Thị xã Nghĩa Lộ: Sẽ không còn "nhà không số, phố không tên"!
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/6/2010 | 10:04:31 AM
YBĐT - Qua khảo sát sơ bộ, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có 151 tên đường, 180 tên ngõ, 48 ngách và trên 4.447 nhà. Việc đặt tên phố, tên đường phải tôn trọng và mang ý nghĩa lịch sử cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, 17 tên phố cũ được đề nghị đổi thành 17 tên đường mới và đặt tên cho 12 tuyến đường mới.
Một góc thị xã Nghĩa Lộ hôm nay.
|
Thị xã Nghĩa Lộ được tái lập theo Nghị định 31/NĐ-CP ngày 15/5/1995 của Chính phủ gồm 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Pú Trạng và Cầu Thia. Năm 2003, thị xã được điều chỉnh mở rộng không gian địa giới hành chính với việc sáp nhập thêm 3 xã: Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nghĩa Lộ thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh - quốc phòng khu vực phía tây của tỉnh Yên Bái, Đảng bộ thị xã đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các thiết chế văn hóa như: hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thị xã đến năm 2015 và 2020; quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; rà soát và tập trung xây dựng các chương trình dự án đầu tư tôn tạo, nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa cần thiết từ cấp thị đến các xã, phường... Tuy nhiên, đến nay, Nghĩa Lộ vẫn còn tình trạng "nhà không số, phố không tên" và vấn đề này đang được thị xã quyết tâm khắc phục.
Xuất phát từ thực tế
Đã nhiều năm nay, tại các kỳ họp hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của thị xã Nghĩa Lộ, vấn đề được các đại biểu quan tâm đưa ra bàn thảo là việc đánh số và gắn biển số nhà, đặt tên đường phố. Rất nhiều đại biểu HĐND nhất trí cho rằng, đây là một việc làm cần thiết, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính và quản lý chặt chẽ về nhà ở; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động giao dịch kinh tế - văn hóa - xã hội; đảm bảo an ninh trật tự đô thị và cũng là một tiêu chí thông tin văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với tình hình thực tế, tốc độ đô thị hóa trong thời kỳ đổi mới.
Tới đây, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ; nhà sẽ có số, phố sẽ có tên.
(Ảnh: Nguyễn Đức Phương)
Theo các đại biểu HĐND thị xã, năm 1996, UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định đánh lại biển số nhà và đặt tên đường phố. Việc này, thị xã đã giao cho Phòng Văn hóa thị xã tham gia thực hiện nhưng do nhiều nguyên nhân nên toàn bộ số nhà có từ thời thị trấn Nghĩa Lộ cũ cho đến nay vẫn để nguyên, còn tên đường thì đặt không phù hợp.
Qua khảo sát sơ bộ, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có 151 tên đường, 180 tên ngõ, 48 ngách và trên 4.447 nhà. Việc đặt tên phố, tên đường phải tôn trọng và mang ý nghĩa lịch sử cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, 17 tên phố cũ được đề nghị đổi thành 17 tên đường mới và đặt tên cho 12 tuyến đường mới.
Ông Cao Chu Huân - HĐND phường Pú Trạng cho biết, cử tri phường cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền thực hiện công tác gắn biển số nhà và tên đường phố. Bởi thực tế hiện nay, thư tín, điện báo cũng như các vấn đề liên quan đến việc nhận, gửi của nhân dân vì không có số nhà nên ngành bưu điện đều phải thông qua tổ trưởng dân phố, gây phiền hà và không bảo đảm quyền thông tin cá nhân. Đặc biệt, lực lượng công an địa bàn cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu mới phát sinh, dẫn đến không bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.
Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 13, HĐND thị xã khóa XII đã đưa ra Đề án gắn biển số nhà và tên đường phố được đa số các đại biểu nhất trí biểu quyết thông qua. Đề án được triển khai thực hiện trong năm 2009 và 2010. Theo đó, địa bàn triển khai thực hiện tập trung ở 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Pú Trạng và Cầu Thia. Trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức và nhà ở của các hộ gia đình đều được đánh số, gắn biển cũng như các trục đường đều được gắn tên.
Cho đến thời điểm này, HĐND tỉnh Yên Bái đã có nghị quyết phê chuẩn đồng thời UBND tỉnh ra quyết định về việc đánh số, gắn biển số nhà và đặt tên đường phố của thị xã Nghĩa Lộ. Còn về phía địa phương thì đang xây dựng báo cáo kỹ thuật điều chỉnh để đưa vào triển khai cụ thể.
Xã hội hóa Đề án
Thực hiện Đề án này cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân theo phương châm xã hội hóa và theo cơ chế Nhà nước với nhân dân cùng làm. Tiến độ thực hiện Đề án là 2 năm và trong năm 2009, thị xã đã hoàn chỉnh thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai cắm biển tên đường, ngõ, ngách và đánh số, gắn biển số nhà ở khu vực thí điểm. Năm 2010, Nghĩa Lộ tiến hành đồng loạt việc đánh số, gắn biển số nhà trên toàn địa bàn; cấp giấy chứng nhận số nhà cho các tổ chức, hộ gia đình. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án là 550 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư 430 triệu đồng và các cơ quan, tổ chức, nhân dân đóng góp 120 triệu đồng.
Theo ông Lò Văn Vi - Thường trực HĐND thị xã Nghĩa Lộ, ngay sau khi Đề án được HĐND các cấp phê duyệt, thị xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về chủ trương đánh số, gắn biển số nhà và tên đường phố đồng thời vận động đóng góp, ủng hộ kinh phí để chung sức cùng Nhà nước. Một vấn đề mà nhân dân đang rất quan tâm, đó là nhằm phát huy tính xã hội hóa, thị xã nên đưa phương án đánh số, gắn biển số nhà và tên đường phố để tham khảo ý kiến của nhân dân. Điều này sẽ giúp cho mỗi tên đường, tên phố thể hiện rõ nét tính lịch sử cũng như quá trình phát triển của địa phương.
Đặt tên đường phố, gắn biển số nhà là việc làm cần thiết vì nếu làm tốt sẽ nâng cao chất lượng quản lý đô thị, công tác thông tin liên lạc, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu, mong muốn của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, giúp thay đổi từng bước diện mạo đô thị và tiến tới xây dựng thị xã Nghĩa Lộ văn hóa.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 17/6/2010, tại Trung tâm Giới thiệu viêc làm phụ nữ tỉnh Yên Bái, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) phối hợp với Ban điều hành Dự án các cấp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2010, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Dự án “Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tại tỉnh Yên Bái”.
YBĐT - Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua huyện Văn Chấn đã phát động các phong trào thi đua phù hợp, sát với yêu cầu nhiệm vụ thực tế của từng cơ quan đơn vị, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng huyện phát triển toàn diện.
Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2010), thay mặt Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thư chúc mừng các nhà báo.
YBĐT - Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Yên Bái năm học 2009-2010 với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ giáo dục trung học phổ thông đạt 98,51%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 92,17%. >>>Tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng