Các trường học thực hiện quyền tự chủ: Tự chủ, tự chất lượng
- Cập nhật: Thứ hai, 26/4/2010 | 3:16:35 PM
YBĐT - Ngày 25/6/2009, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Giờ thực hành môn Vật Lý của học sinh lớp 7A1, Trường THCS thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên).
|
Tìm hiểu việc triển khai thực hiện quyền tự chủ trong các đơn vị trường học, chúng tôi đến huyện Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái gặp gỡ, trao đổi với một số nhà quản lý giáo dục xung quanh vấn đề này.
Điểm chúng tôi đến đầu tiên là Trường THCS thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên. Tiếp chúng tôi tại văn phòng nhà trường, thầy giáo Đào Duy Thành- Quyền Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Chúng tôi rất phấn khởi khi được UBND tỉnh, huyện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, biên chế, tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ. Như vậy, quyền hạn và trách nhiệm của chúng tôi được nâng lên, hiệu trưởng, hiệu phó phải nghiên cứu nhiều văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện, ngành... để quản lý, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ từng năm học.
Trước đây, hiệu trưởng, hiệu phó còn phụ thuộc vào cấp trên nhiều, do vậy năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, thậm chí có giáo viên giảng dạy không đáp ứng yêu cầu chuyên môn nhưng vẫn đứng lớp vì không có phương án giải quyết. Nay được giao quyền tự chủ, nhà trường chủ động phương án về công tác tổ chức, bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên; thường xuyên kiểm tra hồ sơ, đánh giá, xếp loại giáo viên từng tháng, từng học kỳ và cả năm học, nếu giáo viên nào chuyên môn yếu, nhà trường sẽ có phương án giải quyết. Cụ thể, nhà trường đang làm hồ sơ cho 2 giáo viên nghỉ theo Nghị định 132 của Chính phủ, trong đó một giáo viên sức khoẻ yếu và một trình độ chuyên môn yếu. Đồng thời, chuẩn bị thành lập Hội đồng tuyển dụng 2 giáo viên mới theo đúng cơ cấu các môn học nhà trường đang thiếu, không còn tình trạng môn thừa vẫn bị “ép” phải nhận thêm, song môn thiếu giáo viên lại không được nhận…
Tại Trường THCS thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ đầu năm học 2009- 2010, Trường được giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, chúng tôi thấy có nhiều thuận lợi hơn. Những năm học trước đây, qua đánh giá, xếp loại giáo viên hàng tháng, học kỳ I và cả năm học, những giáo viên yếu kém về chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ nhắc nhở chứ chưa có phương án đề nghị điều chuyển đi nơi khác. Đầu năm học 2009- 2010, nhà trường đã cho một giáo viên dạy môn Sinh học nghỉ theo Nghị định 132 vì qua đánh giá, xếp loại năm học trước không đáp ứng yêu cầu chuyên môn và đề nghị Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện điều chuyển một giáo viên đang dạy môn Tin học sang trường khác vì không đáp ứng yêu cầu chuyên môn của trường chuẩn quốc gia; điều chuyển một nhân viên dôi dư sang đơn vị khác…
Về tài chính cũng có nhiều thuận lợi. Đầu năm, nhà trường đã biết được cấp bao nhiêu tiền để chủ động có kế hoạch chi tiêu như: trả lương, trả phụ cấp cho giáo viên và chi cho các hoạt động chuyên môn như: trả tiền bồi dưỡng cho giáo viên ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của trường, của huyện; tiền hỗ trợ cho học sinh đi thi học sinh giỏi; tiền thưởng cho học sinh đạt giải… kịp thời hơn. Những năm trước đây, nhà trường phải lập danh sách gửi Phòng Giáo dục- Đào tạo, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện duyệt, nhiều khi kết thúc năm học giáo viên, học sinh mới nhận được nhận tiền thưởng và tiền bồi dưỡng”.
Cũng như huyện Trấn Yên và Yên Bình, ngay từ đầu năm học, thành phố Yên Bái đã giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế cho tất cả các trường. Còn về tài chính, Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố đã tách tài khoản cho các trường xong từ tháng 8/2008.
Thầy giáo Trần Văn Tần- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học trao đổi: “Tháng 6 năm ngoái khi chưa được giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, nhà trường phải nhận 3 giáo viên chuyển từ vùng cao về mà không được quyền quyết định. Qua đánh giá, xếp loại học kỳ I năm học 2009- 2010 của nhà trường, 3 giáo viên này chuyên môn chỉ đạt loại trung bình, chưa đáp ứng được yêu cầu của trường chuẩn quốc gia. Từ nay đến tháng 8/2010, nhà trường sẽ tổ chức 2 đợt thi tuyển giáo viên. Khi được giao quyền tự chủ, nhà trường đặt ra tiêu chí: giáo viên tham gia dự tuyển phải có trình độ từ cao đẳng trở lên. Nếu học đại học tiểu học phải đạt bằng giỏi hoặc khá; nếu bằng cao đẳng thì phải đang tham gia giảng dạy và đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên mới cho dự tuyển. Ngoài xét hồ sơ, giáo viên tham gia dự tuyển phải dạy từ 2- 3 tiết để Hội đồng tuyển dụng của trường chấm điểm, nếu đạt yêu cầu mới nhận”.
Qua đi thực tế tìm hiểu việc thực hiện quyền tự chủ ở một số trường nêu trên của huyện Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái, chúng tôi nhận thấy các trường này đã thực hiện khá tốt quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của đơn vị mình. Đây có thể coi là những mô hình tiêu biểu để các trường thực hiện chưa tốt, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn Nghị định 43/CP.
Trường Nguyễn
Các tin khác
YBĐT - Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe trẻ em với nhiều chương trình hoạt động, trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại tỉnh Yên Bái, công tác tiêm chủng được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những khó khăn nhất định trong nhận thức của người dân.
Từ ngày 1-5, Cục Quản lý môi trường y tế Bộ Y tế chính thức đi vào hoạt động. Đây là cơ quan được tách từ Cục Y tế dự phòng và môi trường theo nghị dịnh 22/2010 của Chính phủ sửa đổi chức năng, cơ cấu của Bộ Y tế, có nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường ngành y tế. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế có cơ quan quản lý chuyên trách về môi trường.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2010, Bộ nhấn mạnh tiếp tục triển khai trong toàn quốc việc tổ chức thi theo cụm trường (bao gồm cụm nhiều trường và cụm chỉ có 1 trường riêng lẻ); hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ nhưng không để xảy ra tình trạng thí sinh bỏ thi vì lý do tổ chức thi theo cụm trường.
YBĐT - Nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc và có cơ hội được bộc lộ năng khiếu ca hát, vừa qua, Sở Giáo dục&Đào tạo đã tổ chức Hội thi “Em hát dân ca”cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong toàn tỉnh.