Thay đổi một thói quen lạc hậu
- Cập nhật: Thứ năm, 17/6/2010 | 9:48:35 AM
YBĐT - Trong sinh hoạt hàng ngày, nói đến que, người ta thường chỉ nghĩ đến những ứng dụng của nó như đề làm rào, làm củi. Thế nhưng, đối với 40 - 50% số gia đình dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ sống trong những làng, bản chỉ cách khu vực trung tâm thị xã chưa đầy cây số thì que bấy lâu còn có một ứng dụng nữa mà những người ngoài cuộc ít ai có thể tưởng tượng nổi, đó là dùng que thay cho giấy vệ sinh khi đi đại tiện.
Cần xây dựng chuồng trại ra khỏi gầm nhà để đảm bảo vệ sinh và phù hợp với điều kiện sinh hoạt vùng nông thôn Yên Bái.
|
Dùng que - chuyện thường ngày ở bản
Khu di dời dân khỏi vùng lũ bản Pưn - xã Nghĩa Phúc chỉ có 6 hộ dân thì 5 hộ đi chung công trình phụ - ấy là ba cái hố khoét bên chân đồi, mỗi hố cuốn một, hai mảnh bạt rách. Vào nhà anh Lường Văn Xiểng, ngoài căn nhà để ở thì không có bất kỳ một công trình phụ nào kể cả chuồng trại chứ chưa nói gì đến nhà vệ sinh. Được biết, gia đình anh Xiểng chuyển về đây từ năm 2008, do hoàn cảnh khó khăn nên chưa có điều kiện làm chuồng trại và công trình vệ sinh. Bởi vậy hai vợ chồng và hai con nhỏ đi vệ sinh chung cùng các hộ ở ven đồi. Giáp cạnh nhà anh Xiểng, hộ ông Lường Văn Hào, mặc dù kinh tế có khá giả hơn nhưng gia đình ông cũng chưa nghĩ đến việc làm nhà vệ sinh, còn chuồng trại thì ông căng tạm bạt để che mưa, che nắng cho gia súc.
Ông Hào “hồn nhiên” kể: “Dân ở đây đi vệ sinh vào hố tự đào và toàn dùng que thôi. Từ trước đến giờ vẫn thế chứ chẳng có điều kiện làm nhà vệ sinh như những nhà trên phố đâu. Ăn còn thiếu lấy đâu ra tiền mà đầu tư làm nhà vệ sinh.” Chị Lò Thị Ngay địu đứa con chưa đầy tuổi, mắt đầy gỉ nhèm thì bảo: “Vẫn biết không chỉ những thói quen không tốt trong sinh hoạt hàng ngày mà cả ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh của các hộ gia đình, kể cả gia đình tôi chưa cao, ảnh hưởng xấu, trực tiếp tới sức khoẻ, thường xuyên nhất là các bệnh tiêu chảy, đau mắt, da liễu..., song do thói quen và điều kiện nên các hộ gia đình ở đây vẫn chưa thể thay đổi”
Có phải do không có điều kiện...?
Có thể khẳng định ngay là không phải dùng que khi đại tiện do không có điều kiện mua giấy vệ sinh. Bởi vì, ngay với một gia đình là cán bộ xã, có trình độ nhận thức hơn hẳn, gia đình có công trình chuồng trại kiên cố, hố xí hợp vệ sinh, song thói quen dùng que khi đại tiện thì vẫn giữ nguyên. Nếu có hơn thì là ở chỗ có một xô đựng que sạch và một xô đựng que “đã qua sử dụng”. Rồi đến các hộ dân, dù đã được hỗ trợ xây dựng hố xí hợp vệ sinh thì vẫn còn khoảng 50% số hộ là dùng que. Đặc biệt ở nhiều hộ có kinh tế khá giả, chắc chắn thừa khả năng mua giấy vệ sinh nhưng thiếu ý thức sử dụng nó. Theo chị Hoàng Thị Tuyên, thôn Đêu 3, xã Nghĩa An thì ngay như gia đình chị cũng đã quen với việc dùng que sau khi đi vệ sinh, mặc dù cũng thấy là không được sạch sẽ và an toàn, nhất là dùng cho trẻ em. Gia đình cũng có đủ điều kiện mua giấy vệ sinh nhưng dùng que quen rồi nên không nghĩ tới việc mua giấy nữa...
