sau thời gian chăm sóc bệnh nhân đã cảm mến rồi kết duyên với họ và đến nay chung sống hơn 10 năm vẫn rất hạnh phúc. Tuy nhiên, số người thực sự hòa nhập cộng đồng có được bao nhiêu?
Anh Ngọc - Giám đốc Trung tâm cho rằng: "Một người đang sống bình thường nhưng khi đã nghiện sẽ phải chịu nhiều tổn thương, sau nhiều năm cai rồi trở về với xã hội thì những tổn thương cũng vẫn không vơi đi, thậm chí chứa chất nhiều hơn theo năm tháng. Tan nát gia đình, người thân và bạn bè xa lánh, xã hội kỳ thị, không xin được việc làm... và rất dễ hiểu là tại sao họ lại nhanh chóng tái nghiện. Thực sự, họ rất cần được mọi người và xã hội cảm thông, nâng đỡ".
Trong câu chuyện của anh Chiến, anh rất ít nói về tình cảm, sự chăm sóc của gia đình và người thân, đặc biệt là người cha. Giờ đây, ở Trung tâm, Chiến đang sống tốt với sự chăm sóc của các thầy - nơi mà anh cho là thiên đường. Thế nhưng, nào ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau ba tháng nữa khi Chiến hoàn thành 24 tháng cai nghiện và trở về với gia đình, xã hội... Sau tất cả mọi chuyện đã xảy ra, anh Chiến vẫn quyết tâm làm lại cuộc đời. Bởi lẽ, anh vẫn còn có một tài sản vô cùng giá trị và ý nghĩa là cô con gái xinh xắn đang học lớp 6. Con anh rất cần có một mái ấm gia đình, con anh rất cần có một người cha trong cuộc đời. Đó chính là lý do để anh hoàn thành tốt khóa cai nghiện này và để hoàn toàn khỏe mạnh trở về.
Tâm lý của mọi người, của xã hội cho rằng, một người đã nghiện ma túy thì không thể cai nổi. Nhận thức này hoàn toàn sai lầm vì người nghiện ma túy có thể cai được. Cốt yếu ở giải quyết các phần việc sau cai. Một người sau cai trở về hòa nhập cộng đồng không được đón nhận, không được cảm thông, bản thân họ lại tiếp xúc với môi trường xấu và một người đã chịu nhiều tổn thương sẽ rất khó làm chủ mình. Vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết sau cai như thế nào để giúp những người đã từng vướng vào ma túy có thể tái hòa nhập, có thể sống tốt. Trách nhiệm đó không của riêng ngành nào, cấp nào mà là chung của toàn xã hội.
Anh Dũng - Văn Thông
Các tin khác
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, khoảng đêm 26/4, một đợt không khí lạnh mới ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, gây mưa và giảm nhiệt độ ở các tỉnh trong khu vực.
YBĐT - Là trường chuyên biệt của tỉnh Yên Bái, vừa dạy học, vừa bảo đảm việc ăn ở cho học sinh nên làm sao cho các em đủ dinh dưỡng, có sức khỏe tốt để học tập luôn được Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm.
YBĐT - Thành lập từ năm 1976, trải qua 34 năm xây dựng và trưởng thành, trường phổ thông DTNT huyện Trạm Tấu luôn được coi là điểm sáng trong công tác giáo dục ở huyện vùng cao này.
YBĐT- Tình trạng bạo lực gia đình trong những năm qua đã và đang diễn ra phổ biến. Bất bình đẳng giới còn tồn tại ở mọi nơi, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà ngay cả nơi phố thị văn minh và người gánh chịu nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.