Giúp học sinh vùng cao tạo dựng sự nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 27/5/2010 | 2:53:28 PM
YBĐT - Với đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt, với các huyện, xã vùng cao thì Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật (TCKTKT) Yên Bái là địa chỉ được nhiều cán bộ và con em đồng bào các dân tộc thiểu số tìm đến. Các khóa đào tạo tốt nghiệp ra trường đã cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho các địa phương.
Nhiều học sinh vùng cao học tập tại Trường TCKTKT phải đương đầu với khó khăn bởi chuyện cơm, áo, gạo, tiền.
|
Theo Ban giám hiệu nhà trường, phần đông cán bộ chủ chốt xã ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, một số xã vùng cao của huyện Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên... đều được đào tạo dưới mái trường này.
Trường TCKTKT được thành lập sau khi sáp nhập Trường TH Nông, lâm nghiệp và Trường TH Kinh tế với chức năng đào tạo cán bộ các ngành khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường và khối kinh tế. Đồng thời bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về quản lý kinh tế, tài chính kế toán, khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường cho đội ngũ cán bộ và người lao động trong các ngành kinh tế, kỹ thuật, các doanh nghiệp, các cơ sở xã, phường, thị trấn và hợp tác xã. Năm học 2009 - 2010 Trường TCKTKT có 821 học sinh hệ chính quy.
Trong đó có tới 50% là học sinh các dân tộc thiểu số, đây cũng là một đặc thù của nhà trường. Đối với hệ đào tạo chính quy trường có 2 loại hình: đào tạo hệ 2 năm cho học sinh đã tốt nghiệp THPT và hệ 3 năm đối với học sinh hoàn thành chương trình THCS (loại hình này học sinh được học lồng ghép chương trình giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp). Đây là điều kiện thuận lợi để cán bộ, con em đồng bào các dân tộc thiểu số được học tập chuyên ngành đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.
Điều kiện tuyển sinh của nhà trường tương đối đơn giản, chỉ cần xét tuyển dựa trên kết quả học tập và hạnh kiểm ở học bạ của học sinh. Tuy vậy trong 2 năm học trở lại đây, mặc dù nhà trường đã tích cực, chủ động trong công tác tuyển sinh, song hệ chính quy không đạt chỉ tiêu (năm học 2009 - 2010 tuyển sinh đạt 85,5% chỉ tiêu). Trong khi đó trong quá trình học tập tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn ngày một tăng là trăn trở đang đặt ra với nhà trường. Năm học 2008 - 2009, toàn trường có 38 học sinh bỏ học, năm học 2009 - 2010 là 48 em. Trong đó, 47/48 em bỏ học là do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn.
Cô Ngô Thị Lụa - Phó hiệu trưởng nhà trường, phụ trách đào tạo cho biết: "Gặp gỡ nhiều học sinh, các em đều tâm sự mặc dù rất muốn học tiếp nhưng do hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu để các em theo học".
Thực tế mỗi học sinh là người dân tộc thiểu số học tập tại trường đều được miễn học phí và được hưởng trợ cấp 140 nghìn đồng/tháng. Đồng thời trường cũng tạo điều kiện để học sinh thuộc diện ưu tiên được ở ký túc xá không phải đóng tiền, mở căng-tin phục vụ bữa ăn với giá rẻ... Với những điều kiện và mức trợ cấp này trước đây học sinh có thể lo đủ ăn uống trong tháng. Khi giá cả tăng cao, đồng tiền trượt giá, bữa ăn được nâng từ 5 nghìn đồng/bữa lên 8 nghìn đồng/bữa và thời điểm hiện tại là 10 nghìn đồng/bữa thì số học sinh bỏ học đã không ngừng tăng.
Ngoài hệ đào tạo chính quy, nhà trường còn đào tạo tại chức theo nhu cầu của địa phương, như: khóa học 1999 - 2002, đào tạo lớp trung học Trồng trọt tại huyện Mù Cang Chải, khóa học 2003 - 2005, mở lớp TH quản lý kinh tế nông nghiệp (học tập trung tại trường) cho 51 học sinh của 2 huyện Trạm Tấu và Mù cang Chải, khóa 2006 - 2009, mở lớp TH Trồng trọt hệ vừa làm vừa học cho 51 cán bộ chủ chốt, phụ trách đoàn thể cấp xã của huyện Lục Yên... Qua các khóa đào tạo này đã nâng cao trình độ, kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ các địa phương góp phần quan trọng trong việc lãnh chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Em Sùng A Của, thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ (Trạm Tấu), học hết lớp 9, em nộp hồ sơ vào lớp Địa chính hệ 3 năm tại trường. Khó khăn về tiền sinh hoạt đã khiến em phải tính toán để tiếp tục học tập, xây dựng tương lai cho mình. A Của cho biết: Thời gian đầu em ở ký túc xá, sau em cùng với Sùng A Phàng, Sùng A Cò là người cùng xã học tại trường chuyển ra ngoài thuê một phòng trọ với giá 250 nghìn đồng/tháng để được nấu ăn (theo quy định, nhà trường không cho học sinh nấu ăn trong ký túc xá). Các em tính rằng với việc mang gạo từ nhà đi, 3 em đóng góp vào mua đồ về nấu cơm ăn mỗi bữa hết chưa đến 5 nghìn tiền thức ăn/người. Như vậy dù có phải trả tiền thuê nhà nhưng chi phí vẫn rẻ hơn ăn cơm ở căng-tin với giá tối thiểu 10 nghìn đồng/bữa.
Học sinh thuộc các huyện, xã vùng cao sau khi tốt nghiệp ra trường, các em là nguồn nhân lực quý giá đối với địa phương. Cho dù không phải tất cả đều được làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước, các doanh nghiệp hay nông, lâm trường... nhưng những kiến thức được học trong nhà trường sẽ là vốn kiến thức quan trọng để các em vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình, thay đổi tư duy, nếp làm ăn cũ ở vùng cao. Do đó để học sinh người dân tộc thiểu số giảm bớt khó khăn, yên tâm học tập, thiết nghĩ tỉnh cần điều chỉnh chính sách trợ cấp đã xây dựng từ nhiều năm trước cho phù hợp, giúp học sinh vùng cao giảm bớt khó khăn trong bước đường trang bị kiến thức chuyên ngành, tạo dựng sự nghiệp cho mình.
Đây cũng là một trong những chính sách trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở hai huyện vùng cao khó khăn nhất nước là Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Ngọc Tú
Các tin khác
Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái: Đáp ứng công tác tuyên truyền trong tình hình mới
YBĐT - Ngày 27/5, Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Yên Bái tổ chức Đại hội Chi hội lần thứ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2010 - 2012.
Thời tiết các tỉnh Bắc bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của rìa phía bắc rãnh áp thấp nên tại nhiều nơi có mưa rào và dông rải rác
YBĐT - Theo dự tính của các nhà quản lý giáo dục trong tỉnh, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010 của tỉnh Yên Bái sẽ cao hơn năm trước, bởi chất lượng đầu vào của học sinh khối 12 của các trường THPT cao hơn.
Được sự đồng ý của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI - 2010. Đây là diễn đàn của các vị lãnh tụ Phật giáo trên thế giới, mục đích thảo luận và đưa ra các giải pháp về những vấn nạn toàn cầu liên quan đến những diễn biến thời sự nóng bỏng trên thế giới hiện nay.