Rõ ràng, vấn đề điều kiện kinh tế chỉ là thứ yếu, còn chủ yếu vẫn là thói quen, nhận thức, ý thức của mỗi hộ dân về công tác vệ sinh môi trường. Tuy không có điều kiện kinh tế làm chuồng trại, công trình vệ sinh kiên cố thì chí ít đến với những hộ làm nông nghiệp, hố vệ sinh của gia đình cũng phải được che chắn kín đáo bằng tre, nứa, lợp ranh, cọ tránh mưa gió, đồng thời bên trong phải có tro để đổ, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường. Không có tiền mua giấy vệ sinh tốt thì có thể tận dụng giấy cũ hoặc mua giấy vệ sinh rẻ tiền. Những điều tưởng chừng đơn giản nhưng hầu hết các gia đình ở đây đều không làm được.
Cũng chỉ bởi đơn giản đó là thói quen - một thói quen không tốt. Bi hài hơn thói quen này còn được người dân mang đến “áp dụng” ở những công trình vệ sinh hiện đại như bệnh viện, hay các công trình vệ sinh công cộng của trụ sở các xã, phường. Không thiếu chuyện dở khóc dở cười khi người dân dùng que tại các công trình vệ sinh công cộng, gây bao phiền toái và thiệt hại về kinh phí sửa chữa. Và trực tiếp hơn cả, thói quen xấu trong giữ gìn vệ sinh môi trường đã gây ảnh hưởng đến chính sức khoẻ và cuộc sống của họ và cộng đồng. Bản thân những người dân ấy hầu như ai cũng biết nhưng không ai bận tâm.
Hỗ trợ làm hố xí hợp vệ sinh cần đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trước thực trạng này từ năm 2009, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông nghiệp - nông thôn”. Trong đó, tập trung vận động nhân dân đào hố rác và xử lý rác thải; hỗ trợ xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, xây dựng hố xí hợp vệ sinh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án này trong năm 2010 là tập trung xây dựng hố xí hợp vệ sinh cho nhân dân với tổng số đã đăng ký là 780 cái. Đây là một việc làm cụ thể, thiết thực, từng bước nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, đi đôi với việc làm này cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường. Nếu hố xí đủ điều kiện nhưng ý thức vệ sinh môi trường của người dân chưa cải thiện thì công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được đảm bảo.
Năm 2010, Nghĩa An là xã đăng ký xây dựng hố xí hợp vệ sinh nhiều nhất, 234 chiếc và sớm xác định việc triển khai xây dựng các công trình vệ sinh cần gắn chặt với công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân.
Theo bà Hoàng Thị Phượng – Phó bí thư Đảng ủy xã thì việc truyên truyền, vận động nhân dân bỏ thói quen dùng que là một việc làm khó, nhưng không phải là không làm được, nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở; phân công cụ thể số hộ để các ban, ngành, đoàn thể phụ trách tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở. Đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Làm được thế, chắc chắn từng bước người dân sẽ xoá bỏ được thói quen không tốt và nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường".
Tiến Hưng
Các tin khác
YBĐT - Trong 5 năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” do Hội đồng Đội Trung ương phát động, thiếu nhi Yên Bái đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, có nhiều hoạt động thiết thực làm theo lời Bác.
YBĐT - Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn đều cư trú ở bản Chiềng Pằn, xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.
YBĐT - Trong giai đoạn (2005 - 2010), Lục Yên (Yên Bái) có trên 95% cơ sở, chi, tổ, 90% hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) các xã, thị trấn đăng ký thực hiện phong trào thi đua xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh.
Với 94,59%, tính đến nay TP.HCM là địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất phía Nam (vốn phổ biến ở mức trên 80%). Trong khi đó, ở các tỉnh phía Bắc cũng không tỉnh thành nào có tỉ lệ dưới 90%.